Hiếm học sinh chọn thi môn sử

04/03/2014 09:35 GMT+7

Thăm dò ở một số trường THPT về việc chọn môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh đã cho kết quả đúng như dự đoán và khảo sát của Báo Thanh Niên vào đầu năm nay: môn sử ít học sinh lựa chọn nhất.

Hiếm học sinh chọn thi môn sử
 Học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) trong giờ học sử. Đây là môn dự đoán rất ít học sinh chọn thi tốt nghiệp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đến thời điểm này, dù Sở GD-ĐT Hà Nội và TP.HCM chưa yêu cầu các trường cho học sinh (HS) thử đăng ký môn thi tự chọn nhưng một số trường đã bắt đầu làm việc này để thăm dò nguyện vọng của HS và có kế hoạch ôn thi phù hợp.

Ghi nhận của Thanh Niên ở một số trường THPT cho thấy, dù không rơi vào tình trạng “trắng” HS chọn sử như Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhưng cũng chưa thấy ở trường nào môn sử không về cuối trong số môn HS đăng ký dự thi.

Môn lý đứng đầu

Bà Phạm Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Q.Long Biên, Hà Nội), cho biết: “Trong tổng số 662 HS thì có 410 em chọn môn lý, 336 ngoại ngữ, 306 chọn hóa, 183 chọn địa và 67 chọn môn sinh. Môn lịch sử có 20 em”. Bà Hương cho hay: “Kết quả này cũng hoàn toàn phù hợp với việc chọn ban và khối thi ĐH của HS. HS phần lớn thi khối A, khối D và khối A1 nên những môn tự chọn để thi tốt nghiệp chính là những môn thi ĐH của các em”.

 

Trùng với khảo sát của Thanh Niên

Trong ba ngày 4, 6 và 7.1, Báo Thanh Niên thực hiện khảo sát 585 HS lớp 12 các trường THPT Long Trường (Q.9), Nguyễn Văn Linh (Q.8), THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3),THPT Bùi Thị Xuân và THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5). Với yêu cầu HS chọn không quá 3 trong 6 môn (lý, hóa, sinh, địa, sử, ngoại ngữ) là môn tự chọn, chúng tôi có kết quả lần lượt như sau: 23,38%, 21,87%, 15,17%, 13,67%, 9,09% và 16,8%. HS chọn môn lý nhiều nhất vì môn này nằm trong 2 khối thi A và A1 và rất nhiều trường ĐH tuyển sinh 2 khối này. Môn hóa nằm trong khối thi A và B nên cũng nhiều HS lựa chọn vì số HS thi ĐH 2 khối này hằng năm khá cao. Dù sử và địa trong khối C thi ĐH nhưng HS chọn môn sử ít hơn. Điều này một lần nữa chứng tỏ, với HS, môn sử hiện nay khó học và chưa hấp dẫn.

Khảo sát này không khác với ghi nhận ở các trường hiện nay.

Tương tự, ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) thông tin: “Môn có nhiều HS lựa chọn nhất là vật lý với 2/3 HS chọn, tiếp đến là môn hóa rồi đến môn ngoại ngữ, địa, sinh. Cuối cùng là môn lịch sử với khoảng hơn 10 HS”.

Nhiều HS chọn môn lý cũng là điều dễ hiểu vì thí sinh thi ĐH khối A thường chiếm số lượng áp đảo. HS thi khối A ĐH thì trong kỳ thi tốt nghiệp ngoài môn toán, văn là môn bắt buộc thường chọn thêm hai môn lý, hóa.

Chọn môn theo khối thi ĐH

Tình hình ở TP.HCM cũng tương tự như Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh), cho biết: “Trường phân hóa lớp theo khối thi ĐH mà HS đăng ký từ lớp 10. Hiện nhà trường có lớp khối A, B, D, A1 còn khối C không tổ chức được do lúc đó HS đăng ký rất ít, không đủ lớp. Vì vậy, khi được chọn, đương nhiên các em sẽ chọn theo khối thi ĐH, là thế mạnh của mình”.

Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình) cũng thống kê ý kiến gần 2.000 HS lớp 12 về môn thi tốt nghiệp. “HS đăng ký các môn theo tỷ lệ dẫn đầu là môn lý với hơn 40%, hóa và tiếng Anh khoảng 20% đến 30%, sinh 5%. Còn hai môn sử và địa thì chưa thống kê đầy đủ, nhưng 3/5 cơ sở không có HS đăng ký 2 môn này”, bà Nguyễn Yên Chi, Phó hiệu trưởng nhà trường, nói.

Trường THPT dân lập Trí Đức (Q.Tân Phú) có 300 HS lớp 12. Trong đó có 292 HS đăng ký môn hóa, tiếp theo là lý (167), địa (124), tiếng Anh (91), sinh (69) và lịch sử (16). Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường này, nhận xét: “Do ít HS dự thi các ngành khoa học xã hội nên các môn này ít HS đăng ký”.

Ông Lê Thành Thái, Hiệu trưởng Trường trung học thực hành Sư phạm (ĐH Sư phạm TP.HCM), cho hay trường mới phát phiếu cho HS đăng ký vào sáng 3.3, đến hết tuần này, trường mới thu lại, nhưng nhìn chung, HS đăng ký môn tự chọn là môn thi đại học. Ông Trần Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường (Q.9) thông tin theo thống kê tạm thời, phần đông HS chọn môn thi tốt nghiệp trùng với các môn thi ĐH.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, Q.Đống Đa (Hà Nội) nhận định nếu theo xu hướng chung thì chắc môn lịch sử sẽ là môn ít HS thi vì cả trường không HS nào theo học ban khoa học xã hội và nhân văn.

Ý kiến

Môn hóa, địa dễ “ăn” điểm

“Với HS thi khối D thì lựa chọn môn hóa và môn địa lý đều dễ “ăn” điểm. Môn hóa thi theo hình thức trắc nghiệm mà mọi năm đề thi môn hóa tốt nghiệp THPT rất dễ. Còn môn địa do cho phép sử dụng atlat nên cũng không khó để đạt điểm trung bình. Trong khi đó, môn lịch sử lại thi theo hình thức tự luận, thời gian thi cũng dài hơn so với môn thi trắc nghiệm tới 30 phút”.

Một HS Trường THPT Kim Liên - Hà Nội

Không phải vì ghét và dốt mà là sợ

“Sở dĩ em và các bạn không chọn môn sử không phải vì ghét hoặc dốt môn này đâu nhưng đúng là chúng em rất “sợ” cách học và thi lịch sử như hiện nay với quá nhiều sự kiện, con số quá nặng nề cần phải học thuộc. Không thi môn sử cũng có nghĩa chúng em không phải ôm sách để học thuộc và không còn nghĩ cách làm sao quay cóp được nữa”.

Một HS Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội

Tuệ Nguyễn (ghi)

T.Nguyễn - B.Thanh - M.Luân

>> Nên thi tốt nghiệp THPT trong 2 ngày rưỡi
>> Thay đổi thi tốt nghiệp THPT: Theo xu hướng nghề nghiệp của học sinh
>> Bốn phương án lịch thi tốt nghiệp
>> TP.HCM công bố ngày thi tốt nghiệp chương trình tiếng Pháp song ngữ
>> Thi tốt nghiệp THPT 4 môn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.