Du lịch còn nhiều dư địa bứt phá

01/09/2023 04:16 GMT+7

Chỉ cần 8 tháng để về sát đích kế hoạch thu hút 8 triệu du khách quốc tế của cả năm, ngành công nghiệp không khói Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá khi "cánh cửa visa" đã chính thức được mở rộng từ 15.8.

Công bằng mà nói thì mục tiêu 8 triệu khách quốc tế năm nay ngay từ đầu đã được nhận xét là quá thận trọng. Thế nên việc về đích trước thời hạn cũng không phải là kết quả quá ngạc nhiên với nhiều người. Dù vậy, cũng không thể phủ nhận, nỗ lực của cả hệ sinh thái du lịch, từ Chính phủ, các bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong suốt thời gian qua.

Tâm thế đón khách, tâm thế cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực tạo cho chúng ta sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng về sản phẩm, dịch vụ, quảng bá. Có lẽ chưa bao giờ, lãnh đạo địa phương trực tiếp ra nước ngoài xúc tiến du lịch nhiều như năm nay. Những câu chuyện khách mất đồ, vài tiếng sau được trả lại; khách bị gian lận giá cước, giá dịch vụ được xử lý nhanh chóng cũng ngày càng phổ biến. Dù vẫn còn chuyện này chuyện kia nhưng rõ ràng, du khách đã được chăm sóc chu đáo, tận tình, chuyên nghiệp hơn.

Thế nhưng nếu so với trước dịch thì con số gần 8 triệu du khách quốc tế của VN cho thấy sự phục hồi chưa như kỳ vọng. Cụ thể, theo Cục Du lịch quốc gia, mức độ phục hồi của VN chỉ đạt 44% so với trước dịch, thấp nhất trong 5 nước khu vực Đông Nam Á lần lượt là Thái Lan (63 - 75%), Malaysia (69%), Singapore (63 - 73%), Indonesia (53%). Kết quả này tương ứng với thực tế vẫn đang hết sức khó khăn của ngành công nghiệp không khói hiện nay. Trong danh sách bị bêu tên nợ thuế mới đây, các doanh nghiệp du lịch xếp ngay sau bất động sản... Có lẽ ngay cả chính chúng ta, cũng không nghĩ độ phục hồi của ngành du lịch lại khiêm tốn đến vậy. Mở cửa sớm nhất, kỳ vọng nhiều nhất, lợi thế và dư địa không thiếu... chúng ta đã từng mơ rằng, rã băng du lịch, ngành kinh tế tổng hợp sẽ kéo theo hàng không, thương mại, dịch vụ, bất động sản, ẩm thực... tăng trưởng. Từ đó, đóng góp và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Nhưng cuối cùng thì du lịch lại đi trước về sau vì nhiều lý do.

Kết quả chưa như mong đợi nhưng dư địa để thực hiện những kỳ vọng này thì vẫn còn nguyên giá trị. Đầu tiên là chính sách visa dù đã thông thoáng hơn nhưng điều được chờ đợi nhất là mở rộng danh sách các nước được miễn visa vào Việt Nam, "vũ khí" mà các quốc gia trên thế giới sử dụng để thu hút khách quốc tế vẫn chưa được sử dụng. Nếu chúng ta mở rộng cửa ngõ đón khách ngay từ chính sách này, cục diện chắc chắn sẽ thay đổi lớn. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch vẫn hết sức lẻ tẻ. Vẫn là các doanh nghiệp hay các địa phương tự làm chứ chưa có một chiến lược mang tầm quốc gia, dài hạn, bài bản. Nếu ta đẹp, ta thông thoáng, thuận tiện, cuốn hút mà ít người biết thì cũng chẳng ích gì. Vì thế, một chương trình quảng bá để vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam đến được với bạn bè thế giới là điều cần phải làm gấp. Quảng bá đưa khách đến rồi thì phải có "đồ chơi" để giữ chân khách, để khách tự nguyện tiêu tiền. Đó chính là các sản phẩm du lịch, là kinh tế đêm, là hệ thống giải trí để khách không chỉ "đi tham quan rồi về ngủ" mà chúng ta nói nhiều, bàn nhiều, quyết tâm nhiều nhưng thực hiện chẳng bao nhiêu.

Biến dư địa thành kết quả mà chúng ta kỳ vọng, nhất là trong giai đoạn kinh tế cần sự đóng góp của tất cả mọi lĩnh vực, ngành nghề là nhiệm vụ cấp bách của các ngành, các cấp có liên quan để du lịch thực sự đột phá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.