TNO

Đường bay nối kết Việt Nam - châu Phi

12/04/2015 17:26 GMT+7

(Tin Nóng) Hình ảnh chiếc máy bay B787-8 Dreamliner của Kenya Airways được chào đón bằng vòi nước từ 2 xe cứu hỏa ở Sân bay quốc tế Nội Bài khai trương đường bay non-stop Nairobi - Hà Nội trưa 31.3 ghi nhận sự khởi đầu của một chương mới trong hành trình Việt Nam hòa nhập vào thế giới.

(Tin Nóng) Hình ảnh chiếc máy bay hiện đại B787-8 Dreamliner của Kenya Airways được chào đón bằng vòi nước phun từ 2 xe cứu hỏa ở Sân bay quốc tế Nội Bài chính thức khai trương đường bay non-stop Nairobi - Hà Nội trưa 31.3.2015 có ý nghĩa quan trọng, ghi nhận một chương mới trong hành trình Việt Nam hòa nhập vào thế giới.


Boeing 787 Dreamliner của Kenya Airways mở đường bay Nairobi - Hà Nội ngày 31.3.2015 - Ảnh:  P.Nguyễn Dũng

Nối kết Việt Nam với châu Phi

Với chuyến bay cột mốc kéo dài 9 tiếng ấy, hãng Kenya Airways không chỉ nối kết Việt Nam với Kenya, một trong những nền kinh tế phát triển tốt nhất châu Phi, mà còn kết nối Việt Nam với thị trường rộng lớn là châu Phi.

Cho nên đã có những nhận định từ giới chuyên ngành rằng, đường bay thẳng Nairobi-Hà Nội là một sự “liều lĩnh có tính toán” của hãng Kenya Airways và nhiều khả năng sẽ sớm gặt hái nhiều thành công.

“Với đường bay thẳng đến Hà Nội, hành khách khởi hành từ Nairobi sẽ tiết kiệm được 120 phút bay đến Bangkok và 150 phút chờ nối chuyến. Rồi từ Hà Nội, hành khách chỉ cần bay thêm từ một đến hai tiếng là đến được nhiều điểm đến khác ở châu Á”, ông Mbuvi Ngunze, Tổng giám đốc Kenya Airways, cho biết.

“Với 7 triệu cư dân và thu nhập bình quân đầu người là 3.000 USD/năm, cư dân Hà Nội sẽ muốn khám phá những điểm đến mới, trong đó có Kenya và châu Phi”, ông Ngunze nhận định.

Ngoài ra, Việt Nam đang là thị trường phát triển mạnh, qua đó việc mở đường bay thẳng đến Việt Nam sẽ giúp hai nền kinh tế Việt Nam và Kenya khai thác được những cơ hội thương mại lớn. “Việt Nam là điểm đến mới đối với các thương nhân châu Phi, cho nên đường bay này sẽ là một con đường giao thương hấp dẫn. Chúng tôi nhận thấy đã có những sự hưởng ứng mạnh với đường bay này, đặc biệt là về dịch chuyển lao động giữa Việt Nam và Angola”.

Tổng giám đốc Mbuvi Ngunze tin rằng chỉ sau một thời gian ngắn các chuyến bay Hà Nội-Nairobi của Kenya Airways sẽ đầy khách du lịch chứ không chỉ là khách đi làm ăn, lao động như hiện nay.


Kenya Airways đón khách Việt bay đến châu Phi - Ảnh:  P.Nguyễn Dũng

Làn sóng thứ tư?

Bốn thập niên sau ngày thống nhất đất nước, từ vị trí một quốc gia nhỏ bé bị cô lập về ngoại giao với nhiều nước, bị Mỹ cấm vận đầu tư, thương mại, Việt Nam hầu như không có nối kết hàng không đáng kể nào với thế giới bên ngoài. Còn bây giờ, Việt Nam là địa chỉ phải tìm đến để làm ăn, để khám phá, để hưởng thụ. Mà nơi nào có hãng hàng không bay đến trước ắt sẽ có theo đó các nhà đầu tư, thương nhân, du khách.

Thập niên 80-90 của thế kỷ trước là thời điểm của làn sóng các hãng bay châu Á tìm đến Việt Nam, gồm những Garuda Indonesia, Thai Airways International, Malaysia Airlines, Cathay Pacific, Philippine Airlines, Singapore Airlines, Japan Airlines, Korean Air, China Airlines, Eva Air, Shanghai Airlines... Loáng thoáng xuất hiện những máy bay tầm xa của các hãng bay quốc tế từ phương Tây, như Lufthansa, KLM Royal Dutch Airlines, Lauda Air (riêng Air France chưa bao giờ vắng mặt tại Việt Nam, suốt hơn 8 thập niên).

Làn sóng thứ hai góp phần nối kết Việt Nam với khu vực được tạo nên bởi các hãng vé rẻ, khởi đầu từ cách nay khoảng 11 năm với AirAsia, Tiger Air, Jetstar Asia và rồi tiếp nối bởi Cebu Pacific, Nok Air, Viva Macau, Hong Kong Airlines, Lion Air, Thai AirAsia. Có thể nói sự góp mặt của những hãng vé rẻ đã giúp thị trường vận chuyển hàng không Việt-Nam và ASEAN bùng phát mạnh trong những năm vừa qua.

Năm 1994, Mỹ bỏ lệnh cấm vận thương mại, sau đó nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam nhưng rồi chỉ một hãng United Airlines không đủ lực để tạo nên làn sóng bay giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Điều dễ hiểu khi mà thị trường Mỹ còn bận rộn với các thương vụ sáp nhập, chẳng vì thế mà Delta Air Lines đã nhanh chóng hủy đường bay đến Việt Nam không lâu sau khi trở thành một với Northwest Airlines.

Nhưng thay vào đó, khoảng 3, 4 năm trở lại đây, xuất hiện làn sóng thứ ba. Đây là con sóng rất mạnh, mang đến cho hành khách từ Việt Nam nhiều chọn lựa bay đến nhiều địa điểm làm ăn giao thương, du lịch khám phá tại Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ và cả Nam Mỹ. Đó là làn sóng của ba gã khổng lồ Vùng Vịnh - Emirates Airlines, Qatar Airways và Etihad Airways - kèm với một hãng bay đang phát triển rất tốt là Turkish Airlines.


Kenya Airways cắt băng khai trương đường bay đến Hà Nội - Ảnh:  P.Nguyễn Dũng

Giữa những làn sóng lớn là những con sóng nhỏ nhưng cũng góp phần mở rộng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam với thế giới. Lần lượt mở đường bay đến ở Hà Nội (hoặc TP.Hồ Chí Minh) là các hãng Aeroflot và Transaero của Nga; LOT Polish Airlines của Ba Lan; Finnair của Phần Lan; Air Astana của Kazahkstan, Jet Airways của Ấn Độ...

Liệu Kenya Airways có là hãng hàng không tiên phong tạo ra làn sóng mới gồm các hãng hàng không châu Phi mở đường bay đến Việt Nam ? Có thể lắm, vì châu Phi là một thị trường rộng lớn đã sẵn nhiều hãng bay ấp ủ tham vọng phát triển. Đó không chỉ là Ethiopian Airlines (từng định mở đường bay Addis Ababa-TP.HCM từ năm 2013), South African Airways mà còn là Air Mautitius, Egypt Air...  

P. Nguyễn Dũng
(tổng hợp)

>> Máy bay A380 của Emirates chở đến 615 khách
>> Hà Nội sẽ là điểm đến của 'Niềm tự hào châu Phi
>> 5 safari hàng đầu châu Phi
>> Uganda, một châu Phi hoang sơ và quyến rũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.