Đông Nam bộ cần phát triển tăng tốc, đột phá

Hoàng Giáp
Hoàng Giáp
06/05/2024 06:06 GMT+7

Sáng 5.5, tại Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, chủ trì Hội nghị lần thứ 3 nhằm triển khai thực hiện quy hoạch vùng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá: "Qua hơn 1 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị, vùng Đông Nam bộ đã đạt được những kết quả tích cực". Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ năm 2023 cao hơn mức bình quân chung cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06% so với mức tăng 5,05% của cả nước; quy mô GRDP của vùng đóng góp vào GDP cả nước lớn nhất (chiếm 30,2% GDP), GRDP bình quân đầu người (đạt 166 triệu đồng), thu ngân sách nhà nước (675.000 tỉ đồng), thu hút đầu tư nước ngoài có 4/6 địa phương trong vùng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hệ thống giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ còn chưa đồng bộ; xảy ra tình trạng ngập úng và ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn; quá tải về hạ tầng xã hội; ô nhiễm môi trường… vẫn là điểm nghẽn của sự phát triển. Ngoài ra, khoa học công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và các đại biểu đến dự Hội nghị lần thứ 3 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và các đại biểu đến dự Hội nghị lần thứ 3 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ

TTXVN

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc triển khai quy hoạch cần được công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật, nhằm thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia. Tiếp tục tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại, bao gồm việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia đang triển khai, sớm đưa các dự án vào khai thác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đã khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng của vùng Đông Nam bộ, nhất là về các động lực tăng trưởng. Thủ tướng cũng đánh giá vùng Đông Nam bộ phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế, còn nhiều điểm nghẽn, hạn chế, bất cập cần giải quyết. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững nhưng chưa nhanh. Phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa chưa tương xứng với truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng của vùng "Thành đồng Tổ quốc". Hạ tầng liên kết giữa nội vùng và các vùng khác còn hạn chế. Ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập úng vẫn là vấn đề lớn. Việc hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương còn vướng luật Ngân sách, cần phải tư duy bứt phá để tháo gỡ.

Quy hoạch để phát triển tăng tốc, đột phá, tiên phong

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tập trung triển khai quy hoạch để vùng Đông Nam bộ phát triển tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch, sẽ mở ra tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới trong bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ cũng như cả nước. Khi cơ chế, chính sách ưu tiên cộng hưởng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng thì vùng Đông Nam bộ sẽ phát triển mạnh mẽ.

Cùng với đó, phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức) và đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện hơn 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực).

Thủ tướng cũng lưu ý cần huy động nguồn lực tổng thể, bao gồm nguồn lực T.Ư, nguồn lực địa phương, nguồn lực xã hội, nguồn vốn FDI, vốn hợp tác công-tư, các cơ chế đổi mới, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư và mọi nguồn lực của xã hội.

"Vùng phải có hạ tầng chiến lược phát triển nhanh, hiện đại; thúc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển dựa vào khoa học công nghệ; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, bổ sung các động lực tăng trưởng mới. Triển khai đồng bộ, toàn diện hơn 3 đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng và hoàn thiện thể chế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của vùng như thương mại điện tử, trung tâm logistics tầm cỡ khu vực, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM…

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, cần ưu tiên đầu tư các dự án có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng như cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đô thị thông minh…

"Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề của vùng, liên tỉnh, thành phố trong vùng; nghiên cứu việc xây dựng các quỹ, cơ chế để hỗ trợ các dự án lớn, quan trọng của vùng Đông Nam bộ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, dự thảo kết luận của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện quy hoạch, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp gắn với cơ quan chủ trì và thời hạn hoàn thành. Thủ tướng cũng phân công cụ thể các Phó thủ tướng, các bộ trưởng, địa phương, với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đưa vùng Đông Nam bộ - "Thành đồng Tổ quốc" trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiếp tục phát huy vai trò "Thành đồng Tổ quốc" trong phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới.

Về các dự án cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục chỉ đạo giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình xây dựng, hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM.

Về Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện thủ tục bổ sung vào quy hoạch cảng biển trong vòng 10 ngày. Về dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đảm bảo dự án đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương dự án, hoàn thành trước ngày 15.5.

Về dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Về đường Vành đai 4 - TP.HCM, Thủ tướng cơ bản đồng tình với các đề xuất của UBND TP.HCM. Cụ thể, giao UBND TP.HCM hoàn thiện báo cáo, sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; giao Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính tìm phương án cân đối nguồn vốn, tinh thần là huy động cả vốn T.Ư và địa phương.

Thủ tướng yêu cầu cơ bản hoàn thành dự án sân bay Long Thành trong năm 2025, khánh thành Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp 30.4.2025; đẩy nhanh tiến độ một số dự án cao tốc, nhất là tuyến TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tây Ninh công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

Chiều 5.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng đề nghị tỉnh Tây Ninh thực hiện quy hoạch cần có tư duy mới để tạo ra giá trị mới. Đầu tư phát triển cần có trọng tâm, trọng điểm, chọn việc nào dứt việc đấy, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, dàn trải.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Tây Ninh cần thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh và 5 đảm bảo". Trong đó, 1 trọng tâm là sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như: Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…

2 tăng cường gồm tăng cường đầu tư nguồn nhân lực đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; Tăng cường kết nối vùng về thị trường, sản xuất, tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; tăng cường. 3 đẩy mạnh gồm: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, lập nghiệp ở giới trẻ. 5 đảm bảo gồm: Đảm bảo tính tuân thủ; tính đồng bộ; tính liên kết; tính ổn định, kế thừa, phát triển của quy hoạch và đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo, mở rộng của quy hoạch.

Thủ tướng cũng đề nghị Tây Ninh phát huy tính tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư. Thủ tướng mong muốn không chỉ Tây Ninh mà cả các tỉnh thành khác sẽ có cung triển lãm quy hoạch để công khai quy hoạch. Đây sẽ là sản phẩm du lịch, đồng thời góp phần công khai minh bạch thông tin để người dân giám sát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.