Đưa khách 'nhí' tiếp cận di sản

18/05/2017 07:00 GMT+7

Có ý kiến cho rằng di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là nơi nghiêm trang, không phù hợp để hấp dẫn trẻ em. Thế nhưng nếu có cách làm sáng tạo, hợp lý, những buổi tìm hiểu về di sản này lại trở nên thú vị, thu hút với khách 'nhí'.

Lớp học xưa, lớp học nay…
Tiếng đập nhịp vang lên rất đều theo giọng lanh lảnh của các học sinh lớp 4A3, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Q.Đống Đa, Hà Nội). Các em đang cùng nhau đọc bài vè về lớp học xưa, lớp học nay sau khi tham gia tìm hiểu di sản Văn Miếu Quốc Tử Giám. Bài vè nối tiếp nhau rất dễ nhớ, dễ thuộc và vui, kể được nhiều câu chuyện hay. Đó là nội dung một đoạn video được giới thiệu trong tọa đàm giáo dục di sản tại Văn Miếu Quốc Tử Giám diễn ra sáng 16.5, do Sở VH-TT Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa VN và Trung tâm hoạt động Văn Miếu Quốc Tử Giám tổ chức.
Ở phần đầu, bài vè nói về việc cha mẹ xưa xin học cho con thế nào, lễ nghĩa giữa thầy trò ra sao. “Ve vẻ ve ve. Nghe vè học tập. Ngày xưa ngồi sập. Là thầy đồ già. Học trò thiết tha. Đến cùng cha mẹ. Không nặng thì nhẹ. Không ít thì nhiều. Nhà có bao nhiêu. Sắm sanh lễ vật. Của ít lòng thật. Nhập môn kính thầy. Kính lễ nơi đây. Xin thầy dạy chữ. Lớp học không cứ. Phải cùng tuổi đâu. Cứ đến từ đầu. Thầy lo sắp xếp. Thầy đội khăn xếp. Lại mặc áo the. Lớp học im re. Kỷ cương nền nếp”. Bài vè cũng có phần nói về việc thi cử ngày xưa. Người nghe có thể biết được các kỳ thi xưa diễn ra theo thứ tự như thế nào, danh hiệu Trạng nguyên nghĩa là sao...
Đưa khách 'nhí' tiếp cận di sản1
Sản phẩm vẽ con hổ sau khi học về bức phù điêu Mãnh hổ hạ sơn tại Văn Miếu Ảnh: Vương Anh
Đây là bài vè do cô Hiệu phó Đào Thanh Xuân, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt sáng tác. Bài vè được biểu diễn trong phần ba của chương trình giáo dục di sản hướng tới các em nhỏ. “Chúng tôi chia một hoạt động di sản như thế làm ba phần. Phần đầu tiên, cô giáo hướng dẫn các em tìm tư liệu để hiểu về di tích mình sắp tới. Sau đó là hoạt động tìm hiểu thông tin ngay tại Văn Miếu. Cuối cùng là phần các em thu hoạch và thể hiện những thu hoạch đó”, cô Nguyễn Kim Toàn, giáo viên lớp 4A1, cho biết.
Nhiều hoạt động
Thạc sĩ Đường Ngọc Hà, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuyết minh, Trung tâm hoạt động Văn Miếu Quốc Tử Giám, cho biết có nhiều hoạt động khác nhau cho học sinh tiểu học tại đây. Chẳng hạn, một chương trình khác cho các bé lớp 1 là vẽ lại một số hoa văn trên trán bia Văn Miếu. Các em thậm chí đã vẽ lại cả con rùa đội bia với nhiều màu sắc khác nhau để triển lãm. Ở khối lớp 4, các em có thể vẽ lại Khuê Văn Các và các họa tiết. Tất cả đều có sản phẩm, tạo thành một triển lãm nho nhỏ tại trường. Hoặc, sau chương trình, các em tổ chức một buổi diễn thời trang áo dài với những họa tiết mình vẽ dán vào áo.
Trong khi đó, cô Đỗ Diệu Thúy, giáo viên Trường tiểu học Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) lại đem tới tọa đàm nhiều mặt nạ, áo phông vẽ hình hổ. Bài học của các em lớp 1 về di sản được thiết kế xung quanh bức phù điêu Mãnh hổ hạ sơn cũng tại di tích này. “Chúng tôi chọn bức tranh vì nghĩ con hổ rất gần với những câu chuyện mà các em thường được nghe kể”, cô Thúy nói. Chính vì thế, trước khi tới xem phù điêu, các em được giới thiệu, nhắc lại những câu chuyện về hoạt động của loài hổ hay chuyện Trí khôn của ta đây mà con hổ là một trong hai nhân vật chính.
Hướng mở cho giáo dục di sản
Bà Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa VN, cho biết sau tham quan, các trường có rất nhiều hoạt động thú vị. Chẳng hạn, đã có những vở kịch về tình thầy trò kể về ông Chu Văn An và thầy dạy, hay bài vè kể chuyện học hành. “Chủ đề lớp học xưa cho biết học hành giữa các thời khác nhau ra sao, nhưng cốt lõi vẫn là tình thầy trò, tình bạn, sự chăm chỉ”, bà Lý nói.
Bà Lý cho biết khi xây dựng chương trình thuyết minh cho các em tới học di sản đã có rất nhiều nghi ngờ. “Nhiều người có ý kiến là Văn Miếu nghiêm trang thế này thì có làm được cho trẻ con học không. Nào là chuyện Nho Giáo, nào là thi cử... Thế nhưng, khi nghiên cứu đánh giá di sản linh hoạt thì lại thấy có rất nhiều tiềm năng để có thể mở rộng đề tài mãi mãi. Thậm chí, cả mẫu giáo cũng có thể làm được”, bà Lý nói.
Cũng theo bà Lý, đầu tiên hãy nhân rộng mô hình hiện đang miễn phí này với các trường gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sau đó sẽ đưa thêm học sinh từ xa đến. Nó cũng sẽ là mô hình có thể áp dụng với di sản ở các địa phương.
Ông Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản, góp ý rằng nên tạo thêm các điểm nhấn tại di tích. Chẳng hạn, ở Văn Miếu nên có không gian hướng dẫn thư pháp, dạy thư pháp hay văn hóa trà đạo, nơi tổ chức gặp gỡ những người thành đạt trong học hành để tạo cảm hứng cho học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.