Dự án đường sắt đầy tham vọng của Malaysia

23/12/2016 09:02 GMT+7

Hàng triệu tấn cát đang được nạo vét từ Biển Đông để cải tạo cảng Kuantan của Malaysia nhằm phục vụ dự án đường sắt điện khí hóa có chi phí hơn 12 tỉ USD do Trung Quốc tài trợ.

Theo tờ The Straits Times, dự án Tuyến đường sắt bờ Đông (ECRL) sẽ nối liền các cảng trên các bờ biển phía đông và tây của bán đảo Malaysia, và có thể thay đổi các tuyến đường thương mại hiện đi vòng qua Singapore. Dự án này cho thấy tham vọng của Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở châu Á và xa hơn. Hiện Tập đoàn xây dựng IJM (Malaysia) và Tập đoàn Beibu Gulf Port (Trung Quốc) đang chi hơn 268 triệu USD để bồi đắp 40 ha đất. Về phần mình, chính phủ Malaysia đã chi hơn 241 triệu USD để hoàn thành con đê chắn sóng dài 4 km để bảo vệ cảng.
Tuyến ECRL dài 620 km sẽ xuất phát từ huyện Tumpat, gần biên giới phía đông bắc của Malaysia với Thái Lan, xuôi theo bờ biển đến cảng Kuantan, trước khi cắt ngang khu vực đồi núi miền trung đến Klang, cảng lớn nhất của Malaysia. Chi phí cho dự án ECRL đã được đảm bảo, với 85% được tài trợ bằng các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc. Trong khi việc xây dựng toàn tuyến dự kiến sẽ kéo dài hơn 10 năm, các nhà hoạch định của chính phủ Malaysia khẳng định sẽ ưu tiên xây dựng đoạn nối cảng Kuantan và cảng Klang. Dự án ECRL sẽ được khởi công vào năm tới và khi hoàn thành, nó sẽ trở thành cầu nối đường bộ có vai trò quan trọng đối với thương mại ở châu Á.
Những người ủng hộ dự án nói rằng nếu mọi việc diễn ra như kế hoạch, tuyến đường mới có thể mở ra lựa chọn mới cho các nhà xuất khẩu tiếp cận thị trường khu vực Bắc Á. Tuy chi phí có đắt hơn đôi chút so với tuyến đường đi qua Singapore, nhưng ECRL sẽ rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển từ Thâm Quyến (Trung Quốc) đến cảng Klang, từ 165 xuống còn 135 giờ. Hàng xuất khẩu từ Bắc Á cũng có thể được chuyển đến eo biển Malacca mà không cần qua Singapore. ECRL cũng được cho là sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt “phụ thuộc quá mức” vào eo biển Malacca. Hiện 80% nhu cầu năng lượng của Bắc Kinh được vận chuyển ngang qua Malacca. Dự án đầy tham vọng của Malaysia cũng biến kế hoạch xây kênh đào qua eo đất Kra của Thái Lan trở nên thừa thãi trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, phía chống đối cho rằng ECRL là khoản chi tiêu mà kinh tế Malaysia khó kham nổi. Họ cũng tin dự án sẽ chỉ làm tăng thêm sự lệ thuộc của Thủ tướng Najib Razak vào Trung Quốc để vực dậy nền kinh tế Malaysia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.