Trong nhà có bóng của đàn ông

01/08/2015 10:00 GMT+7

(TNTS) Đón con ở cổng trường, chị nhìn thấy bọn trẻ đang túm tụm lêu lêu một con bé gày còm, đôi mắt to ngơ ngác như bê con lạc mẹ. Lại gần, chị nghe thấy bọn trẻ đồng thanh hô: 'Mày là đồ không bố'.

(TNTS) Đón con ở cổng trường, chị nhìn thấy bọn trẻ đang túm tụm lêu lêu một con bé gày còm, đôi mắt to ngơ ngác như bê con lạc mẹ. Lại gần, chị nghe thấy bọn trẻ đồng thanh hô: “Mày là đồ không bố”. Cô bé con đứng rúm ró, chảy hai dòng nước mắt lặng lẽ trên gò má. Một đứa trẻ con vô tư khóc vì những chuyện tầm phào, vì giận dỗi linh tinh, đó vẫn là hình ảnh của đứa trẻ hạnh phúc. Nhưng đứa trẻ này đã biết khóc trong câm lặng, khóc như một người đàn bà khi gặp phải nỗi đau, khóc giống chị đã từng khóc.

Trong nhà có bóng của đàn ôngMinh họa: Văn Nguyễn
Chị lôi con tuồn tuột lên xe và nghiêm giọng: “Con không được trêu bạn thế, bạn không còn bố là rất thiệt thòi, phải thương yêu bạn”. Thằng bé chợt im lặng vài giây rồi thủng thẳng: “Con cũng có đủ cả bố lẫn mẹ đâu, bố toàn đi có về chơi với con đâu”. Chị sững người.
Hai mẹ con im lặng suốt dọc đường về. Là người phụ nữ mạnh mẽ, vốn dĩ, chị đã chấp nhận sự ra đi của chồng, người đàn ông không còn là của riêng chị. Chị không rõ, nếu ngay từ đầu, từ khi đứa trẻ đó chào đời, rồi lớn lên đã không có bố thì việc giải thích với chúng có khó khăn gì không. Nhưng đối với một đứa trẻ đã biết bén hơi bố thì quả là khó nói. Bạn bè của chị có rất nhiều phụ nữ là single mom. Họ tuyên bố có cha thì tốt, nhưng nếu một người cha chỉ như “con cá cảnh” để dỗ con nín khi khóc, như “con ngáo ộp” để dọa khi con hư thì không cần có để mà làm gì. Chị không chấp nhận quan điểm đó. Chị lo sợ, không có cha bên cạnh, người mẹ không đủ uy phong để uốn nắn con khi con ở tuổi “dở hơi” và chị sợ... sợ rất nhiều thứ... Công bằng mà nói, trong nỗi sợ ấy có một chút ích kỷ. Thật không cam lòng khi lúc khố rách áo ôm, kẻ đó ở bên chị, còn khi có chút mở mặt với đời lại ở bên người khác.
Câu nói già trước tuổi của con khiến chị trở về với hiện thực. Một lẽ thật giản đơn mà mãi chị không chịu hiểu, đó là không phải cứ hy sinh hết mình thì ắt sẽ có hồi báo. Chị nhùng nhằng, cam chịu, chị đóng kịch chỉ để có cái bóng của người đàn ông trong nhà. Chị nghĩ đến tin nhắn của chồng: “Ly hôn, tôi sẽ nuôi hai đứa”. Chị hỏi: “Anh sẽ nuôi như thế nào?”. Anh trả lời: “Tôi sẽ thuê người trông, thuê người dạy học và lái xe chở con đến trường”. Chồng chị quả là cao thủ. Anh quá hiểu, chị không thể giao con cho anh nếu anh thuê người nuôi dạy. Để rồi anh hớn hở “chốt hạ”: “Thế nhé, nếu cô không chấp nhận vậy thì hai đứa cứ ở với cô!
Tin nhắn mới từ nhà trường, thông báo nộp tiền học cho con tháng này. Thoáng dừng trong một giây, chị quyết định chuyển tiếp nó đến số điện thoại của một người, nếu theo kết quả xét nghiệm ADN, người đó có trách nhiệm liên quan đến con chị; còn nếu căn cứ theo định nghĩa của từ “cha”, người đó chỉ là cái bóng trong nhà.
Buổi sáng hôm sau, mở cửa, phía trước là bình minh đã lên, chị quay lại gọi: “Nhanh lên các con, đi học kẻo muộn nào”. Hai cậu con trai khoác ba lô, líu ríu chạy bên mẹ. Ánh mắt cậu cả lấp lánh: “Ồ, hôm nay mẹ đẹp thật, lại còn thơm nữa chứ”. Cậu út ngước đôi mắt long lanh nhìn mẹ và ngọng líu: “Chon yêu mẹ nhắm”. Chị nghĩ sẽ là một ngày đẹp trời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.