‘Đường Trường Sơn Đông loay hoay 3 nhiệm kỳ chưa xong’

Mai Hà
Mai Hà
30/05/2023 13:36 GMT+7

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), vướng mắc thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khiến nhiều dự án đang treo lại, ngoài dự án QL27C kết nối giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận, còn cả đường Trường Sơn Đông.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 30.5 về dự án đường giao thông nối QL27C đến đường tỉnh 656 của Khánh Hòa, kết nối Lâm Đồng và Ninh Thuận, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, dự án phải đưa ra Quốc hội lấy ý kiến vì vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. 

‘Đường Trường Sơn Đông loay hoay 3 nhiệm kỳ chưa xong’ - Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

PHẠM QUANG VINH

Báo cáo đánh giá cho rằng dự án sẽ không tác động sinh thái, an toàn vì rừng phần lớn nghèo kiệt, có thể chuyển đổi được. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Chính phủ phải bảo đảm về tính chính xác của thông số, đặc biệt phải làm rõ phương án trồng rừng thay thế như thế nào?

Nói về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ảnh hưởng nhiều tiến độ, chất lượng nhiều dự án, ông An cho rằng phải có cơ chế, chính sách phù hợp. Ông cũng dẫn ra dự án rừng Trường Sơn Đông do Bộ Quốc phòng thực hiện, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm. Đây là công trình đặc biệt đi vào vùng lõi của Tây Nguyên, liên quan đến quốc phòng an ninh.

“Phía đông có đường ven biển, QL1, phía tây có đường Hồ Chí Minh, nhưng đường giữa đi vào vùng lõi là Trường Sơn Đông đã triển khai hơn 3 nhiệm kỳ Quốc hội rồi chưa xong. Chưa có dự án nào triển khai 4 nhiệm kỳ như vậy”, ông An nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An: "Dự án đường Trường Sơn Đông... loay hoay mãi mà không xong"

Theo đại biểu đoàn Đồng Nai, các địa phương rất quan tâm tới dự án này, đã trao đi đổi lại, nhất là với Bộ NN-PTNT nhưng rồi các bộ lại trả về địa phương, địa phương báo cáo lên Chính phủ. “Loay hoay mãi không xử lý được sẽ dẫn đến tình trạng một dự án làm 4 nhiệm kỳ không biết xong được không?”, ông An đặt vấn đề.

Chia sẻ về vướng mắc chuyển đổi rừng tự nhiên với dự án Trường Sơn Đông cũng như hồ chứa nước Ka Pét, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), bày tỏ một dự án có ý nghĩa về mặt an ninh quốc phòng mà kéo dài tới 3 nhiệm kỳ Quốc hội từ 2008 tới nay. Ông tha thiết đề nghị phải tháo gỡ các vướng mắc thủ tục hành chính. 

Rất thất vọng vì dự án trình đi trình lại

Nêu ý kiến thảo luận về dự án hồ chứa nước Ka Pét (H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng "rất thất vọng khi dự án đã được đưa ra trình từ nhiệm kỳ Quốc hội trước". Quốc hội khóa 14 đã thảo luận rất kỹ để thông qua, mục tiêu xây dựng xong vào năm 2024, nhưng đến nay lại trình lại.

"Nguyên nhân nhiều nhưng chủ quan nhiều hơn, phải rút kinh nghiệm. Liệu gia hạn đến năm 2025 có hoàn thành được không. Tôi dám chắc không được", ông Thành nêu và cho rằng, về nguồn vốn cho dự án đã được cấp không phải giai đoạn 2020 mà từ 2016, quá trình chuẩn bị rất lâu rồi, người dân mong chờ nguồn nước mà việc triển khai quá chậm trễ. 

Về thẩm quyền quyết định liên quan đến đất rừng, đại biểu cho rằng báo cáo nêu chưa đủ sức thuyết phục. Nếu chúng ta chuyển sang trồng rừng ở các khu vực khác, ở đất trồng rừng sản xuất để thay thế thì không hợp lý. 

‘Đường Trường Sơn Đông loay hoay 3 nhiệm kỳ chưa xong’ - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn)

PHẠM QUANG VINH

Ông Thành cho rằng cần bảo tồn nguồn rừng như rừng tự nhiên để thay thế diện tích cũ, đây là nội dung trọng tâm, cần nghiên cứu kỹ. Với dự án đã giao Chính phủ, UBND tỉnh chủ trì thực hiện, hàng năm Chính phủ cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi nào hoàn thành thì báo cáo Quốc hội.

Về dự án đường giao thông từ QL27C kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, đại biểu Thành cho biết, tuyến đường đi sát vào khu bảo tồn quốc gia nên cần đặc biệt chú ý đến công tác bảo tồn, phải có phương án thi công cụ thể, có phương án phục hồi, trồng rừng thay thế. Ông Thành cũng đề nghị cần mở rộng diện tích khu bảo tồn ở phạm vi xung quanh để bù lại diện tích rừng, thay vì trồng lại lẻ tẻ ở nhiều xã, hay ở đất rừng sản xuất.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.