Vợ chồng đại thọ

18/09/2011 16:18 GMT+7

Cụ ông Huỳnh Văn Lạc (110 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Lành (106 tuổi) vừa được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là cặp vợ chồng sống thọ nhất nước ta.

Ở khu phố 2, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 - TPHCM người dân gọi thân mật cụ ông Huỳnh Văn Lạc và vợ, cụ bà Nguyễn Thị Lành, là “ông bà Sáu vườn trầu”. Người ta gọi vậy không chỉ bởi vùng này vốn là Mười tám Thôn vườn trầu khi xưa mà vì nhà hai cụ còn giữ được vườn trầu luôn xanh mát.

Ăn uống thanh đạm, đơn giản

Chúng tôi đến nhà lúc hai cụ đang dùng bữa trưa. Mâm cơm được người con thứ ba, bà Huỳnh Thị Hoa, năm nay đã 71 tuổi, dọn lên khá thanh đạm với canh đậu hũ non nấu thịt bằm, rau lang luộc chấm cà chua xốt thịt và vài trái chuối sứ tráng miệng.

Hai cụ ăn uống trông rất ngon miệng. Cụ Lạc tuy mắt đã kèm nhèm nhưng vẫn tự tay bới cơm, gắp thức  ăn. Cụ Lành nhanh nhẹn hơn, vừa ăn vừa chốc chốc quay sang hỏi dò chồng: “Ông có  vừa miệng không?”. Cụ Lạc chỉ cười cười rồi gật gù.

Bà Huỳnh Thị Hoa, người trực tiếp chăm sóc hai cụ, cho biết: “Ba má tôi thích ăn uống đơn giản, không đòi hỏi gì. Con cái thương, sợ hai cụ thèm mà không nói nên nhiều khi phải gợi ý. Thế nhưng, hai cụ luôn gạt ngang: “Ăn gì cũng được con à”. Từ trước đến giờ, bữa cơm mà ba má tôi ăn uống có vẻ ngon miệng nhất cũng chỉ thường là với rau luộc chấm mắm, cá đồng kho hoặc vài lát thịt mỏng. Hai cụ không bao giờ chịu ăn đồ hộp, đồ nguội. Có lẽ lối sống dung dị của người Nam Bộ đã ăn sâu vào máu thịt của ba má tôi rồi”.


Hai cụ Huỳnh Văn Lạc và Nguyễn Thị Lành (bên phải) cùng với những người thân trong gia đình

Khác với cụ ông Huỳnh Văn Lạc có vẻ kiệm lời, cụ bà Nguyễn Thị Lành lại rất thích trò chuyện. Cụ Lành khoe bên cạnh niềm vui mới đây, khi Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận cụ (106 tuổi) và chồng (110 tuổi) là cặp vợ chồng sống thọ nhất Việt Nam, sắp tới, hai cụ lại có thêm niềm hạnh phúc nữa: Được lên chức ông bà sơ vì có một người cháu cố sắp sinh con.

Nói đến những người cao tuổi, ai cũng tò mò muốn biết bí quyết sống thọ của họ. Khi đến thăm vợ chồng đại thọ này, chúng tôi cũng không ngoại lệ nhưng cuối cùng vẫn không đúc kết được gì, ngoài việc nhận thấy hai cụ có cuộc sống hết sức đơn giản, tự nhiên.

Hiếu khách, thích chuyện trò

Ăn cơm xong, cụ Lành luôn miệng hỏi thăm tôi đủ chuyện. Cụ nắm bàn tay tôi, vừa mân mê vừa hỏi dồn dập: “Bay ở đâu đến? Ở Bà Điểm hả? Bay có biết bà Năm Lộ không? Ba má bay còn khỏe chứ hả? Cho bà gửi lời thăm ba má bay nhé”. Cụ Lạc ngồi giường bên, nghe chúng tôi trò chuyện cũng dặn vài câu trước khi nằm nghỉ: “Bay đi trưa thế này có đói bụng không? Đói thì xuống nhà đơm cơm ăn, đừng mắc cỡ”.

Cụ Lành tỏ ra rất hiếu khách. Chúng tôi định ra về để hai cụ nghỉ trưa nhưng cụ Lành nhất quyết không ngủ, cứ ngồi nán lại kể đủ thứ chuyện. Chúng tôi được nghe từ chuyện vườn trầu của nhà cụ mà người đi làm đồng ngang qua thường ngồi lại nghỉ mệt, uống chén nước hay thỉnh thoảng nhà nào có đám hỏi, đám cưới cũng thường đến xin vài lá trầu xanh, ít trái cau thắm về làm mâm lễ đến chuyện cách đây gần thế kỷ, thuở hai cụ mới thương nhau rồi nên vợ nên chồng…

Nói về chồng, đôi mắt già nua của cụ Lành chợt hấp háy, xa xăm: “Ông ấy là nông dân rặt, hiền lành, chất phác, lại giỏi giang, biết cả chữ Nho, tiếng Pháp. Ông rất có hiếu với cha mẹ, con trai mà thêu thùa, may vá, cơm nước đều khá rành. Hễ làm đồng xong là ông ấy chạy về nhà lo cơm nước cho cha mẹ. Vậy mà đến 28 tuổi rồi, ông vẫn chưa có vợ. Một bữa, ông ấy đi mua thuốc thì gặp anh Bảy của bà. Thấy ông hiền lành, có hiếu nên anh Bảy làm mai cho bà.

Vậy là cưới. Hôm đám cưới, gần chục chiếc xe bò được trang trí mui hoa rực rỡ, bò thì con nào cũng đeo lục lạc kêu leng keng, chở họ hàng hai bên và cô dâu chú rể ra đường. Ai cũng trầm trồ khen bà đẹp người, nết na lại giỏi bếp núc, lấy được anh chồng hiền lành, cục mịch nhưng giỏi đồng áng cũng là duyên may”.

Về nhà chồng, cụ Lành được giao chuyện nhà cửa, bếp núc, trồng trầu, trồng chuối, nuôi gà bán kiếm tiền chợ. Còn cụ Lạc vẫn cần mẫn làm ruộng, cuộc sống nhiều khi phải nhờ vào con cá, cọng rau trên đồng. Nghèo khó nhưng gia đình họ vẫn sống êm đềm, hạnh phúc đến nay.

Sống chừng mực, chan hòa

Nhắc đến cha mẹ mình, bà Hoa không giấu vẻ kính trọng, trìu mến: “Má tôi hiền lắm, chuyện gì cũng giải quyết thật ôn hòa. Cụ luôn bảo ban con cháu rằng với bà con xóm giềng thì sống phải có trước, có sau, cần giúp đỡ, yêu thương nhau. Ba tôi cũng hiền nhưng nghiêm hơn. Với cụ, mọi thứ phải tuân theo lẽ phải. Ba tôi hay răn dạy con cháu sống phải có tôn ti trật tự, phải thương yêu nhau vì “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.

Bởi thế, con cháu trong nhà này đôi khi giận hờn nhau cũng không dám để hai cụ biết. Ba tôi còn hay hướng về bà con xóm giềng. Nhà nghèo nhưng trước đây, khi hàng xóm có người ngặt quá, qua hỏi xin gạo về nấu cháo cho con, ba kêu cả nhà nhín ăn để giúp người ta. Ba năm trước, cán bộ quận xuống vận động hiến đất làm đường, anh hai tôi tiếc hàng xoài và mấy cây mận đang cho trái nên hỏi ý ba. Cụ nói ngay: “Ngày xưa có người còn đắp đường, đặt lu nước miễn phí cho bà con đi ngang qua nhà uống, bây giờ Nhà nước chủ trương làm như vậy là đúng đó”. Anh hai tôi nghe lời, không còn chần chừ gì nữa”.

Hỏi thăm những người cư ngụ xung quanh, chúng tôi được họ cho biết chưa bao giờ nghe gia đình cụ Lạc tiếng lớn, tiếng nhỏ gì với nhau. “Ba má tôi giờ già vậy mà vẫn thương nhau lắm. Sáng nào thức dậy, má cũng quay sang giường ba hỏi “Ông dậy chưa ông?”. Còn ba, tuy ít thể hiện ra mặt nhưng má làm gì cụ cũng biết. Có lần ba và má đều đổ bệnh phải vào bệnh viện nằm, mỗi người một bệnh viện khác nhau. Nằm viện nhưng ngày nào ba cũng hỏi: “Má bay sao rồi?”, trong khi má tuy bệnh nặng nhưng vừa tỉnh dậy cũng hỏi ngay: “Ba bay được về chưa?”.

Con cháu nghe thấy hai cụ quan tâm nhau như vậy, ai cũng cảm động đến rơm rớm nước mắt. Rồi má về nhà, nằm trong phòng, ba nằm giường ngoài. Sáng thức dậy, thấy má chưa ra hiên nhà uống cà phê, ba lọ mọ đến trước cửa phòng, lo lắng: “Bà làm gì mà nằm hoài trong đó vậy? Sao không ra đây chơi với tôi?”. Con cháu trong nhà cũng noi theo hai cụ rất nhiều về chuyện yêu thương nhau ấy”- bà Hoa xúc động. 

Nhờ sống hòa thuận, chừng mực mà cụ Lạc và cụ Lành nổi tiếng mát tay trong việc làm ông bà mai, hay ăn nói trong các đám cưới, hỏi. Đến năm 100 tuổi, cụ Lạc vẫn đi “ăn nói” cho nhiều đám cưới, hỏi của hàng xóm. Bây giờ, tuy không thể đi nữa nhưng thỉnh thoảng vẫn có người dẫn đôi vợ chồng trẻ đến nhờ hai cụ vuốt đầu, dặn dò phải sống hạnh phúc, yêu thương nhau…

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, thời gian làm nhiều thứ đổi thay nhưng đối với cặp vợ chồng đại thọ của Việt Nam này, có một điều không hề thay đổi: Tình yêu thương và sự quan tâm dành cho nhau. Dù ở cái tuổi bách niên nhưng mỗi buổi sáng, người ta vẫn thấy hai cụ cùng ngồi trước hiên nhà uống cà phê, ăn sáng, cùng ngắm những chậu hoa vạn thọ nở vàng rực rỡ trong ánh ban mai…

Gần 70 con, cháu

Cụ Lạc và cụ Lành có với nhau 4 người con, gồm 2 trai, 2 gái. Người con lớn của hai cụ là ông Huỳnh Văn Dương, năm nay đã 74 tuổi, còn cô gái út là bà Huỳnh Thị Nhị, 69 tuổi.

“Ở cái tuổi đó rồi mà ba má tôi vẫn còn rất minh mẫn, không chỉ tự chăm sóc cho mình mà thỉnh thoảng lại còn hỏi thăm con cháu, nhắc nhở mọi người sống cho đàng hoàng, tử tế” - bà Huỳnh Thị Hoa tự hào.

Bà Hoa cho biết đến nay, cha mẹ bà đã có 24 cháu nội, ngoại; 40 cháu cố và sắp tới sẽ có cháu sơ. “Mỗi năm đến dịp Tết, ba má tôi rất thích lì xì cho con cháu, ai cũng có phần.

Hai cụ thường nói rằng lì xì đầu năm sẽ mang lại niềm vui và may mắn cho con cháu. Do vậy, dịp Tết là ba má tôi lại chuẩn bị gần cả trăm bao lì xì, tuy chỉ vài ngàn đồng nhưng con cháu nào nhận được cũng hết sức vui sướng” -  bà Hoa nhớ lại.


Cặp vợ chồng thọ nhất Việt Nam này hiện có 4 con và 64 cháu

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.