Tránh bẫy 'chặt chém' ngày lễ

27/12/2014 05:21 GMT+7

Trước tình trạng “chặt chém” du khách dịp cao điểm lễ tết, nhiều địa phương là điểm đến quen thuộc đã chủ động đề ra biện pháp phòng chống.

Trước tình trạng “chặt chém” du khách dịp cao điểm lễ tết, nhiều địa phương là điểm đến quen thuộc đã chủ động đề ra biện pháp phòng chống.

Tránh bẫy 'hặt chém' ngày lễ
Vườn hoa Đà Lạt, một trong những điểm thu hút đông du khách nhất hiện nay - Ảnh: Lâm Viên
Đại diện nhiều công ty du lịch cho biết Tết dương lịch năm nay, giá tour không tăng đột biến nên lượng khách mua tour đi du lịch trong nước tăng cao so với năm ngoái. Đó là chưa kể số khách đi chơi tự túc cũng rất lớn. Du khách thường tập trung tới các điểm đến quen thuộc như Đà Lạt, Vũng Tàu, Mũi Né, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, hay Sầm Sơn, Hạ Long, Cát Bà, Sa Pa...
Đường dây nóng giá dịch vụ

Chúng tôi cũng nhận được thông tin, một số người “ôm” phòng nghỉ trước, đến sát ngày đòi hoa hồng của khách du lịch. Nếu du khách bị ép giá, tăng giá có thể phản ánh qua đường dây nóng 0912228108, chúng tôi sẽ xử lý
Ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó chủ tịch H.Sa Pa (Lào Cai) 
Theo nhiều công ty du lịch tại Hà Nội, những tour đến các điểm du lịch tại miền núi phía bắc như: Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Hà Giang đến nay đều “cháy phòng”.
Ông Hoàng Hậu Dương, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Đại Lục VN, cho hay khách đi các tour nội địa tăng 25 - 30% so với năm ngoái. Trong đó, các tour đi biển: Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc vẫn là điểm đến “tránh” rét quen thuộc của khách miền Bắc trong mùa đông. Đáng chú ý, tour miền núi Tây Bắc đi Sa Pa, Mộc Châu, Hà Giang... được khách đặt nhiều nhất, chiếm hơn 70% lượng khách trong dịp này. “Hiện chỉ còn Hà Giang vẫn nhận khách lẻ, Sa Pa và Mộc Châu đều đã khóa sổ cách đây 1 tuần. Mấy hôm nay, rất nhiều khách quen gọi, chúng tôi đã cố gắng liên hệ các khách sạn trên đó nhưng không thể đáp ứng nhu cầu”, ông Dương cho hay.
Bà Phạm Thanh Tâm, Trưởng phòng Nội địa Công ty Vietrantour, cho biết ngày lễ các khách sạn đều tính thêm phụ thu nên giá tăng khoảng 300.000 đồng so với ngày thường. Còn theo ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty Hà Nội Redtour, những năm trước các công ty du lịch thường ôm tour, tạo tăng giá ảo, đến nghỉ lễ bán ra ép khách. Do vậy, bây giờ những người có nhu cầu đi du lịch thực sự trong dịp nghỉ lễ đều đã đặt tour từ trước đó cả tháng.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 26.12, ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó chủ tịch H.Sa Pa (Lào Cai), cho biết đến thời điểm này các khu du lịch, điểm lưu trú, khách sạn tại thị trấn Sa Pa đều chuẩn bị điều kiện đón khách trong dịp Tết dương lịch 2015. Để tránh tình trạng tăng giá đột biến và ép khách như những năm trước, từ đầu tháng 12 UBND huyện tăng cường công tác quản lý du lịch, chỉ đạo đội liên ngành kiểm tra thực hiện niêm yết giá tại các khách sạn, nhà hàng, đồng thời yêu cầu chủ khách sạn, chủ nhà hàng ký cam kết thực hiện đúng niêm yết giá, bán giá theo quy định. “Chúng tôi cũng nhận được thông tin, một số người “ôm” phòng nghỉ trước, đến sát ngày đòi hoa hồng của khách du lịch”, ông Hinh cho biết và khuyến cáo: “Hiện nay giá phòng khách sạn 3 sao dao động từ 1 - 1,2 triệu đồng/phòng; 2 sao từ 500.000 - 700.000 đồng/phòng. Nếu du khách bị ép giá, tăng giá có thể phản ánh qua đường dây nóng: 0912228108, chúng tôi sẽ xử lý. Thực hiện nếp sống văn minh du lịch, chống chèo kéo khách du lịch, UBND H.Sa Pa mong muốn khách du lịch đến Sa Pa không cho quà, cho tiền trẻ em, người già bán hàng rong”.
Vận động giữ giá phòng, tập huấn cho taxi
Ngày 26.12, lãnh đạo Phòng VH-TT TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết trước khi diễn ra tuần Lễ hội Văn hóa du lịch bế mạc Năm du lịch quốc gia 2014 Tây nguyên - Đà Lạt (từ 23 - 27.12) và chuẩn bị cho những ngày cao điểm du lịch đầu năm 2015, UBND TP.Đà Lạt đã mời trên 200 chủ cơ sở lưu trú, các cửa hàng bán đặc sản họp để vận động và quán triệt việc không tăng giá phòng, không “chặt chém” du khách nhằm giữ uy tín cho thành phố du lịch. Ông Nguyễn Quang Hải, Trưởng phòng VH-TT TP.Đà Lạt, nói về nguyên tắc, vào các dịp lễ tết các khách sạn được phép tăng giá phòng nhưng phải đăng ký với Chi cục Thuế và niêm yết công khai cho du khách biết; các tiệm ăn uống cũng phải niêm yết giá. “Nếu khách sạn hoặc tiệm ăn nào thu tiền không đúng với giá niêm yết là vi phạm quy định, du khách có thể phản ánh qua các đường dây nóng được niêm yết tại các khách sạn”, ông Hải nói.
Tương tự, TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng “mang tiếng” chặt chém giá dịch vụ với du khách vào mỗi mùa cao điểm lễ tết, nên vào ngày 23.12 đã tổ chức chương trình “Những địa chỉ tin cậy của du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”, quy tụ 101 tổ chức và cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại. Các đơn vị tham gia chương trình phải đáp ứng nhiều điều kiện để đảm bảo dịch vụ, hạn chế các tiêu cực phát sinh như tình trạng chặt chém về giá đối với du khách. Sở GTVT tỉnh cũng phối hợp với Hiệp hội Taxi tập huấn cho tài xế về nội dung chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách để ngăn ngừa tình trạng gian lận tính giá cước vận chuyển và tiếp tay cho các quán ăn, nhà hàng chặt chém du khách.
Tránh xa hàng rong
Đó là khuyến cáo của một số công ty du lịch với du khách, bởi đã từng xảy ra tình trạng du khách bị người bán hàng rong hành hung. Điển hình, vào tháng 7.2013, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, trước chợ Đà Lạt, một người bán rong dâu tây đã đánh một du khách ngất xỉu, khiến dư luận bức xúc. Tình trạng bát nháo ở khu vực chợ đêm Đà Lạt cũng diễn ra thường xuyên, nhiều du khách dính bẫy “chặt chém” khi ăn uống ở đây.
Bà V.P.L, hướng dẫn viên của một công ty du lịch ở TP.HCM, khuyến cáo khách đi Mũi Né không nên mua khô mực bán rong, vì “chỉ có thể làm quạt”, chứ không ăn được. Những khách đi chơi theo tour của các công ty du lịch có thể không bị chặt chém các dịch vụ ăn uống, nhưng khách đi tự túc cẩn trọng lựa chọn nhà hàng uy tín. Khách cũng nên đặt phòng khách sạn trước ngày đi, đừng đợi đến nơi mới tìm phòng, vì dễ phải trả giá phòng đắt gấp 3, 4 lần, thậm chí phải quay trở về, nhất là những điểm nóng như Đà Lạt.


Giá phòng tăng gấp đôi
Chiều 26.12, PV Thanh Niên liên hệ với một số khách sạn mini ở khu vực trung tâm TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) như đường Nguyễn Chí Thanh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bùi Thị Xuân... Chủ các khách sạn cho biết giá phòng dịp Tết dương lịch 2015 từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/ngày đêm/phòng đôi (4 người ở), 700.000 - 800.000 đồng/ngày đêm/phòng đơn (2 người ở), tăng hơn gấp đôi so với ngày thường. Riêng những khách sạn lớn về quy mô phòng, có ký hợp đồng với các tour du lịch quanh năm thì giá phòng ổn định.
Với những khách sạn ở vùng ven Đà Lạt, các chủ khách sạn cho biết vẫn còn phòng và giá phòng chỉ tăng nhẹ khoảng 15% so với bình thường hoặc không tăng. Theo một chủ khách sạn trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đà Lạt), những khách sạn nhỏ ở khu trung tâm nói “hết phòng” hoặc hét giá cao với mục đích đợi ngày cao điểm tùy tình hình khách đông hay ít sẽ “làm giá”, khách đông có thể lấy giá phòng cao gấp hai, ba lần so với bình thường, nếu lượng khách ít thì không tăng giá.
Tại TP.Nha Trang, nhiều khách sạn lớn cho biết sẽ không tăng hoặc chỉ tăng giá phòng khoảng 10% so với ngày thường. Các khách sạn từ 2 sao trở xuống đều tăng giá khoảng 30 - 50%, nhiều khách sạn vẫn treo biển “còn phòng”. Ông Trương Đăng Tuyến, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện nay Nha Trang có gần 17.000 phòng lưu trú nên không lo xảy ra tình trạng “cháy” phòng. Bên cạnh đó, do lượng khách Nga đang giảm, nên các cơ sở lưu trú cũng “trống” phòng nhiều hơn, phải quan tâm hơn đến du khách, nên tình trạng “chặt chém” khó xảy ra. Nếu có du khách phản ảnh về tình trạng trên, Sở sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.