Giá vàng nhẫn tăng 'không tưởng'

Thanh Xuân
Thanh Xuân
08/04/2024 06:40 GMT+7

Đà tăng giá bất thường đã chuyển từ vàng miếng SJC sang vàng nhẫn. Đến cuối tuần qua, giá vàng nhẫn đang bứt tốc chưa có điểm dừng. Trong khi đó, đã quá hạn hơn 1 tuần nhưng vẫn chưa thấy Ngân hàng Nhà nước thông tin về điều chỉnh Nghị định 24 quản lý thị trường vàng như yêu cầu của Chính phủ.

Tăng gấp đôi vàng miếng

Bất chấp ngày cuối tuần, giá vàng nhẫn 4 số 9 vẫn không ngừng tăng và thiết lập một kỷ lục không ai tưởng tượng nổi, lên 74,5 triệu đồng/lượng. Ngày 7.4, Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vàng nhẫn lên 73,07 triệu đồng, bán ra 74,47 triệu đồng (mức cao nhất trong ngày lên 74,57 triệu đồng). Tập đoàn Doji mua vào 72,9 triệu đồng, bán ra 74,35 triệu đồng. Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vào 71,8 triệu đồng, bán ra 73,1 triệu đồng… 

Dù giá ở mức cao nhưng thị trường lại khan hiếm vàng nhẫn. Hôm qua, chúng tôi liên hệ với cửa hàng PNJ Cách Mạng Tháng 8 (Q.3, TP.HCM), nhân viên bán hàng cho biết hiện còn hai nhẫn loại 5 phân. Xem trên hệ thống các cửa hàng khác cùng địa bàn, hầu hết đều hết vàng nhẫn, có 1 - 2 điểm chỉ còn lại một nhẫn loại 1 chỉ. "Mặc dù giá vàng tăng mạnh nhưng nhiều người hỏi mua vàng nhẫn", nhân viên bán hàng giải thích.

Biến động vàng ngày 8.4: Bẫy giảm giá rình rập giá vàng

Như vậy, chỉ trong một tuần, giá vàng nhẫn đã tăng 2,6 triệu đồng/lượng (tương ứng mức tăng 3,7%). Tốc độ tăng giá của vàng nhẫn gấp đôi vàng miếng (chỉ tăng 1,3 triệu đồng - tương ứng 1,6%). Công ty SJC mua vào vàng miếng với giá 79,5 triệu đồng, bán ra 81,9 triệu đồng. Công ty PNJ mua vào 79,5 triệu đồng, bán ra 81,9 triệu đồng. Tập đoàn Doji có giá bán lên 82 triệu đồng, mua vào chỉ 79 triệu đồng. 

Giá vàng miếng SJC có mức thấp nhất thị trường thuộc về Công ty Bảo Tín Minh Châu ở mức 81,65 triệu đồng chiều bán ra, mua vào 79,6 triệu đồng. Với tốc độ tăng giá bất thường của vàng nhẫn, vàng miếng SJC rút ngắn mức cao hơn nhẫn xuống còn 7,5 - 8,9 triệu đồng mỗi lượng, thay vì từ 10 - 12 triệu đồng/lượng trước đó.

Giá vàng nhẫn tăng 'không tưởng'- Ảnh 1.

Vàng nhẫn đang khan hiếm và giá tăng nhanh

Ngọc Thắng

Không chỉ tăng nhanh hơn vàng miếng trong nước, giá vàng nhẫn tăng nhanh hơn cả giá trên thị trường quốc tế. Trong 7 ngày qua, giá vàng thế giới tăng 70 USD/ounce, tương ứng khoảng 2 triệu đồng/lượng, lên 2.330 USD/ounce. Còn giá vàng nhẫn tăng tới 2,6 triệu đồng/lượng và đang cao hơn giá thế giới từ 2,5 - 3,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tăng quá nhanh khiến nhiều người "tiếc hùi hụi" vì bán quá sớm. Anh C.N (Q.3, TP.HCM) mua 2 lượng vàng nhẫn từ trước tết và bán cách đây khoảng chục ngày ở giá 68 triệu đồng/lượng, thu về 9 triệu tiền lãi. Nếu để đến hiện nay, số lãi đã tăng lên gấp đôi. "Thị trường kháo nhau ngày 31.3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo đề xuất giải pháp sửa đổi Nghị định 24 với Chính phủ thì giá vàng sẽ giảm mạnh. Thế nên trước hai ngày, tôi mang vàng đi bán. Bán xong giá vàng giảm thật, lại tưởng mình may mắn. Nào ngờ đến giờ vẫn chưa có thông tin gì về sửa đổi Nghị định 24 còn giá vàng thì tăng phi mã. Chẳng biết đường nào mà lần", anh N. than trời.

Lý giải về cơn tăng giá bất thường của vàng nhẫn, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho rằng thị trường đang có xu hướng dịch chuyển sang vàng nhẫn do người mua lo ngại giá vàng miếng SJC ở mức cao. Trong khi đó, thị trường vàng nhẫn không đủ nguồn nguyên liệu nên rơi vào tình cảnh khan hiếm dù không phải là thương hiệu độc quyền, dẫn đến ngày càng trở nên đắt đỏ. 

"Theo một số dự báo của các chuyên gia nước ngoài, giá kim loại quý quốc tế có thể lên 2.500 - 2.600 USD/ounce, lúc này vàng nhẫn cũng có thể sẽ lên 77 - 78 triệu đồng/lượng. Trong bối cảnh giá vàng miếng SJC không biến động nhiều thì khả năng giá vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng có thể rút ngắn còn 1 - 2 triệu đồng/lượng", ông Khánh nói.

Vì sao NHNN im lặng?

Hơn một tuần sau thời hạn Chính phủ yêu cầu NHNN tổng kết, báo cáo về Nghị định 24 nhưng NHNN vẫn chưa chính thức công bố đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Trước đó, Chính phủ liên tục có những công văn, cũng như các cuộc họp liên quan đến nghị định này.

Thực tế, các bất cập trên thị trường vàng không phải đến nay mới được đặt ra. Năm 2017, NHNN được Chính phủ giao nhiệm vụ "quản lý hiệu quả thị trường vàng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án chống vàng hóa, trong đó các giải pháp cần có lộ trình triển khai phù hợp với thực tiễn của VN, nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh nguồn lực vàng". 

Tại tờ trình sửa đổi Nghị định 24 lúc bấy giờ, NHNN cho rằng: "Việc quản lý thị trường vàng trong nước thời gian tới sẽ tập trung vào mục tiêu ổn định bền vững thị trường vàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thoát ly tác động của giá vàng đến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô". Năm 2022, NHNN đã lập đoàn nghiên cứu, đi kiểm tra thực tế, đánh giá thị trường vàng trong nền kinh tế, nhu cầu của người dân… Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có một cơ chế nào đổi mới thị trường vàng trong khi giá vàng trong nước ngày càng đắt đỏ hơn so với giá vàng thế giới.

Giá vàng nhẫn tăng 'không tưởng'- Ảnh 2.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, quan trọng nhất lúc này là nguồn nguyên liệu vàng sản xuất đang cạn đi. Các đơn vị kinh doanh vàng gần như không dám đụng đến những nguồn nguyên liệu trôi nổi bên ngoài vì rủi ro cho hoạt động kinh doanh. Năm ngoái, hiệp hội đã có kiến nghị NHNN cho phép 3 đơn vị được nhập khẩu mỗi đơn vị 500 kg vàng nguyên liệu. Nếu đề xuất này sớm được thông qua, mỗi đơn vị nhập về hơn 13.300 lượng vàng trong 6 tháng sẽ giải quyết được tình trạng vênh giá vàng nhẫn hiện nay.

Tương tự, TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng cơ quan công an, quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý còn nhu cầu vàng nhẫn lại đang tăng cao. Tình trạng khan hiếm vàng nguyên liệu xảy ra nên dẫn đến giá tăng bất thường gần đây. "Cho phép nhập vàng chính ngạch với khối lượng vừa đủ vừa giải quyết được vấn đề giá vàng, tiêu tốn USD nhưng quản lý được. Còn để vàng trôi nổi ngoài thị trường thì cũng phải tiêu tốn ngoại tệ mà lại quản lý không được", ông Huân đề xuất.

Ông Huỳnh Trung Khánh cũng cho rằng bên cạnh cho phép nhập khẩu nguyên liệu, vấn đề bỏ độc quyền vàng miếng cũng đang được thị trường chờ đợi khi sửa đổi Nghị định 24. Những giải pháp này nên sớm được công bố vì nếu tính độ trễ thì cũng mất vài tháng mới có tác dụng lên thị trường. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân nói thêm bỏ độc quyền vàng miếng và chuyển sang cạnh tranh hoàn toàn thì mới có thể kéo giá trong nước bám sát giá thế giới. Còn bỏ độc quyền và chuyển sang độc quyền nhóm thì giá có thể giảm nhưng chưa chắc bám sát thế giới bởi các nhà vàng có thể thống nhất với nhau vì một lợi ích chung. Nếu hướng đến mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới thì ngoài bỏ độc quyền còn phải thực hiện phát triển sàn vàng vật chất (không phải vàng tài khoản) để người mua bán vàng có thể thực hiện giao nhận thực tế.

Mua vàng nhiều rủi ro

Về mặt kỹ thuật, giá vàng thế giới có khả năng còn tiếp tục tăng trong tuần tới, lên mức kháng cự 2.342 USD/ounce, ngưỡng tâm lý quan trọng ở 2.350 USD/ounce. Lúc đó, có thể giá vàng nhẫn sẽ bị đẩy lên, đắt hơn 5 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới. Dù vậy, những người mua vàng thời điểm này chịu nhiều rủi ro, lỗ cao hơn lời bởi chênh lệch giữa giá mua - giá bán ở mức cao, lên hơn 1,3 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia vàng Dương Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.