Người mang 'phép màu' cứu bệnh nhi

27/02/2014 16:22 GMT+7

(TNO) Anh tự nhận mình là người của công việc, khi thời gian chủ yếu là ở bệnh viện. Những dịp phỏng vấn anh, tôi cứ phải chờ đợi đến mấy tiếng đồng hồ vì anh còn bận cấp cứu cho bệnh nhi.

(TNO) Anh tự nhận mình là người của công việc, khi thời gian chủ yếu là ở bệnh viện (BV). Những dịp phỏng vấn anh, tôi cứ phải chờ đợi đến mấy tiếng đồng hồ vì anh còn bận cấp cứu cho bệnh nhi.

Dáng người thong dong, giọng nói nhỏ nhẹ khiến cho những ai tiếp xúc với anh đều cảm thấy thân thiện. Đó chỉ là một vài nét phác thảo về anh, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (43 tuổi), Trưởng khoa Hồi sức - tích cực - chống độc, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Đón đầu các bệnh nhi nguy kịch

Anh kể, vào năm hai đại học, cháu của anh bị bệnh tiêu chảy, vừa lo cho cháu anh vừa tìm cách điều trị và nghĩ rằng đây là bệnh nhân đầu tiên của anh. Nhưng anh điều trị mãi không khỏi nên đành phải đưa đến BV. Sau lần đó, anh quyết định sẽ theo mảng Nhi. “Tôi cũng yêu thích sự hồn nhiên, ngây thơ ở trẻ em nên chọn cho mình con đường đi theo mảng Nhi khoa”, anh nói.

Khi còn là sinh viên, những ngày đầu đi thực tế ở BV, anh kể giống như "nằm vùng", anh bám theo các anh chị đi trước tha thiết được học hỏi kinh nghiệm. “Nghề y giống như người thợ, phải học nghề, nhanh nhạy học hỏi các anh chị, tiếp xúc với nhiều ca lâm sàng, nhiều mặt bệnh thì sẽ tiến bộ nhiều hơn”, anh chia sẻ.

Chính vì vậy, khi được nhận về Khoa Hồi sức anh rất vui mừng vì đây là khoa đón đầu những bệnh khó, nguy kịch chuyển từ các tỉnh đến nên vẫn thường được gọi là khoa đầu sóng ngọn gió. “Mình sẽ học hỏi được nhiều đây, sẽ cứu được nhiều em bé đây”, anh tự nhủ.

Lần đầu tiên cấp cứu thành công ca bệnh khó đến bây giờ anh còn nhớ rất rõ. Đó là trường hợp một bé khoảng 8 tháng tuổi ở Hóc Môn (TP.HCM) hôn mê do viêm phổi, anh cho thở oxy, chích kháng sinh, xét nghiệm máu nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Sau đó, anh lại chuyển qua cho bé thở áp lực dương liên tục nhưng bé cũng không chịu được. Anh quyết định đặt nội khí quản giúp thở cho bé, lần đầu tiên đặt cho trẻ rất khó khăn nhưng may mắn là anh đã đặt suôn sẻ và đã cứu sống được bé.

“Ở Khoa Hồi sức, tôi cảm nhận rõ sự hồi sinh của các bệnh nhi. Ngày nhập viện bé chỉ nằm thở thoi thóp, hôn mê thì sau đó những tín hiệu sống trở lại và rồi bé tỉnh táo, có thể nói chuyện. Chính điều này làm tôi cảm thấy niềm vui nghề mang lại, cảm nhận niềm vui từ gia đình khi em bé hồi sinh”, bác sĩ Minh Tiến nói.

“Cái khó ló cái khôn”

Tại trang web của BV Nhi đồng 1, người ta sẽ dễ dàng đọc được các tin như cứu sống trẻ bị rắn cắn, ong đốt, sốt xuất huyết nặng… nhiều người vẫn tưởng đó là “chuyện thường ngày ở huyện” thế nhưng ít ai biết rằng không chỉ dành sức cấp cứu cho bệnh nhân, bác sĩ Tiến còn phải hệ thống và viết ra các ca này để cảnh báo cho phụ huynh. Đằng sau đó là cả sự quyết tâm, cố gắng của các y, bác sĩ để bệnh nhi được trở về bên gia đình.


Chăm sóc bệnh nhi tại Khoa Hồi sức - tích cực - chống độc, BV Nhi đồng 1

Anh kể, những bé bị sốc do bệnh sốt xuất huyết sống chết chỉ trong tích tắc, với những em bị suy hô hấp phải truyền dịch chống sốc liên tục và phải chọc màng phổi nhưng công đoạn này rất khó. Nhìn trên hình thì thấy khoảng liên sườn rộng nhưng trên thực tế để sờ khe sườn cho đúng và đưa kim vào rất khó, nếu vô tình làm sai sót, không chính xác sẽ dễ làm trẻ bị chảy máu và nguy hiểm tính mạng.

Những bệnh mà khoa Hồi sức thường tiếp nhận là bệnh phổ biến ở Việt Nam chứ không phổ biến ở nước ngoài, tư liệu tìm kiếm cũng khó khăn nên phải mày mò, điều trị trên cơ chế bệnh sinh. Do vậy, khi có dịch bùng phát các bác sĩ rất vất vả chống chọi nhưng cũng chính từ đó mà “cái khó ló cái khôn”.

Vào năm 2011, bệnh tay chân miệng bùng phát dữ dội, số bệnh nhân tử vong nhiều, trong đó có nhiều ca nhìn tỉnh táo nhưng sau đó tử vong rất nhanh. Chính lúc này, bác sĩ Tiến cùng các đồng nghiệp nghiên cứu và phát hiện trẻ bị tay chân miệng thường có biểu hiện rối loạn nhịp thở, thở không đều, thở lõm ngực, thở nhanh trên 70 lần do rối loạn điều hòa vận mạch. Như vậy, nếu giúp thở sớm sẽ cứu sống nhiều trẻ.

Kỹ thuật lọc máu trong điều trị bệnh tay chân miệng cũng được thai nghén và thành công từ đó. Anh chia sẻ, xuất phát từ những ca tử vong, những bệnh nhi bị sốt cao mãi không hết dù các bác sĩ đã làm hết các kỹ thuật, đã hạ sốt bằng thuốc, phương pháp cơ học để giải nhiệt.

“Phải có cách nào đó chứ”, anh xem lại y văn thì thấy theo thống kê, cơ chế bệnh sinh của tay chân miệng liên quan đến sản xuất Cytokine, là chất trung gian gây viêm, gây tổn thương cơ quan. Việc lọc máu sẽ giúp loại bỏ chất này. Mặt khác, khi đưa máu ra ngoài cũng làm máu trở nên mát để sau đó đưa trở lại vào cơ thể em bé.

Thành công của phương pháp này tạo tiếng vang lớn. Anh và các đồng nghiệp bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm với các BV khác trong cả nước. Các chuyên gia y tế ở các nước trong khu vực cũng liên hệ với BV Nhi đồng 1 để được học hỏi kinh nghiệm.

“Chính qua các ca nặng, chúng tôi đã rút kinh nghiệm về cách xử trí để đi trước bệnh một bước chứ hồi xưa là cứ phải chạy theo bệnh”, bác sĩ Minh Tiến nói.

Với những cống hiến của mình, bác sĩ Tiến được ghi nhận với nhiều thành tích và danh hiệu như thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc như mẹ hiền. Nhưng anh tâm sự, danh hiệu đối với anh là điều đáng trân trọng nhưng cái chính là anh giúp được nhiều bệnh nhi đúng như mong muốn của gia đình và nung nấu khi anh bước vào ngành y.

“Phần thưởng lớn nhất đó là bản thân mình cảm thấy mình làm đúng lương tâm và đem lại niềm vui cho nhiều em nhỏ”, bác sĩ Minh Tiến khẳng định.

Bài, ảnh: Hà Minh

>> Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2: Ngôi làng có hàng chục giáo sư, tiến sĩ y khoa
>> Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam
>> Hội nghị khoa học sáng tạo Thầy thuốc trẻ VN
>> Bài dự thi: Tri ân những tấm lòng thầy thuốc
>> Lý do trở thành thầy giáo, thầy thuốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.