Gắng gượng cuối cùng

07/11/2014 07:00 GMT+7

Quyết định mới đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng thêm khối lượng tiền tệ trên thị trường không bất ngờ nhưng lại gây lo ngại nhất định ở cả trong lẫn ngoài nước.

Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản - Ảnh: Reuters

Nhìn từ góc độ của Tokyo thì mục tiêu của quyết sách mới là kích thích tiêu dùng ở trong nước, giảm giá đồng yen để thúc đẩy xuất khẩu, khắc phục tình trạng giảm phát dai dẳng lâu nay. Đường lối chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe - được đặt cho biệt danh là Abenomics - thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào việc đạt được hay không đạt được những mục tiêu nói trên. Ông Abe đã sớm thay đổi nhân sự lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản để đảm bảo chính sách tiền tệ phục vụ đắc lực Abenomics.

Cho đến nay, ngân hàng ấy thực sự đã làm những gì có thể để phục vụ Abenomics và những quyết sách mới nhất nói trên chẳng khác gì sự gắng gượng cuối cùng, sau khi những biện pháp vận dụng cho tới nay chưa đưa lại kết quả như mong đợi.

Với chính sách tiền tệ như thế, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dường như đã đi tới tận cùng giới hạn khả năng của mình. Thực trạng này càng thể hiện rõ nếu lưu ý rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang vận dụng chính sách tiền tệ mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) từng thực hiện nhưng vừa chấm dứt còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thì cho đến nay vẫn chưa dám áp dụng.

Mỗi nơi một hoàn cảnh thực tế nhưng ở nơi nào thì thực tế cũng không cho phép lấy tương lai của đất nước ra làm vật thí nghiệm. Vì thế, thời gian tới sẽ quyết định tương lai kinh tế của Nhật Bản, chủ thuyết Abenomics và cả số phận của chính Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.