Văn hóa bia bọt

03/10/2015 14:45 GMT+7

Ta về ta uống bia ta, Dù ngon dù dở bia nhà uống ngay! Uống qua bia nó dẫu say, Cũng làm kiểm điểm, từ nay xin chừa!

Ta về ta uống bia ta,
Dù ngon dù dở bia nhà uống ngay!
Uống qua bia nó dẫu say,
Cũng làm kiểm điểm, từ nay xin chừa!

Văn hóa bia bọtMinh họa: DAD
Cách đây gần 30 năm, đất nước ta đổi mới, đặc biệt là đổi mới tư duy. Một trong những nội dung lớn của đổi mới tư duy là phê phán chủ nghĩa quan liêu bao cấp - sức ì tồn tại trong nhiều ngành, nhiều cấp cản trở sự phát triển. Cái bao cấp đáng sợ nhất là bao cấp về tư duy - cấp trên suy nghĩ giùm cấp dưới và buộc cấp dưới cứ làm theo đúng ý muốn của mình, làm mất đi những sáng tạo mang tính đổi mới. Phê phán chủ nghĩa quan liêu bao cấp là phê phán bao cấp về tư duy.
Có lẽ vì ngại những chỉ đạo mang tính giấy tờ có thể để lại bằng chứng cụ thể trên mực đen giấy trắng mà một bộ phận cán bộ lãnh đạo địa phương thời bao cấp xoay qua phương pháp chỉ đạo bằng miệng. Khái niệm “miệng” ở đây bao gồm những ý kiến trực tiếp khi gặp gỡ, hội họp hoặc những ý kiến trao đổi qua các cuộc điện thoại riêng. Những ý kiến đó hoàn toàn không có trong các văn bản chính thức nhưng sức nặng của nó cũng ngang bằng sức nặng văn bản chính thức; vẫn mang tính bó buộc cấp dưới phải thực hiện. Đó là những chỉ đạo miệng, góp phần hình thành nên một thứ... văn hóa truyền miệng trong hệ thống hành chính công quyền.
Chủ nghĩa quan liêu bao cấp đã xa xưa rồi nhưng xem ra tinh thần quan liêu bao cấp vẫn tồn tại ở một số địa phương. Một số vị lãnh đạo địa phương sẵn sàng ra chỉ đạo về những điều nhỏ nhặt nhất mặc dù cuộc sống đang cần những chỉ đạo để giải quyết các thực tế quan trọng hơn, to lớn hơn.
Trong nền kinh tế thị trường; doanh nghiệp chủ yếu lấy sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng để phát triển. Những năm gần đây, người dân thường nghe lời kêu gọi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Lời kêu gọi đúng đắn đó mong người dân thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào về nền sản xuất tiên tiến và chất lượng hàng hóa ưu việt của chúng ta; tạo niềm phấn khởi cho doanh nghiệp sản xuất, tạo đà phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc dân và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Thế nhưng, vẫn có những vị lãnh đạo địa phương hiểu nhầm ý nghĩa lời kêu gọi ấy, có những hành vi bao cấp khá tức cười.
Cuối năm 2014, một địa phương nọ có công văn gửi xuống các ngành, các cấp “quán triệt” rằng cán bộ, công chức, viên chức trên toàn địa bàn phải uống bia sản xuất tại địa phương mình. Đầu tiên, ta hiểu công văn chỉ đạo ngộ nghĩnh ấy có thể phát xuất từ một ý tưởng rất tốt là nên tiêu thụ sản phẩm tại địa phương để hưởng ứng phong trào sản xuất của địa phương, góp phần quảng bá và gìn giữ thương hiệu địa phương như một nghĩa vụ mà người địa phương phải thực hiện. Thế nhưng, một chỉ đạo xem ra nhạy cảm như vậy đáng lẽ nên chơi theo kiểu “văn hóa truyền miệng” thì tốt hơn và hợp “thời trang” hơn. Ấy vậy mà lãnh đạo lại ra công văn chính thống, ký tên đóng dấu đàng hoàng khiến cho báo chí góp phần bàn tán. Đời thiếu gì chuyện cần người lãnh đạo chỉ đạo cho cấp dưới qua đường công văn; một chuyện uống bia sản xuất tại quê ta liệu có phải là cái gì quan trọng cỡ... quốc kế dân sinh không để lãnh đạo phải bận tâm ra công văn cho rườm rà, huê dạng?
Tháng 9.2015, lại có chuyện một địa phương nọ buộc một số anh em cán bộ công chức đi dự tiệc phải làm kiểm điểm vì họ quên nghĩa vụ phải uống bia địa phương ta mà lại uống... nhầm bia khác. Cái đó là tội thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán rồi! Tuy nhiên, chuyện uống bia đơn thuần chỉ là một sinh hoạt đời sống bình thường. Liệu chuyện uống qua loại bia của một địa phương khác có thể trở thành một cái tội để người uống phải tự kiểm điểm bằng văn bản, sau đó phải đọc rồi nộp lên cấp trên? Mà suy cho cùng, bia nào không phải là bia được sản xuất ra trên đất nước ta? Ngay trên thị trường các thành phố lớn, bia nhập từ các nước về được bày bán lềnh khênh, ai thích cứ uống, nói gì đến bia tỉnh này, bia tỉnh khác?
Từ hai sự kiện trên, ta thấy được mấy chuyện lạ lẫm. “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một lời kêu gọi chung. Thế nhưng trong hai sự kiện trên, câu kêu gọi ấy phải được hiểu đơn giản là “Người địa phương phải dùng bia sản xuất tại địa phương”. Vả chăng, trong lời kêu gọi chung còn có hai chữ “ưu tiên” - trước hết, ngữ nghĩa hàm ý khuyên răn, động viên mọi người chứ không hề bó buộc. Làm một cái công văn chính thống chỉ đạo hoặc bắt buộc người uống bia khác phải kiểm điểm như đã bị vi phạm một cái gì to tát về chuyên môn hay về đạo đức là việc làm hành chính thái quá, chẳng mang tính động viên, thuyết phục ai hết. Lại nữa, chuyện bắt buộc cán bộ, công chức, nhân viên phải uống bia địa phương có thể diễn ra trong những bữa ăn chung của một ngành, một cấp, đặc biệt là khi có lãnh đạo ngồi dự hay chủ trì. Còn khi người cán bộ, công chức, nhân viên về nhà mình hay dự đám tiệc với gia đình, bè bạn, hàng xóm thì anh (chị) ta có gì uống nấy nên dù tuân thủ chỉ đạo của cấp trên cỡ nào đi nữa, họ cũng có quyền... không uống bia do địa phương mình sản xuất; thậm chí còn có thể uống bia của Mỹ, Nhật, Đức... Làm gì nhau trong trường hợp ấy?
Hiểu một cách nào đó, hai chữ “cạnh tranh” trong nền kinh tế thị trường của chúng ta ngày nay là cạnh tranh về giá cả và về chất lượng. Trong văn hóa tiêu dùng, người ta vẫn coi trọng chất lượng hơn giá cả. Hễ cứ hàng hóa nào ngon, tốt, giá rẻ thì tôi dùng; hàng hóa nào ngon, tốt mà giá chưa được rẻ thì tôi cũng dùng luôn; hàng hóa nào giá rẻ mà không ngon, không tốt thì tôi từ chối không dùng. Quyền lựa chọn của con người là như vậy nên anh không thể buộc tôi dùng một thứ hàng hóa mà tôi chưa tin tưởng về chất lượng của nó.
Mỗi đời người đều có thói quen ăn uống. Tôi thích ăn rau xanh, ghét thịt heo luộc; anh có quyền thích thịt heo luộc, không thích rau xanh vậy thì đừng ép uổng nhau phải dùng thứ mà cá nhân họ không thích. Thói quen ăn uống còn tùy theo sức khỏe và cơ địa con người, tín ngưỡng tôn giáo mà người ấy theo. Người bị tim mạch cữ bia rượu; người bị dị ứng không ăn cá biển hay hải sâm; người Hồi giáo không ăn thịt heo; người Ấn Độ giáo không ăn thịt bò. Giả thiết như địa phương ấy có một người bị tim mạch nặng, anh ta từ chối uống bia, chỉ xin uống một chai nước khoáng sản xuất ở một địa phương khác mà lãnh đạo cứ buộc anh ta phải làm kiểm điểm vì không uống bia địa phương thì tai hại quá!
Văn hóa ăn uống tự nó có tính chất nhân văn rất đáng yêu. Quyền được ăn uống là quyền của mọi người. Ngồi vào một bữa ăn tập thể thì lãnh đạo hay kẻ thừa hành, người giàu hay người nghèo cũng có quyền được ăn uống. Một bữa ăn vui giúp người ta quên đi khó nhọc, nối kết được tình cảm người và người, tạo cảm hứng để người ta hăng hái hơn trong công việc. Căn bản, người ta ngồi ăn chung với nhau một bữa không phải vì chất lượng đồ ăn thức uống bữa ăn đó ngon lành, thịnh soạn mà vì thích cái không khí đông vui, đoàn kết, bình đẳng ấy. Một lời nói gây gổ cũng có thể phá đi cái không khí vui tươi đầm ấm của một bữa ăn đông đảo người dự. Cho nên, sẽ không có ý nghĩa gì nếu phải dự một bữa ăn mà còn có người xét nét, xem anh này uống cái gì, chị kia sao không dùng món nọ để sau đó đem ra kiểm điểm.
Đôi khi tôi có cảm giác cuộc sống chúng ta hôm nay còn rất nhiều người bảo thủ, rất rảnh rỗi và sẵn sàng làm những việc không đâu. Những việc đại loại như vậy tưởng như là rất gần cuộc sống nhưng lại rất xa lìa thực tế cuộc sống. Nó là những suy nghĩ duy ý chí, muốn ai cũng làm những việc mà mình đã chỉ đạo, dù là chuyện nhỏ nhặt như uống một ly bia trong bữa ăn tập thể. Có lẽ, các vị ấy quên chiếc xe mình đi được sản xuất ở một địa phương khác; quên chiếc điện thoại, cái đồng hồ, bộ áo quần mình mặc, cây viết mình dùng ký tên, cái máy lạnh mình đặt trong phòng làm việc là sản phẩm được sản xuất từ nước ngoài. Thật là những cái quên đáng tiếc!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.