Đùn đẩy quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia

Nguyên Nga
Nguyên Nga
18/12/2023 06:29 GMT+7

Công tác quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia đang được Bộ Công thương và Bộ Tài chính "nhường qua nhường lại" chưa ngã ngũ.

Không bộ nào chịu giữ kho dự trữ

Theo Bộ Tài chính, cơ quan quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia phải là cơ quan có năng lực, có chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực. Chính phủ giao Bộ Công thương chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành, lĩnh vực điện, than, dầu khí, năng lượng…Vì thế, trong báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất chuyển nhiệm vụ quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia sang bộ này.

Tổng kho xăng dầu Nhà BèẢnh: Ngọc Dương

Tổng kho xăng dầu Nhà Bè

NGỌC DƯƠNG

Đặc biệt, trong báo cáo, Bộ Tài chính còn "tố" là tuy đã có luật Dự trữ quốc gia hơn 10 năm (từ ngày 1.7.2013) nhưng đến nay, Bộ Công thương vẫn bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với xăng dầu kinh doanh theo hợp đồng bảo quản, phụ lục hợp đồng bảo quản ký với 4 doanh nghiệp. Từ năm 2014 - 2022, Bộ Công thương thực hiện chuyển tiếp các hợp đồng bảo quản đã ký năm 2014 thông qua các phụ lục hợp đồng để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia và năm nay chưa ký hợp đồng bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia. Cũng hơn 10 năm qua, Bộ Tài chính chưa từng nhận được văn bản đề nghị kèm hồ sơ xây dựng định mức của Bộ Công thương như trách nhiệm được giao.

Trước đó, Bộ Công thương có đề xuất Chính phủ chuyển nhiệm vụ quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia cho Bộ Tài chính với lý do để thống nhất đầu mối quản lý. Theo Bộ Công thương, Bộ Tài chính đang trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia với các mặt hàng thiết yếu, dân sinh như gạo. Xăng dầu cũng là hàng thiết yếu nên cần thiết chuyển mặt hàng này cho Bộ Tài chính quản lý dự trữ trong giai đoạn 2024 - 2025.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Công thương và Bộ Tài chính có bất đồng quan điểm trong quản lý xăng dầu và bộ nào cũng muốn "nhường" bộ kia quản lý mặt hàng này. Trên thực tế đến nay Bộ Công thương theo phân công của Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Trong khi đó, Bộ Tài chính thực hiện việc giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn, rà soát tính toán và công bố các khoản định mức về tính giá cơ sở trước mỗi kỳ điều hành giá xăng dầu mới.

Không thể đẩy vai trò dự trữ lên vai doanh nghiệp, cho dù là doanh nghiệp nhà nước. Đã có chủ trương, cần cấp tốc xúc tiến việc lập kho dự trữ, lúc này còn đẩy bộ nào quản lý thì không biết khi nào VN mới có kho dự trữ quốc gia thực sự.

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường ĐH Kinh tế quốc dân)

Đặt vấn đề với ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, vị này cho biết công tác quản lý các mặt hàng thiết yếu hiện nay được giao cho Tổng cục Dự trữ nhà nước quản lý và đơn vị này trực thuộc Bộ Tài chính. Do vậy, Bộ Tài chính quản lý dự trữ xăng dầu là điều phù hợp. Tuy nhiên, xét dưới góc độ quản lý ngành thì xăng dầu lại thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương. Cho nên, theo ông Bảo, không nên phân định bộ nào quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia mà vẫn cần liên bộ, liên ngành…

Bộ nào "hiểu" xăng dầu nhất, bộ đó quản lý dự trữ ?

Cơ cấu dự trữ xăng dầu hiện nay gồm 3 nguồn là dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia. Trong đó, dự trữ sản xuất đến từ 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất; dự trữ thương mại nằm ở các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối dự trữ xăng dầu quốc gia. Hiện nay, chúng ta chưa tách được dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Và chính các cơ quan quản lý cũng không biết được 33 thương nhân đầu mối có hàng dự trữ quốc gia theo quy định hay không.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng cần có một doanh nghiệp quản lý vốn và kinh doanh xăng dầu nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để quản lý kho dự trữ quốc gia này. Theo ông, không thể giao cho Bộ Công thương hay Bộ Tài chính quản lý được vì Bộ Công thương quản lý dự trữ xăng dầu của các doanh nghiệp, không thể nhập nhằng trong quản lý dự trữ quốc gia với dự trữ thương mại, vì có thể dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" đối với một mặt hàng quan trọng như xăng dầu. Cũng không thể giao Bộ Tài chính quản lý kho dự trữ kiểu mua xăng dầu về đổ vào kho khóa lại. 

Chúng ta cần có kho dự trữ xăng dầu quốc gia bảo đảm lợi ích lớn nhất cho nền kinh tế. Đó là phải quản lý, dự báo tốt, mua vào khi giá thấp và bán ra can thiệp thị trường khi giá biến động cao. Trong khi đó, vai trò của doanh nghiệp quản lý vốn và kinh doanh xăng dầu nhà nước phải tự hạch toán lời lỗ, có địa chỉ chịu trách nhiệm rõ ràng nếu để thua lỗ kéo dài và không bình ổn được thị trường. Ông Phú chỉ ra tại Mỹ, khi giá dầu cao hơn 100 USD/thùng, nước này mở kho dự trữ ồ ạt và nay khi giá dầu xuống thấp dưới 75 USD/thùng, họ đẩy mạnh chiến lược mua bù đổ vào kho dự trữ. Điều hành, quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia đúng nghĩa là như vậy và khi có kho dự trữ quốc gia rồi, việc thuê kho của doanh nghiệp hay nhập nhằng giữa dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia… sẽ được giải quyết rõ ràng, minh bạch.

"Doanh nghiệp quản lý kho dự trữ quốc gia đối với mặt hàng xăng dầu có thể hiểu như nhà buôn, có khả năng dự báo, linh hoạt và nhạy bén trong ngành", ông Phú giải thích thêm về đề xuất của mình

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), lại cho rằng việc giao cho bộ nào quản lý kho dự trữ quốc gia xăng dầu còn tùy thuộc phân công của Chính phủ. Về nguyên tắc, bộ nào đang quản lý sản xuất và kinh doanh mặt hàng xăng dầu, có nghiệp vụ và nắm rõ tình hình thị trường trong nước cũng như thế giới thì nên giao cho bộ đó quản lý. Theo đó, Bộ Công thương - cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu - quản lý luôn dự trữ quốc gia xăng dầu là hợp lý. Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Bộ Công thương nên được giao quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia vì cơ quan này "hiểu" ngành xăng dầu nhất.

"Thông thường, các nước xây dựng các kho dự trữ xăng dầu với sức chứa rất lớn, khi giá dầu thế giới tăng vọt, họ xả kho dự trữ, tăng nguồn cung trên thị trường nội địa, từ đó làm cho giá giảm xuống. Khi giá dầu xuống thấp, họ mua vào tích trữ để đảm bảo trữ lượng dự trữ điều tiết giá thị trường trong những lần kế tiếp. Kho dự trữ xăng dầu là các dự án cấp quốc gia, được xây dựng, bảo vệ, vận hành bởi tổ chức được nhà nước giao quyền. Kinh phí xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia có thể được hình thành từ ngân sách nhà nước, doanh thu trích từ việc sản xuất dầu thô hoặc đều đặn trích lập số tiền rất nhỏ trong giá xăng dầu… Hiện tại, chúng ta đang bình ổn bằng quỹ bình ổn xăng dầu nhưng không ổn chút nào, mà phải cấp tốc xây dựng kho dự trữ. Để doanh nghiệp tự xây kho dự trữ xăng dầu đảm bảo nguồn hàng 20 ngày là không phù hợp. Không thể đẩy vai trò dự trữ lên vai doanh nghiệp, cho dù là doanh nghiệp nhà nước. Đã có chủ trương, cần cấp tốc xúc tiến việc lập kho dự trữ, lúc này còn đẩy bộ nào quản lý thì không biết khi nào VN mới có kho dự trữ quốc gia thực sự", PGS-TS Phạm Thế Anh nói.

Tại Quyết định 861 ngày 18.7.2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Thủ tướng ký, mục tiêu Chính phủ đặt ra cụ thể đối với hạ tầng dự trữ quốc gia về xăng dầu phải có sức chứa từ 500.000 - 1 triệu m3 sản phẩm xăng dầu và 1 - 2 triệu tấn dầu thô.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.