Sâm “quốc bảo” Việt đi về đâu?

Đường đi và chiêu trò bán sâm lậu

20/12/2023 06:58 GMT+7

Sâm Lai Châu do người Trung Quốc trồng đã và đang nhập lậu rất nhiều vào Việt Nam. Vậy đường đi của sâm Lai Châu trồng ở Trung Quốc và chiêu trò buôn bán loại sâm nhập lậu này như thế nào?

Theo Công an H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, H.Phong Thổ là địa điểm trung chuyển của sâm Lai Châu (SLC) do người Trung Quốc (TQ) trồng rồi nhập lậu sang Việt Nam (VN). Lý do là Phong Thổ có đường biên giới dài hơn 97 km giáp với H.Kim Bình, tỉnh Vân Nam (nơi có vùng trồng SLC rất lớn) nên hầu hết SLC từ Kim Bình về VN đều có điểm tập kết ban đầu là Phong Thổ.

Đường đi và chiêu trò bán sâm lậu - Ảnh 1.

Vận chuyển sâm lậu từ TQ về VN chỉ cần ném qua hàng rào ở khu vực biên giới là có người lấy chở về bán cho người Việt

Thiên Thảo

"30 giây sâm lậu đã vào Việt Nam"

Một thanh niên giới thiệu tên là T. được tôi thuê chở lên khu vực biên giới, nơi có con suối chảy giữa ranh giới H.Kim Bình, tỉnh Vân Nam (TQ) và H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (VN). Đứng bên này suối thuộc đất VN, T. chỉ tay về hàng rào lưới B40 phía bên kia suối, nói với tôi: "Ở H.Kim Bình, tỉnh Vân Nam bên kia, có rất nhiều người dân TQ trồng SLC. Thương lái sâm lậu chỉ cần 30 giây đưa SLC do người TQ trồng ra bờ suối, vất qua hàng rào lưới là có người làm thuê cho đầu nậu sâm ở VN đón lấy ngay".

Tôi hỏi: "Những người đi lấy sâm lậu không sợ bị bắt à?". T. ra vẻ khôn lỏi: "Ối chà! Họ cũng bị công an, biên phòng bắt suốt đấy chứ. Nhưng em nói thật với bác, buôn sâm một vốn bốn chục lời, thậm chí hơn thế thì họ cũng liều đánh quả thôi. Bác mà muốn bán sâm Tàu (SLC người TQ trồng - PV), và đặt hàng đều đều có khi em cũng qua bên ấy đánh sâm Tàu về cho bác".

Đường đi và chiêu trò bán sâm lậu - Ảnh 2.

Bắt giữ nghi phạm và lô củ SLC nhập lậu từ TQ về VN

Công an H.Phong Thổ cung cấp

Đường đi và chiêu trò bán sâm lậu - Ảnh 3.

Công an H. Phong thổ cân sâm của các đối tượng vận chuyển lậu từ Trung Quốc về Việt Nam

Công an H. Phong Thổ cung cấp

Chúng tôi đến Công an H.Phong Thổ để tìm hiểu chuyện SLC từ Kim Bình tuồn lậu về VN. Trung tá Trần Quang Hưng, Phó trưởng công an huyện này, cho biết: Lợi dụng chính sách biên giới, một số đối tượng khi có giấy thông hành sẽ nhập cảnh vào TQ với "chiêu" đi làm thuê, thăm người thân... nhưng thực chất là qua vùng Kim Bình, tỉnh Vân Nam, nơi trồng rất nhiều SLC và được bán với giá rất rẻ để đưa lậu về VN tiêu thụ.

"Vừa rồi Công an H.Phong Thổ bắt được vụ như thế này: Họ đi qua cửa khẩu rồi mua SLC. Họ đợi trời tối thì ném sâm qua hàng rào (hàng rào biên giới do TQ dựng lên - PV). Đồng bọn họ bên này chờ sẵn đưa lên xe máy chạy luôn", trung tá Hưng thông tin.

Ngoài việc lợi dụng có giấy thông hành nhập cảnh TQ để đích thân tuồn sâm về VN, một số đầu nậu sâm còn kết nối trực tiếp với những người trồng sâm ở TQ để người TQ chuyển hàng đến hàng rào biên giới rồi thuê người đến nhận hàng. Những "phi vụ" như thế thường thực hiện vào ban đêm. T., người chở tôi đi thực địa, cho hay: "Nhiều đoạn suối hai bên biên giới giữa TQ - VN ở Phong Thổ rất hẹp và cạn nên các đối tượng buôn lậu sâm dễ dàng tiếp cận nhận hàng từ TQ giao".

Còn một đường đi vòng vèo khác của SLC nhập lậu từ láng giềng bên kia biên giới là qua ngả Lào Cai rồi mới đưa về Lai Châu, "thủ phủ" SLC, để bán khắp nơi. Cũng có một lượng sâm nhập lậu từ TQ về đến Lào Cai thì đi thẳng tới các tỉnh thành. Tôi thắc mắc về sự hình thành con đường SLC lậu này thì được trung tá Hưng cho biết: Biên giới bắt đầu mở cửa khẩu thông thương lại sau giai đoạn Covid-19. Thời gian này các cơ quan chức năng của Lai Châu "làm gắt quá" nên các đối tượng chuyển hướng lấy hàng đưa về Lào Cai. "Nghĩa là các đối tượng mua SLC trồng ở TQ, nhưng nhập tiểu ngạch vào Lào Cai. Sau đó đưa xuống lại Lai Châu để bán", trung tá Hưng giải thích.

Đường đi và chiêu trò bán sâm lậu - Ảnh 4.

Sâm nhập lậu từ TQ bị Công an H.Phong Thổ thu giữ

Theo hồ sơ Công an H.Phong Thổ cung cấp, vào năm 2015, đơn vị này đã bắt giữ những nghi phạm buôn lậu SLC từ TQ về VN tiêu thụ. Từ năm 2022, các nghi phạm lợi dụng những vấn đề liên quan chính sách biên giới nên thường xuyên buôn bán, đưa lậu sâm về. Công an H.Phong Thổ đã bắt 4 vụ, Biên phòng H.Phong Thổ bắt 2 vụ. Các vụ đều đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép qua biên giới.

Gần đây (ngày 4.10.2023), Công an H.Phong Thổ phối hợp với Đồn Biên phòng và Công an xã Huổi Luông phát hiện và bắt quả tang 3 người đều trú thị trấn Sìn Hồ (H.Sìn Hồ, Lai Châu) đã có hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, tang vật thu giữ gồm 122 kg củ sâm tươi và 43 kg lá sâm. Những người này khai đã xuất cảnh qua cửa khẩu Ma Lù Thàng sang TQ mua số sâm nói trên rồi vận chuyển trái phép về VN qua suối biên giới tại mốc 63 + 500 để bán kiếm lời.

Hô biến SLC lậu thành sâm bản địa

Đưa tôi xem những hình ảnh mà đầu nậu sâm gọi đó là sâm Ngọc Linh (SNL) hoặc SLC tự nhiên rao bán trên các trang Facebook, YouTube, trung tá Trần Quang Hưng khẳng định đó toàn là sâm TQ. Theo trung tá Hưng, nhìn củ sâm rất dài mà các tay buôn sâm tiếp thị đó là SNL tự nhiên hàng chục năm tuổi thực chất chỉ là sản phẩm được ghép bằng nhiều củ do người TQ cung cấp. Những củ sâm ghép trồng trên đất TQ một thời gian đến khi liền sẹo thì các tay buôn sâm lậu VN mua về vùi lại dưới tán rừng thêm một thời gian, sau đó đào lên chụp hình quay phim và rao trên các trang Facebook, YouTube... rằng đó là SNL hoặc SLC tự nhiên nhiều năm tuổi để bán với giá cao ngất ngưởng. "Kẻ buôn sâm rao những củ sâm ghép đó thành sâm tự nhiên dân đi rừng kiếm được. Thực chất đây là sâm TQ. Chẳng có sâm rừng sâm riết gì đâu. Bây giờ những cây sâm như thế này trên rừng không thể còn nữa", trung tá Hưng khẳng định.

Ông Hưng còn cho biết cũng có những chiêu "siêu" hơn thế. Điển hình là các tay buôn sâm lậu thuê người dân tộc bản địa vào chỗ vùi cây sâm ghép dưới tán lá rừng rồi đạo diễn cho người đó đào củ sâm để quay phim livestream, nhằm tạo niềm tin cho khách hàng để bán. Tuy nhiên, theo chúng tôi tìm hiểu, chủ yếu cây SLC có xuất xứ từ TQ đem về VN để vùi lại là những củ SLC chưa ghép thu ngoài tự nhiên, hoặc sâm trồng tại TQ.

Tồn tại một thực tế mà theo diễn giải của trung tá Hưng là có những cái "khó xử lý" nhất định. Theo đó, nếu phát hiện được những kẻ vận chuyển SLC từ TQ về ngay tại biên giới thì có thể quy kết buôn lậu. Nhưng khi SLC đích thị có nguồn gốc từ TQ mà đã lọt qua hàng rào biên giới thuộc TQ rồi vận chuyển về tới nhà, sau đó bán ra thì khó chứng minh là buôn lậu. "Nó chỉ là buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ thôi. Còn buôn lậu thì phải xác định rõ hàng đó chắc chắn tuồn lậu vào ngay từ biên giới. Nhiều lúc biết hàng đó là sâm lậu nhưng không đủ tài liệu chứng cứ để bắt", trung tá Hưng trăn trở. 

Đường đi và chiêu trò bán sâm lậu - Ảnh 1.

Trung tá Trần Quang Hưng - Phó trưởng công an H. Phong Thổ

Thiên Thảo

Những người bán SLC có xuất xứ từ TQ chủ yếu trên mạng và thường sử dụng Facebook, Zalo ảo. Tôi cũng kết bạn với một loạt tay bán sâm (SLC nhập lậu từ TQ - PV) để tìm hiểu nguồn gốc, chỉ đạo anh em đấu tranh. Lực lượng công an đã dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý. Người tiêu dùng cần hết sức thông thái, chứ không thì sẽ bị lừa. Người mua sâm bị lừa là rất nhiều. Nói chung, quay đi quay lại cũng lừa nhau cả thôi.

Trung tá Trần Quang Hưng (Phó trưởng công an H.Phong Thổ, Lai Châu) 

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.