Tìm kiếm đồ thất lạc miễn phí

11/08/2009 00:02 GMT+7

Một văn phòng từ thiện hỗ trợ tìm kiếm miễn phí những giấy tờ, tài sản bị thất lạc đã ra đời cuối năm 2008, từ ý tưởng của một người từng trải nghiệm cảm giác bị mất giấy tờ.

Tiếp đón chúng tôi là một thanh niên phong thái chững chạc, nụ cười cởi mở. Anh Nguyễn Giang Nam, người sáng lập Văn phòng đồ thất lạc tâm sự rằng, anh nảy ra ý tưởng thành lập văn phòng từ thiện này sau một lần để quên và mất một bộ giấy tờ.

"Kết quả của một thoáng lơ đãng là hậu quả khá nặng nề: tôi phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để xin làm lại các giấy tờ quan trọng"- anh kể. “Nhưng sau khi được cấp lại bộ giấy tờ thì có người mang đến trả tôi bộ giấy tờ tưởng như đã mất. Đây thật là điều đáng tiếc: giá như giữa người bị mất và người nhặt được có sự liên hệ sớm hơn thì tôi đã không mất quá nhiều công sức xin cấp lại giấy tờ như vậy. Với người nhặt được những giấy tờ như chứng minh thư, bằng lái xe, đăng ký xe, sổ hộ khẩu, giấy phép kinh doanh, có thể thấy chúng không có giá trị gì. Nhưng với người đánh mất thì những giấy tờ ấy cực kỳ quan trọng, thậm chí là vô giá", anh Nam nói.

Văn phòng đồ thất lạc: P903, nhà CT 3, tòa nhà VIMEXCO, số 218 Trần Duy Hưng, Hà Nội. Web: www.vanphongdothatlac.com; điện thoại: 0906.111.113 và 0915.07.0505.

Chính vì vậy, anh Nam đã nghĩ cách kết nối giữa những người không may đánh mất tài sản và những người có tâm, nhặt được của rơi nhưng không biết trả lại ở đâu. Để tạo niềm tin cho mọi người, anh phải thuê văn phòng, thuê nhân viên hoạt động trên khắp các quận trong thành phố, và lập trang web để đăng tải thông tin. Anh Nam "đầu tư" một khoản tiền kha khá nữa vào hai số sim đẹp để mọi người tiện liên lạc. Anh phải thuê in ấn quảng cáo, thuê sinh viên đi phát hàng ngàn tờ rơi khắp các quận nội thành. Những công đoạn chuẩn bị này ngốn của Nam khoảng 250 triệu đồng.

Nếu ai đó không may mất giấy tờ, đồ vật, chỉ cần gọi điện hay gửi thông tin vào trang web www.vanphongdothatlac.com, anh Nam và các cộng sự sẽ đăng tải thông tin lên mạng miễn phí. Với đồ vật hay giấy tờ do người nhặt được mang đến văn phòng (hoặc anh cử người đến tận nơi xin nhận), Văn phòng đồ thất lạc sẽ đăng tin lên trang web, đồng thời gửi thư đến công an các phường, xã có tên trên giấy tờ, nhờ hỗ trợ liên hệ với chủ tài sản.

Theo anh Nam, tính đến nay, văn phòng đã giúp khoảng 300 người tìm lại đồ vật và giấy tờ thất lạc. Kỷ niệm đáng nhớ đối với Nam là giúp chị Nguyễn Hồng Vân, giáo viên ở quận Long Biên (Hà Nội) tìm lại được kỷ vật đặc biệt, một quyển thơ mà chị viết cho một người thân đã đi xa, bị thất lạc trong quá trình chuyển nhà.

Anh Nam tâm sự, mong muốn lớn nhất của anh bây giờ là làm sao nhiều người biết đến hoạt động của văn phòng, và thực hiện thông điệp “nhặt được của rơi, trả người đánh mất". Hiện có không ít doanh nghiệp đề nghị Giang Nam nhượng lại Văn phòng đồ thất lạc, nhưng anh từ chối, vì anh biết họ sẽ chuyển văn phòng sang hoạt động kinh doanh.

"Tôi sẵn sàng trao văn phòng cho một tổ chức xã hội, quỹ, hội, đoàn thể nào đó, hoặc kết hợp với một đối tác khác để nó hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả hơn nữa. Tất nhiên, chừng nào chưa có ai hợp tác, tôi vẫn bỏ tiền túi "nuôi" văn phòng hoạt động”, anh Nam khẳng định.

Khi được hỏi làm sao anh duy trì hoạt động của văn phòng, với chi phí 10 triệu đồng mỗi tháng, anh Nam không ngại chia sẻ: "Tôi lấy nguồn kinh phí từ hoạt động kinh doanh của gia đình. Tôi tin ở đời có nhân - quả, khi mình làm được việc tốt cho xã hội, mình sẽ được nhận lại nhiều hơn từ cuộc sống”.

Hoàng Trung Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.