Các ‘ông lớn’ nhà nước lỗ hơn 33.000 tỉ đồng nửa đầu năm

Mai Hà
Mai Hà
14/09/2023 14:39 GMT+7

Sáng 14.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên toàn quốc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Mở đầu hội nghị với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội và 7 nạn nhân tử vong do lũ quét tại Lào Cai đêm 12.9, rạng sáng 13.9.

Doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 3,8 triệu tỉ đồng - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì hội nghị làm việc với các DNNN toàn quốc

NHẬT BẮC

680 DNNN đang nắm khối tài sản hơn 3,8 triệu tỉ đồng

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, cả nước có gần 680 DNNN. Trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%.

Tuy nhiên, 680 doanh nghiệp này đang nắm một lượng tài sản rất lớn, hơn 3,8 triệu tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỉ đồng. Riêng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ doanh nghiệp cả nước.

Tổng lãi phát sinh trước thuế của các DNNN tính đến cuối năm 2022 đạt 241.165 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2021. Tuy nhiên, có 64/676 doanh nghiệp có phát sinh lỗ 29.456 tỉ đồng; 144/676 doanh nghiệp (chiếm 21% tổng số DNNN) có tổng số lỗ lũy kế là 69.892 tỉ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước là 689.534 tỉ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỉ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023.

Tổng lỗ phát sinh của cả khu vực DNNN trong 6 tháng đầu năm là 33.639 tỉ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp T.Ư như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ phát sinh 32.055 tỉ đồng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lỗ phát sinh 1.317 tỉ đồng. Ước cả năm, tổng lỗ phát sinh khoảng 41.666 tỉ đồng, chủ yếu đến từ EVN với khoản lỗ 37.062 tỉ đồng; Vietnam Airlines lỗ 4.515 tỉ đồng.

Riêng với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, tổng doanh thu trong tháng 8 ước đạt 781.973 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế ước đạt 31.236 tỉ đồng và nộp ngân sách ước đạt 50.994 tỉ đồng. Tính chung 8 tháng, tổng doanh thu ước đạt 1,13 triệu tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 27.095 tỉ đồng. 19 tập đoàn, tổng công ty này nộp ngân sách là 129.453 tỉ đồng.

Bộ KH-ĐT đánh giá, các DNNN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN cơ bản được ổn định, tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, chưa đạt được một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Do khó khăn khách quan, một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm. Trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò quan trọng (EVN, VNA...) làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận chung. Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai.

Đặc biệt, các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Mặc dù nắm giữ trên 60% nguồn lực của nền kinh tế nhưng hầu như các DNNN chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt trong các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao (sản xuất chip bán dẫn, hydrogen...) thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hoá, tăng trưởng xanh, công nghiệp công nghệ 4.0...

Hiệu quả đầu tư trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng khi phê duyệt dự án, một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản; các dự án đầu tư tại các khu vực bất ổn về kinh tế, chính trị, pháp lý, xã hội, thị trường....

Một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả. Việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả chưa được giải quyết triệt để, làm ảnh hưởng đến việc cơ cấu lại DNNN.

Đến nay, 3 dự án thua lỗ, kém hiệu quả đã được Bộ Chính trị cho chủ trương tháo gỡ, 5 dự án được đưa ra khỏi danh sách và đã có cơ chế, giao cho các công ty mẹ xử lý; còn 4 dự án vẫn đang tiếp tục xử lý, song hoạt động rất khó khăn: còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động.

Cần dự án quy mô lớn, phát triển các ngành, lĩnh vực mới

Bộ KH-ĐT cho rằng các DNNN cần sớm hoàn thiện, trình các cấp về kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 5 năm, hàng năm, tập trung dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa. Chủ động nghiên cứu xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực mới.

Đồng thời, sửa các luật, nghị định để tháo gỡ cơ chế và hoàn thiện đề án phát triển DNNN phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt, đưa ra các chính sách vượt trội, đặc thù… Một số ngành tập trung xây dựng cơ chế như chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; chiến lược quốc gia về phát triển ngành hydrogen...

Doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 3,8 triệu tỉ đồng - Ảnh 2.

Lãnh đạo các tập đoàn, DNNN tham dự cuộc họp

NHẬT BẮC

Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế, xã hội.

DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

8 tháng đầu năm nay, dù chịu tác động lớn từ kinh tế thế giới lạm phát neo ở mức cao, tăng trưởng chậm lại, nhưng kinh tế trong nước duy trì đà "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước" trên nhiều lĩnh vực.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức như thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Giải ngân vốn đầu tư công và việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội còn chậm…

Để DNNN thực sự trở thành "lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước" dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá tình hình, những thành tựu, đóng góp của DNNN, những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách...

"Chúng ta phải lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh", Thủ tướng nhấn mạnh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.