Đừng làm học sinh sợ

27/09/2015 11:01 GMT+7

(TNTS) Buổi trưa, tôi đang xem chương trình thời sự trên ti vi thì thằng cháu nội học lớp 6 về tới nhà. Câu đầu tiên tôi hỏi cháu là: “Hôm nay, con học có vui không?”.

(TNTS) Buổi trưa, tôi đang xem chương trình thời sự trên ti vi thì thằng cháu nội học lớp 6 về tới nhà. Câu đầu tiên tôi hỏi cháu là: “Hôm nay, con học có vui không?”. Cháu thường trả lời: “Vui lắm, ông à!” rồi sau đó kể ra những chuyện vui trong lớp học, trong từng tiết học. Tôi cảm thấy mừng cho cháu mình và các cháu cùng lớp. Thật không có gì hạnh phúc hơn cho đời học sinh và cho các nhà trường khi mỗi ngày đi học là một ngày vui.

Minh họa: DADMinh họa: DAD
Tháng 6.1963, tôi đi thi lấy bằng trung học (diplôme) tại hội đồng thi Trần Quý Cáp, Quảng Nam. Tôi tự tin mình học tốt và làm bài thi tất cả các môn đều tốt. Trong giờ thi môn tiếng Pháp, thầy giám thị đến đứng gần chỗ tôi, nhìn bài làm của tôi khoảng vài phút làm tôi lo quá, không biết mình đã phạm lỗi gì. Cuối giờ thi, đợi các thầy thu xong 24 bài thi trong phòng, tôi thu hết can đảm đến thưa với thầy giám thị: “Thưa thầy, khi nãy thầy đứng nhìn vào bài thi của em. Em sợ quá, không biết có lỗi gì trong khi thi hay không?”. Thầy cười: “Không có chi đâu em. Thấy em làm bài thi nhanh, thầy nhìn vậy thôi chứ em có lỗi chi đâu. Yên tâm đi!”.
Một nụ cười, một lời nói chân tình và cởi mở của nhà giáo mà tôi chỉ gặp được một lần trong đời khiến tôi hết lo sợ, cảm động, tự tin hơn. Những môn sau đó, tôi làm bài đều tốt cả. Kỳ thi trung học năm ấy, toàn tỉnh Quảng Nam có một thí sinh hạng Ưu; năm thí sinh hạng Bình. Tôi là một trong năm thí sinh hạng Bình ấy. Cái phong cách ăn nói cởi mở, giàu tình cảm của nhà giáo xa lạ tự nhiên thẩm thấu vào tâm hồn tôi. Tốt nghiệp tú tài, tôi chọn thi vào đại học sư phạm và từ khi ra trường đi dạy, tôi cũng ứng xử chân thành, đàng hoàng với học sinh và các thí sinh xa lạ của mình như nhà giáo ấy đã từng ứng xử với tôi.
Không biết nội dung giảng dạy, huấn luyện của các trường đại học (và cao đẳng) sư phạm ngày nay gồm những gì, nhưng đối với chúng tôi ngày xưa (1966-1970) thì những bài giảng đầu tiên được học là tâm lý giáo dục – cách ứng xử dịu dàng, mềm mỏng, chân tình, thẳng thắn với các em học sinh. Dạy gì thì dạy nhưng nhà giáo không được phép dọa nạt học sinh, làm xáo trộn tâm lý học sinh, tạo cho các em mối lo sợ vẩn vơ không đáng có. Nhà giáo có thể giận một em học sinh bởi đó là một trạng thái tình cảm bình thường nhưng phải nói với các em một cách ôn tồn, chuẩn mực. Ngay khi phân tích lỗi lầm của các em, quyết định xử phạt các em (nếu có), nhà giáo cũng phải nói với một ngữ khí ôn tồn.
Thật khó cho nhà giáo bởi nhà giáo cũng là con người bình thường, cảm xúc có khi này khi khác. Vậy nhưng cũng thật dễ cho nhà giáo, bởi khi làm thầy thiên hạ thì phải biết kìm hãm sự nóng giận của mình, kiểm soát cảm xúc của mình để có kỹ năng ứng xử phải phép nhất trong mọi tình huống tâm lý. Bởi vậy, nghề của nhà giáo được gọi là sư phạm. Khái niệm “sư phạm” gồm hai nội dung lớn: phạm là khuôn mẫu, nguyên tắc và sư là làm bậc thầy, làm thầy. Sư phạm: Những khuôn mẫu, nguyên tắc mà người làm thầy phải thể hiện.
Thời đại của chúng ta là thời đại tiến bộ nên những nguyên tắc sư phạm cũng tiến bộ hơn ngày xưa rất nhiều. Ngành giáo dục và đào tạo đã có những chỉ đạo cụ thể về việc tôn trọng nhân phẩm học sinh, nói cụ thể là không được đánh học sinh và mạ lỵ học sinh trước đám đông. Thế nhưng, tình hình đáng tiếc ấy vẫn diễn ra ở một số nhà giáo không tự kìm hãm được mình, dẫn đến những hệ quả đáng buồn giữa học sinh và phụ huynh học sinh với nhà giáo, làm xao xuyến dư luận xã hội. Có một số nhà giáo không rơi vào tình trạng trên nhưng lại rơi vào một quán tính khác, đó là đe dọa học sinh. Đáng buồn hơn, những lời đe dọa này được hợp thức hóa, công khai hóa, gây ra tâm trạng hoang mang, lo sợ, tủi hổ cho rất nhiều học sinh ngay trong những ngày bước vào năm học mới.
Học sinh đi học thì nhà trường yêu cầu phải giống nhau nhưng hoàn cảnh thực tế của từng em thì lại khác nhau. Thật tội nghiệp cho các con em nhà nghèo khi bị nhà trường bêu tên trên hệ thống loa hay trên các tấm bảng thông tin rằng các em chưa đóng học phí, chưa đóng tiền mua áo quần, chưa đóng tiền quỹ phụ huynh học sinh... Kèm theo việc bêu riếu đó là lời dọa của các thầy cô chủ nhiệm lớp: “Em không đóng tiền thì không được học đó nghe”, “Không đóng được tiền sao em không nói cha mẹ xin chuyển đi trường khác”... Những lời đe dọa như vậy khiến các con em lo sợ, cứ về thúc hối cha mẹ đóng nhanh hoặc xót xa hơn là xin cha mẹ cho mình... nghỉ học.
Ngay cái cách làm lạ lùng của ngành bảo hiểm mới đây buộc học sinh phải đóng bảo hiểm 15 tháng cho phù hợp với “năm tài chính” để ngành dễ tính toán cũng là một cách làm máy móc. Họ chỉ nghĩ đến cái khó khăn của việc tính toán theo hình thức “năm tài chính” để bớt việc cho cán bộ, nhân viên ngành mình mà quên rằng hàng triệu bậc phụ huynh không thể chạy được tiền để đóng bảo hiểm cho con em trong 15 tháng. Họ trút hết khó khăn lên đầu của phụ huynh học sinh. Trong mấy chục năm qua, họ đã làm bảo hiểm cho học sinh tròn một năm được sao năm nay lại “cải cách” làm 15 tháng cho rối lòng hàng triệu phụ huynh và học sinh trên cả nước?
Một nhà giáo dạy tiếng Anh ở một trường trung học phổ thông nói với các em học sinh lớp mình chủ nhiệm như thế này: “Tính cô khó lắm nghe đừng có mà giỡn mặt với cô nghe. Cô đã có thâm niên trên mười năm, cô nói cái gì thì các em làm đúng theo ý đó. Còn em nào muốn cãi lại hoặc không làm theo ý cô thì cứ xin chuyển đi lớp khác hay trường khác mà học”. Rõ ràng là cách nói rất phản sư phạm, chẳng xứng với tầm vóc nhà giáo thâm niên trên mười năm chút nào. Sau một tiết sinh hoạt chủ nhiệm như vậy, em nào ra khỏi lớp cũng buồn hiu, cảm hứng học tập cơ bản là không còn nữa.
Một trường phổ thông cơ sở ở quận T. có vài em học sinh mới vào lớp 6, vóc dáng to hơn các bạn cùng lớp khác. Dù phụ huynh đã đóng tiền mua đồng phục thể dục cho con ngay trong tháng 8 nhưng nhà trường vẫn chưa mua được chiếc áo vừa với khổ người các cháu, cứ hẹn lần hẹn lữa đến giữa tháng 9 vẫn chưa có. Các cháu đi học giờ thể dục phải mặc áo cũ. Nhà giáo dạy thể dục nhìn ra, lại... cảnh cáo các cháu trước lớp. Tại sao cái lỗi của nhà trường mà nhà giáo lại cảnh cáo học sinh? Tại sao hiệu phó chuyên môn hoặc nhân viên lo đồng phục của nhà trường không nói rõ điều này cho giáo viên thể dục biết để giờ thể dục nào ông ta cũng kêu các cháu mặc áo cũ ra mà mắng mỏ?
Làm cho học sinh sợ trường học, sợ giờ học là một cách làm phản sư phạm. Một khi đứa trẻ đã sợ thì tâm trạng dao động, chất lượng học tập sa sút và ngay cả chất lượng dạy dỗ cũng sa sút. Tiếc thay cái tình trạng đáng buồn đó lại diễn ra khá nhiều ngay trong đầu năm học này khiến không khí nhiều nhà trường mất vui.
Chúng tôi tự hào ngày xưa có đứa mặc áo vá quần vá đi học, chẳng đồng phục cứng nhắc, chẳng đóng tiền gì ráo mà vẫn học hành rất vui. Chúng tôi vui vì nhà trường và thầy cô chẳng ai phàn nàn, mắng mỏ chúng tôi cả. Cái vui làm tuổi học sinh có cảm hứng nên tự biết lo cho mình hơn, biết giữ gìn kỷ luật nhà trường hơn. Nhà trường chúng ta ngày nay đẹp quá, hoành tráng quá, xứng đáng là những nơi ươm mầm tài năng cho đất nước. Xin đừng làm mất cảm hứng học tập và rèn luyện của các em. Xin các thầy cô, các cơ quan hữu quan xem lại, đừng bao giờ làm cho các em học sinh lo sợ, hãy tạo một không khí sư phạm chuẩn mực, đầm ấm, thân ái cho học sinh phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.