Dưới lòng đất Vịnh Mốc

18/12/2013 03:00 GMT+7

Ở Việt Nam, có hai địa đạo rất đặc biệt: Nếu như Củ Chi phục vụ trực tiếp cho chiến đấu trực diện thì địa đạo Vịnh Mốc có vị thế vô cùng quan trọng trong việc tập kết và vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam.

Ở Việt Nam, có hai địa đạo rất đặc biệt: Nếu như Củ Chi phục vụ trực tiếp cho chiến đấu trực diện thì địa đạo Vịnh Mốc có vị thế vô cùng quan trọng trong việc tập kết và vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam.  

 Dưới lòng đất Vịnh Mốc
Chỗ ở căn hộ gia đình trước đây sống trong lòng địa đạo - Ảnh: Lê Công Sơn

Cách QL1 khoảng 20 phút đi bằng ô tô, băng qua bãi biển cửa Tùng sạch sẽ và hoang sơ, sẽ đến địa đạo Vịnh Mốc. Một điều khá bất ngờ là trước khi tới đây, mọi người thường lầm Vịnh Mốc với Vĩnh Mốc nên mỗi lần hỏi thăm đường đều bị… đính chính. Có nhiều cách lý giải nhưng có lẽ do địa danh Vịnh Mốc (thuộc xã Vĩnh Trạch, huyện Vĩnh Linh) nên bị “tưởng tượng” là... Vĩnh luôn chăng, ngoài ra tiếng Quảng Trị chữ Vịnh nghe cũng giống như Vĩnh nên nhầm lẫn là “chuyện thường ngày”. Vịnh Mốc trước đây là một làng chài nhỏ với trên 100 ngôi nhà. Địa đạo được người dân đào trong lòng quả đồi đất đỏ có độ cao chừng 30 m, rộng hơn 7 ha. Với hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm, gồm nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính dài 780 m, có 13 cửa ra vào, được chống đỡ bằng cột nhà, gỗ và ngụy trang kín đáo, tất cả đều đào chếch theo hướng gió, bên trên trồng nhiều cây cỏ hoang dại, đảm bảo chức năng thông hơi của đường hầm vẫn không bị địch phát hiện.

Địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 tầng, có độ sâu và chức năng khác nhau. Tầng 1 cách mặt đất 8 - 10 m dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời, nối liền với hệ thống giao thông hào dày đặc. Tầng 2 sâu 12 - 15 m là nơi sống và sinh hoạt thường nhật của dân làng, tầng 3 có độ sâu đến 30 m là nơi trung chuyển hàng hóa, vũ khí ra thuyền lên đảo Cồn Cỏ. Riêng khu đường hầm trung tâm địa đạo còn có hội trường (sức chứa hơn 50 người dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim), 3 giếng nước, bếp nấu ăn Hoàng Cầm, kho gạo, trạm phẫu thuật, các trạm gác từng đoạn hầm, hệ thống thông tin liên lạc và đặc biệt là nhà hộ sinh trong lòng đất “có một không hai trên thế giới”. Nơi đây đã có 17 bà mẹ vượt cạn thành công trong năm 1967 - 1968 mà những thước phim quay được về các cháu bé trong giai đoạn này đã lay động hàng triệu con tim bạn bè quốc tế.

Về thăm Vịnh Mốc vào những ngày này, dư âm của những cơn bão vẫn còn đọng lại bởi một số đoạn hầm còn ẩm ướt, nguồn nước mạch trong các giếng đào trước đây do mưa xuống chảy ra nhiều nên di chuyển trong hầm hơi khó khăn. Tuy nhiên, nhờ thời tiết khắc nghiệt mà du khách càng hiểu và khâm phục cuộc sống của người dân trong lòng đất những năm tháng ác liệt ngày ấy.

Lê Công Sơn

>> Những đứa trẻ ở bờ biển Vịnh Mốc
>> Địa đạo Củ Chi vào top công trình ngầm thu hút du khách nhất
>> Người đàn ông bán đĩa dạo
>> Địa đạo Củ Chi - Núi Bà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.