Võ sư hành hiệp - Bài cuối: Gác kiếm

09/02/2006 22:06 GMT+7

Cách đây 8 năm, tại khách sạn Palace, quận 1, TP.HCM, một võ sư Việt kiều từ Pháp về đã làm một việc, tuy chỉ là cá nhân nhưng khiến giới võ lâm xúc động: tổ chức một bữa tiệc nhỏ rồi mời đủ 11 lão võ sư của làng võ cổ truyền đến vinh danh.

Thời điểm đó, võ sư đại lực sĩ Hà Châu, một nhân vật được thế giới biết đến như một huyền thoại về "người ngoài hành tinh" đã bước vào tuổi 74, được xếp vào hàng trẻ nhất trong số ấy, và ông nói rằng đã "gác kiếm" trước đó hai năm. Những "cây đại thụ" lần lượt gác kiếm, phải chăng chuyện hành hiệp rồi cũng sẽ đến hồi kết?

Bến phà Thủ Thiêm giờ tan tầm đông nghẹt, chúng tôi phải vòng lên cầu Sài Gòn để sang phường An Khánh, quận 2 cho kịp giờ hẹn với võ sư đại lực sĩ Hà Châu. Nhưng đến nơi thì cũng đã hơn 18 giờ. Trong một căn nhà nhỏ không có lầu, cánh cửa hẹp, không có những chậu hoa kiểng cao niên, không có tiếng chó sủa và cũng không có một cụ già tuổi 82 tóc bạc phơ tay cầm gậy như chúng tôi đã hình dung. Chỉ có một người đàn ông vóc dáng đứng tuổi, mái tóc nhuộm lâu ngày đã ngả màu sang nâu đang ngồi với một thanh niên đẹp trai nói giọng Hà Nội đợi chúng tôi. Người đàn ông ấy xách hai chai rượu thuốc ra cửa, vừa đi vừa bảo: "Phải đi tìm một cái quán, vừa nhâm nhi vừa nói chuyện".

Ông khỏe, và vẫn giữ kiểu nói chuyện hài hước khiến ai chưa đủ "nội công" có thể vỡ bụng. Thấy ông châm điếu thuốc, chúng tôi hỏi: "Thầy hút thuốc từ khi nào?"; thì ông đáp: "Khoảng năm bốn mươi mấy tuổi. Hút thuốc tốt lắm à! Nếu hút từ nhỏ thì có thể chữa được bệnh già, tôi hút muộn quá nên không đủ tác dụng". Anh đồng nghiệp của chúng tôi há hốc miệng nhìn, ông phá ra cười: "Hút nhiều quá thì chết mất hồi trẻ rồi còn đâu nữa mà già!”. Hỏi vì sao từ chuyến "hành hiệp" gây "kinh thiên động địa" đầu thập niên 90 trên đất Italia, "không còn thấy thầy mang chuông đi đánh xứ người" nữa? Giọng ông trở nên chua chát: "Bên Ý họ mời qua biểu diễn rồi dạy luôn. Đi... hổng ai như tui. Đi một tháng rưỡi, biểu diễn tại thủ đô, rồi ra cả miền Bắc, miền Trung nước Ý. Đến mỗi nơi dạy nửa tháng, biểu diễn một đêm. Mà về, gia đình ở nhà phải ăn chứ, tui phải chạy nợ trả tiền. Hổng có một đồng điếu nữa đừng nói một đồng xu. Người ta giữ tiền giùm, sợ mình làm mất. Nhưng khi về đến Việt Nam thì quên trả, giữ của mình hết luôn. Bởi vậy tôi nói không bao giờ đi biểu diễn nước ngoài nữa". 

Võ sư đại lực sĩ Hà Châu năm 34 tuổi

Sau "kỷ niệm" nhớ đời đó vài năm, con người huyền thoại này bị chủ nhà cắt hợp đồng cho thuê, đang định thu xếp dọn đồ về quê ở Sóc Trăng ẩn cư thì các học trò ở chùa Vĩnh Nghiêm hay được, liền tức tốc viết thư sang Bỉ. "Đồng Văn Hùng là võ sư ở Bỉ nhận được thư gọi điện về liền, nói thầy khoan đi đâu nghen thầy, thầy ráng chờ em vài hôm, em qua Việt Nam tính chuyện nhà cửa cho thầy. Rồi anh ấy về dẫn tôi ra tiệm vàng, móc ra một xấp đô la đổi lấy một xâu vàng, bảo tôi, thầy mang về mua nhà ở. Cái nhà tôi ở hiện nay là anh ấy cho đấy. Nghĩa hiệp vô cùng", ông kể.

Nhắc lại chuyện "hành hiệp", ông nói: "Tôi biểu diễn cho xe tải cán qua không nhất định là cho bao nhiêu người lên xe ngồi. Cứ lên đi, cứ ngồi, cứ đứng đi, chừng nào tài xế bảo hết chỗ rồi thì thôi. Nó nặng cỡ nào nữa cũng không bằng chiếc hủ lô, thì mình đâu có sợ".

- "Hình như pha cho xe hủ lô cán qua người thầy chỉ biểu diễn có một lần?".

- "Khó xin phép lắm. Lúc đó hên là ông Nguyễn Đức Hòa, trung tá tỉnh trưởng Trà Vinh với tôi là bạn. Mà khi tôi xin, ổng cũng không cho nữa. Ổng nói anh Châu à, khó lắm anh Châu ơi, hủ lô mà đâu phải giỡn chơi đâu. Tôi than, trời ơi, ở đâu xin cũng hổng được rồi bây giờ ở đây anh cũng không giúp nữa sao, trung tá biết tôi nhiều mà. Ổng la tui biết, tui biết anh làm được, nhưng mà lỡ rủi ro này kia tui làm việc khó lắm. Tôi năn nỉ riết thì ổng bảo, thôi bây giờ vầy nè, anh Châu, anh thông cảm nghen, anh làm cái cam kết, nói có cái gì anh chịu trách nhiệm hết. Tôi làm, mà ký tên ổng cũng chưa chịu, bắt phải lăn tay nữa. Ổng nói ký tên không rủi tôi mất rồi biết chữ ký có đúng của tôi hay không".

Sự kiện "long trời lở đất" ấy diễn ra năm 1961 tại Trà Vinh. Ông kể rằng khi chiếc xe hủ lô bò qua người ông thì tài xế, có lẽ chỉ được đào tạo để cán qua bê tông, nhựa đường... nên hôm ấy đã lúng túng làm tắt máy, khiến ông phải "cõng" 12 tấn đúng 30 giây. Nhiều người đã tưởng ông "xong đời rồi" nhưng ông đã đứng dậy và tiếp tục những màn trình diễn tiếp theo như không có chuyện gì xảy ra.

Những năm sau này, khi đã cận kề tuổi 70, ông đã lên một kế hoạch công phu cho một màn trình diễn đứng tim khác tại Câu lạc bộ Phan Đình Phùng nhưng cuối cùng đã bị cơ quan chức năng "vịn" lại. Ông kể: "Tôi lấy cam nhông chở nguyên tấm đá nặng 300 kg, rồi có cái ròng rọc, mấy người kéo nó lên trên nóc nhà, cách khoảng 3 mét, rồi thả xuống từ từ, tôi nằm ở dưới. Câu lên, thả xuống từ từ coi nó có ngay ngực tôi không. Xong xuôi thì câu lên hết độ cao rồi lấy dao chặt sợi dây, cho nó rơi xuống. Khi nó đụng cái ngực tôi thì nó phải bể. Tôi còn sợ nó bể sẽ đập bể luôn gạch của sàn đài, nên mới đem theo hai tấm ván dày để hai bên hông của tôi đỡ. Nhưng trước khi biểu diễn mấy ngày, báo đã đăng "đại lực sĩ Hà Châu bị bỏ bom". Bà cục trưởng với ông cục trưởng ở Hà Nội vô mới kêu ông Lê Bửu với Lê Kim Hòa (hai cán bộ có trách nhiệm trong ngành thể thao và võ thuật của TP.HCM những năm đó - PV) ra nói màn này không được biểu diễn. Trời ơi ổng già rồi, diễn cái gì mà ghê quá". Thực lòng mà nói, chỉ nghe ông kể lại thôi mà chúng tôi cũng đã thấy thót tim. 

Võ sư đại lực sĩ Hà Châu hiện nay - (ảnh: Lữ Đắc Long)

Trong thực tế ai cũng biết chỉ một viên gạch thẻ thôi, do thợ hồ lỡ tay đánh rơi từ độ cao đó xuống thì cũng đủ để người hứng chịu - nhẹ thì cũng mẻ đầu, sứt trán.
Sau những thăng trầm của cuộc sống và buồn vui với nghiệp võ, giữa năm 1996, tại một quán cà phê ở phường An Khánh, quận 2, TP.HCM, võ sư đại lực sĩ Hà Châu đã tổ chức một buổi lễ đơn sơ, quy tụ những đồng môn, đệ tử cùng đông đảo bạn bè đến chứng kiến việc ông tuyên bố... "gác kiếm tổ". Không còn ai có thể cho xe hủ lô 12 tấn cán qua người? Không còn "người ngoài hành tinh" nào khiến hai chiếc xe vận tải cùng lúc phải quay tít bánh tại chỗ trong màn biểu diễn "tứ mã phanh thây"?

Không còn những con bò mộng bị gãy cổ chết oan bởi bàn tay của đại lực sĩ...? Như đọc thấy những trăn trở của chúng tôi, ông đã chỉ tay vào người thanh niên nói giọng Hà Nội mà chúng tôi gặp lúc đầu, rồi bảo: "Người này, tương lai của tôi đấy, số một".

Khi được hỏi cơ duyên nào dẫn đến với nghiệp võ, người thanh niên ấy hồn nhiên: "Em ở Hà Nội vào tìm thầy mãi mà chẳng được, đến khi không tìm nữa thì tình cờ gặp thầy trong một lần dự tiệc, mà lúc đó cũng không biết mặt thầy nữa". Võ sư Hà Châu nói nhiều người đã đến với ông nhưng chỉ có người thanh niên ấy là hội đủ các điều kiện. Vừa say mê võ thuật, vừa có tiền để mua sắm thiết bị, bồi bổ sức khỏe và có thời gian để tập. Anh tên Thu, hiện đang làm cho một công ty của Nhật và đã có thể chịu đựng được khi xe tải nhẹ cán qua người.

Võ Khối - Lữ Đắc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.