Đồng bộ để phục vụ dân

26/02/2023 06:11 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.

Chỉ thị 05/CT-TTg một lần nữa nhắc nhở cần nhanh chóng khắc phục các bất cập trong khi triển khai đề án trên.

Trước hết, phải khẳng định thời gian qua việc thực hiện chuyển đổi số, triển khai đề án phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử đã mang lại những thành quả bước đầu, giúp tiết giảm thủ tục và tạo sự thuận tiện cho người dân lẫn quá trình quản lý của cơ quan chức năng. Thế nhưng, trong thực tế triển khai vẫn tồn tại khá nhiều bất cập, dẫn đến không ít trường hợp còn gây phiền toái cho người hơn.

Những tồn tại này về cơ bản bắt nguồn từ sự thiếu đồng bộ cả về hệ thống dữ liệu của quá trình số hóa, lẫn việc tổ chức thực hiện.

Đề án trên bao gồm một hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ, liên quan nhiều lĩnh vực, ban ngành và cùng vô số các thủ tục hành chính vốn "ăn sâu" trong cuộc sống thường nhật. Chính vì thế, để quá trình chuyển đổi theo đề án trên hiệu quả, trước hết cần đảm bảo sự thống nhất, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông suốt cho cả một mạng lưới khổng lồ. Và nếu chỉ cần phát sinh một điểm nghẽn hay không đồng bộ thì có thể sẽ gây ảnh hưởng rất lớn cho nhiều bên.

Đó là thách thức lớn nhưng không phải là một thách thức không thể lường trước, vì chúng ta đã từng chuyển đổi, đồng bộ nhiều hạ tầng dữ liệu như: đăng ký kinh doanh, bảo hiểm y tế… hay gần gũi hơn là kết nối các hệ thống camera an ninh giám sát của các phường xã, quận huyện trong cùng một tỉnh thành. Tuy nhiên, thực tế thì bài toán thiếu đồng bộ, liên kết và chia sẻ vẫn tái diễn.

Bên cạnh đó, tính đồng bộ của quá trình chuyển đổi số như trên không chỉ về việc thống nhất, chia sẻ hay liên kết dữ liệu mà còn là quy trình tổ chức chuyển đổi để đảm bảo không xảy ra bất cập khi thực thi. Không máy móc, công nghệ hay kỹ thuật, hạ tầng số nào có thể hoàn toàn thiết lập và thực thi quy trình chuyển đổi này thay con người. Tất cả đòi hỏi một kế hoạch triển khai hiệu quả, khả thi, đồng bộ. Vấn đề nằm ở việc hoạch định và tổ chức thực thi vốn cũng không hề đơn giản với một mạng lưới chuyển đổi số phức tạp như đề án trên. Khi lập kế hoạch, tổ chức thực thi thiếu hiệu quả, không thông suốt thì kết quả chuyển đổi khó đạt được mục tiêu mong muốn.

Với đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, thì Chỉ thị số 05/CT-TTg không phải là lần đầu Chính phủ nóng lòng thúc giục giải quyết các bất cập. Thủ tướng đã nhiều lần lên tiếng nhắc nhở. Chính vì vậy, để đề án trên đem lại hiệu quả như kỳ vọng, có lẽ cần đánh giá, rà soát và tinh chỉnh quá trình thực hiện với sự đồng bộ cao nhất cả về dữ liệu lẫn quy trình chuyển đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.