Giá điện thấp không khuyến khích được sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

30/08/2023 16:08 GMT+7

Tổng cung năng lượng sơ cấp trên thu nhập nội địa (GDP) của Việt Nam cao gấp 3 lần so với Nhật Bản, Singapore. Nếu tiếp tục duy trì cơ chế giá điện thấp sẽ không khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Đó là chia sẻ từ các chuyên gia tại Diễn đàn nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 30.8, tại Hà Nội.

Giá điện thấp không khuyến khích được sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên chia sẻ tại diễn đàn

PHAN HẬU

Ông Nguyễn Văn Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả Việt Nam, cho biết mức tiêu thụ điện bình quân/người và mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng trên GDP (kgOE/1.000 USD) của Việt Nam giai đoạn từ 2016 - 2021 tăng trưởng ở mức cao.

Năm 2016, mức tiêu thụ điện bình quân là 1.117 kWh/người, thì đến năm 2021 tăng hơn 2 lần, lên 2.276 kWh/người. Mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng trên GPD năm 2016 là 307 kgOE/1.000 USD, thì đến năm 2018  tăng lên mức cao nhất là 322 kgOE/1.000 USD. Sau đó, trong các năm 2019, 2020 lần lượt là 321 kgOE/1.000 USD và 320 kgOE/1.000 USD và đến năm 2021 thì giảm xuống 312 kgOE/1.000 USD.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Long, nếu so sánh tổng cung năng lượng sơ cấp trên GDP thì Việt Nam chỉ thấp hơn Ấn Độ và cao hơn rất nhiều quốc gia khác; riêng với Nhật Bản, Singapore thì cao gấp 3 lần.

Cụ thể, tổng cung năng lượng sơ cấp của Việt Nam là 281 kgOE/1.000 USD. Trong khi đó, Singapore chỉ có 89 kgOE/1.000 USD, Nhật Bản là 103 kgOE/1.000 USD, Mỹ là 103 kgOE/1.000 USD, Ấn Độ là 310 kgOE/1.000 USD, Trung Quốc là f278 kgOE/1.000 USD, Indonesia là 186 kgOE/1.000 USD…

Mấu chốt là chuyển giá điện sang giá thị trường

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, thống kê của Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả Việt Nam cho thấy nhu cầu tiêu thụ điện trong những năm qua tăng rất nhanh. Nhưng việc sử dụng điện hiệu quả còn chậm chuyển biến. Việt Nam đã giảm được chỉ số tiêu thụ điện tính trên 1.000 USD nhưng so sánh với nhiều nước thì cường độ sử dụng, tiêu tốn điện năng đang ở mức rất cao.

Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là chuyển giá điện sang giá thị trường. Nhưng với hệ thống giá điện đang duy trì xét trên bình diện quốc gia thì cơ chế hiện nay không thể hiệu quả được, khó cân đối được cung - cầu. 

Khi Nhà nước giữ cơ chế định giá, làm giá điện để duy trì giá điện thấp sẽ ảnh hưởng đến cả cung và cầu. Nếu duy trì điện giá thấp nghĩa là đang khuyến khích tiêu dùng điện chứ không khuyến khích sản xuất điện.

Một ví dụ gần đây, khi giá điện và giá điện tái tạo được điều chỉnh, lập tức nguồn cung được bổ sung ngay, sản lượng điện tăng lên. Đây là yếu tố góp phần quan trọng thay đổi cán cân nguồn cung điện.

"Cơ chế giá điện nếu không thay đổi, có lẽ chúng ra sẽ tiếp tục vướng vào vòng luẩn quẩn là thiếu điện khi không tạo ra sức hấp dẫn đầu tư vào ngành điện", ông Thiên nói.

Vị chuyên gia này đề xuất: "Không nên giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm nhiệm vụ của Nhà nước nữa, để cho họ tự làm, tự cạnh tranh. Đến bây giờ, không có lý gì mà chúng ta không đánh giá được thị trường điện, vấn đề chỉ là e ngại, sợ nhiều quá thôi. Còn các doanh nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đủ năng lực xử lý đưa giá điện sang giá thị trường, phải có áp lực cạnh tranh quốc tế nếu không thì tình hình méo mó của thị trường điện còn kéo dài".

Chia sẻ tại hội thảo, theo ông Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được nhấn mạnh trong nhiều văn bản, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng tham gia tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để đưa các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực này đi vào cuộc sống.

Ông Lợi dẫn chứng nghiên cứu về phát thải carbon thấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, nếu các biện pháp tiết kiệm năng lượng từ phía cầu sử dụng năng lượng được thực hiện một cách toàn diện, Việt Nam có thể tránh được đầu tư mới tới 12.000 MW công suất nguồn phát điện vào năm 2030.

"Cụ thể, với 12.000 MW công suất nhiệt điện than tiết giảm được thì đất nước không chỉ tiết kiệm được tài nguyên, giảm được rất nhiều đất đai xây dựng nhà máy, các chi phí quản lý, vận hành mà còn góp phần cắt giảm được hàng chục triệu tấn than phải đốt mỗi năm, giảm khí thải ô nhiễm ra môi trường", ông Lợi nói.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.