Tiền gây stress

24/12/2011 10:38 GMT+7

Không ít cha mẹ rơi vào cảnh căng thẳng với những đứa con mới học cấp II vì xung đột chuyện... tiền bạc!

Không ít cha mẹ rơi vào cảnh căng thẳng với những đứa con mới học cấp II vì xung đột chuyện... tiền bạc!

Chị Thảo Nguyên đến cơ quan với tâm trạng vừa bực dọc lại vừa lo lắng. Sáng sớm nay, “anh Hai” nhà chị, đang học lớp 8, khi mẹ cho tiền đầu tuần như mọi lần, 30.000 đồng, đã phản ứng gay gắt và nhất quyết đòi 40.000 đồng. Mẹ nhất quyết không cho, anh chàng tức giận đi học không thèm ăn sáng và chẳng mang theo một đồng... Trước khi đi làm, chị Thảo Nguyên “mắng vốn” con trai với ba nó, nhưng ba lại bảo “mẹ con tự giải quyết với nhau”, làm chị càng bức xúc.

Trẻ cần tiền làm gì?

Chiều đó học về, Tuấn làm hòa với mẹ cùng điều kiện: Nếu mẹ không cho con thêm 10.000 đồng/tuần để con dành dụm thì đến tết phải cho con 200.000 đồng đi chơi với các bạn. Chị Nguyên tạm thời chấp nhận điều kiện này để giữ hòa khí với con, vì theo giãi bày thì “không phải tôi tiếc tiền, chỉ vì không muốn cho con đi chơi với một đám loi choi như vậy”.

Không chỉ là nhu cầu đi chơi, mỗi bạn nhỏ khi xin tiền cha mẹ đều có nhiều lý do khác nhau. Với bé Duyên - học lớp 6 - con chị Hà bán phở ở chợ Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM) là xin mẹ 38.000 đồng để “đền” cho cô chủ nhiệm tiền bán báo của lớp, “không biết con cho các bạn nợ thế nào, đến khi tổng kết lại thì thiếu cô giáo chừng đó tiền!”. Chị Hà cho con tiền để gửi lại cô giáo nhưng không quên thòng theo lời than thở: “Tui buôn bán mười mấy năm nay hổng biết nợ nần là gì”...

Với bé Hải đang học lớp 2 ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, “mẹ vô căngtin thanh toán giùm con vì con ghi nợ tiền ăn bánh giò cả tháng nay”. Mẹ bé phải thanh minh với mọi người là “Ngày nào cũng chuẩn bị sữa, bánh trong cặp cho con chứ có bỏ đói nó đâu”, nhưng thằng nhỏ lý giải: “Lớp con nhiều bạn có tiền ra căngtin mua đồ, con cũng thích như vậy”!

Song gây sốc cho cha mẹ hơn có lẽ là trường hợp con trai (đang học lớp 3) của anh Quý (Q.Tân Phú, TP.HCM). Một hôm bố phát hiện bị mất tiền trong ví, một tờ 500.000 đồng. Không mảy may nghi ngờ con, chỉ nghĩ chắc là người giúp việc lấy. Nhưng vô tình hơn tháng sau, mẹ soạn cặp cho con thì phát hiện tờ tiền kia cất giữ phẳng phiu trong đó. Cả bố và mẹ không kềm được tức giận, tra vấn con đủ kiểu, lên lớp con mọi bài học về kẻ cắp... Tuy nhiên, câu trả lời của con trai chỉ là: “Con đâu định làm gì, chỉ muốn có tiền trong bóp cho giống bố thôi!”. Và theo mẹ bé, câu trả lời này là “không thể tin được, chắc phải cho mấy roi cu cậu mới chịu khai thật!”. Cả nhà lo lắng, căng thẳng, tìm chuyên gia tư vấn tâm lý.


Cha mẹ có thể dạy con giá trị đồng tiền khi đưa con cùng đi mua sắm - Ảnh: GIA TIẾN

Căng thẳng do đâu?

Rõ ràng những căng thẳng giữa cha mẹ và con cái hoặc stress của cha mẹ trong các trường hợp trên có liên quan đến tiền. Thế nhưng tiền không phải là thủ phạm. Nguyên do chính là từ việc cha mẹ và con cái chưa hiểu nhau, chưa có sự chia sẻ và sự đồng thuận trong vấn đề tiền bạc. Cụ thể là:

Về phía cha mẹ:

- Cha mẹ băn khoăn không biết nên cho con xài tiền lúc mấy tuổi, bao nhiêu thì đủ. Vì vậy, cha mẹ thường có khuynh hướng chứng minh con còn nhỏ, chưa thể xài tiền.

- Cha mẹ không hiểu rõ nhu cầu của con.

- Cha mẹ chưa nhận ra hoặc không thừa nhận sự phát triển tâm lý theo đúng độ tuổi của trẻ, để từ đó tác động phù hợp.

- Cha mẹ thường “lên lớp” con những bài về đạo đức khi dính líu đến tiền bạc mà không dạy con sử dụng và quản lý đồng tiền đúng cách.

- Cha mẹ thường nghĩ trước sau gì tiền bạc của mình cũng thuộc về các con chứ còn ai khác!

Về phía con cái:

- Con trẻ biết mình lớn nhưng không biết mình chưa trưởng thành, nên sớm muốn khẳng định mình với cha mẹ. Con không được dạy quan tâm đến người khác, chỉ muốn cha mẹ thỏa mãn nhu cầu tiền bạc của mình.

- Con thường nghĩ cha mẹ ky bo với mình, ít chịu nghĩ theo hướng cha mẹ đang lo lắng cho mình nên mới hành xử như vậy.

- Con chưa biết hết giá trị của đồng tiền, chưa biết sử dụng cũng như quản lý tiền bạc.

- Con cái thường tự hỏi cha mẹ sao ít chịu móc hầu bao cho mình?!

* * *

Giữa cha mẹ và con cái thì cha mẹ là người đã trưởng thành, kiếm tiền bằng chính sức lao động nên cha mẹ hiểu biết hơn con giá trị của đồng tiền. Vậy hãy truyền đạt những hiểu biết và kinh nghiệm đó cho con. Có kế hoạch giúp con hình thành nhận thức và thái độ đúng đắn với tiền bạc, hình thành kỹ năng sử dụng - quản lý đồng tiền. Những bài học sinh động nhất về tiền bạc để giáo dục con chính là từ cách hành xử của cha mẹ trong cuộc sống và các mối quan hệ hằng ngày diễn ra trước mắt con.

Dạy con dùng tiền

Ba câu chuyện giáo dục con dùng tiền được trích từ quyển Cuốn sách của những người làm cha mẹ (1937) của nhà giáo dục nổi tiếng thế giới A. Makarenko sau đây sẽ gợi mở cho các bậc phụ huynh nhiều điều:

Gia đình thứ nhất: gia đình Nikolai Babik

Theo vợ chồng họ: Tiền bạc dư thừa là điều kiện sản sinh những thói hư, tật xấu. Trẻ có tiền trong túi ắt nảy sinh thói hư. Trẻ không có tiền trong túi sẽ có điều kiện nuôi những tâm hồn trong trắng. Theo họ, phải quản lý con cái thật chặt chẽ và nghiêm khắc.

Vì vậy:

Cha mẹ không cho phép con cái có tiền. Cha mẹ phải quản lý kinh tế gia đình hết sức chặt chẽ, chi tiết. Trẻ cần gì xin phép bố mẹ mới được mua. Cần bao nhiêu xin bấy nhiêu, không được phép dư thừa. Đồng thời trong gia đình Nikolai Babik đồng tiền như vật quý giá, mọi người đều không biết chỗ để kín đáo đó, trừ ông bố.

Kết quả:

Những đứa trẻ thật “tội nghiệp”. Chúng rụt rè, e lệ, không dám thể hiện mong muốn thật sự của mình.

Gia đình thứ 2: gia đình Nikita Lycenko

Theo người vợ, đồng tiền rất tầm thường. Trẻ con không cần tính toán tiền nong thì nhân cách mới phát triển được. Chính suy nghĩ đó nên bà đã để trẻ tự do chi tiêu một cách thoải mái để trẻ không bận tâm đến tiền nong.

Vì vậy:

Cha mẹ và con cái cùng tự do chi tiêu. Ai cần tiền thì tiêu. Tiền của gia đình được vứt bừa bộn trong ngăn kéo mà không có sự quản lý của bố mẹ. Gia đình không có một tài khoản cố định và cũng không có kế hoạch chi tiêu cụ thể.

Kết quả:

Cả gia đình tự do chi tiêu để rồi số tiền hết trước khi lĩnh lương năm ngày. Ông bố phải vay tiền của bạn và bọn trẻ lại không hay biết điều này, chỉ lo cho những nhu cầu và lợi ích của chúng.

Gia đình thứ 3: gia đình Ivan Prophievich Pigov

Theo gia đình này: Đồng tiền là thành quả lao động, phải vất vả mới có. Chính vì vậy phải cất giữ cẩn thận, ngăn nắp. Cha mẹ cần quản lý cách chi tiêu nhưng không chi tiết. Đồng thời dạy trẻ có ý thức quản lý tiền tiêu của mình. Như vậy trẻ vừa biết sắp xếp cuộc sống, vừa biết lo lắng cho kinh tế gia đình.

Vì vậy:

Cha mẹ quản lý kinh tế một cách dân chủ, thoải mái, cung cấp một số vừa đủ cho con chi tiêu trong tuần. Trẻ có trách nhiệm với số tiền của mình và chi tiêu sao cho hợp lý. Nếu tiêu ít sẽ được dư thừa, còn nếu tiêu nhiều, thiếu thốn thì trẻ tự chịu, không được phép xin thêm.

Bố mẹ quản lý số tiền trong gia đình mà không cần giám sát con vì bố mẹ và con cái đã hiểu nhau. Đồng thời mọi khoản chi tiêu trong gia đình đều được công khai và cùng được bàn luận để đi đến thống nhất cuối cùng.

Kết quả:

Trẻ em trong gia đình nhà Pigov rất ngoan và vui vẻ, biết cách chi tiêu hợp lý, biết thể hiện mong muốn chính đáng của mình.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.