Thuốc lá ký sự

02/07/2005 09:21 GMT+7

Nhân tuần lễ không hút thuốc, trên đài truyền hình đưa liên tục nhiều tin và hình ảnh thấy thật dễ sợ. Thấy tôi ngồi xem TV mà trên môi cứ bập bập điếu thuốc, bà vợ cằn nhằn: "Đó thấy chưa, coi chừng lại lủng phổi!". Tôi cười trừ. Bà vợ lại quát: "Có bỏ không, nói tôi nghe!". Tôi dụi điều thuốc cháy dỡ vào gạt tàn rồi từ tốn theo giọng của Mark Twain: “Bỏ thuốc thì có gì mà khó, anh đã từng bỏ cả chục lần!”. Bà vợ lườm tôi một cái rõ dài rồi bỏ xuống bếp.

Tôi tắt TV, ngồi một mình và nghĩ đến cái sự khôi hài trong câu nói của nhà văn Mỹ, Mark Twain. Nhưng rõ ràng đó là câu nói mang chất ngụy biện không ai bằng. Quanh tôi, bạn bè cũng nhiều người hút thuốc từ khi còn học phổ thông. Nhiều người đốt mỗi ngày đến 2 gói thuốc là chuyện thường. Nhưng cũng có anh bỗng dưng đổ ra ngấy thuốc lá. Tôi ngồi nhớ lại từng người trong số họ…

Những cái khổ và nỗi nhục

Anh bạn K. vừa đi Hồng Kông về nói chuyện hút thuốc ở sân bay Chek Lap Kok: Máy bay bị hoãn lại mấy tiếng, K. thèm thuốc không chịu nổi, nhờ nhân viên an ninh sân bay chỉ cho chỗ hút. Đi qua mấy lượt cầu thang, rẽ trái rồi qua phải, K. mới tìm được cái cửa nhỏ, ghi 2 chữ “Cigaret Lounge”. Phải qua 2 lần cửa mới vào được bên trong. Đó là một căn phòng độ 20 mét vuông đang mù mịt khói. Giữa phòng là một cái gạt tàn xứng đáng đưa vào Guiness: Đóng bằng gỗ, ngang độ 5 tấc, dài cả chục mét, bên trong đựng đầy cát. Chung quanh “cái gạt” khổng lồ ấy là những lớp người ngồi đứng lô nhô, đủ màu da, cả nam lẫn nữ đang phì phò hút. Là người hút thuốc lâu năm nhưng K. không chịu nổi sự ngột ngạt, nồng khét của cái phòng hút tập thể này. Anh ra đứng vào chỗ 2 lần cửa phía ngoài, hít đại vài hơi rồi tất tả đi ra như bỏ chạy…

K. kể, mình đã đi nhiều sân bay ở nước ngoài, nhưng hình như việc cấm hút thuốc ở Hồng Kông lại có ý muốn làm nhục mình thì phải! Tôi trả lời hắn: Cần gì phải qua tận đó mới thấy cái nhục của việc hút thuốc. Ở xứ mình thôi, chỉ nhìn mấy em sinh viên trọ học cạnh nhà thôi cũng biết. Nửa đêm học bài khuya thèm thuốc, có đứa chui tận gầm giường đi “bắt dế”. Những mẫu tàn thuốc chỉ còn bằng hạt đậu được tháo ra, dồn lại và dùng một tờ lịch mỏng để quấn hút. Vừa khét vừa hôi. Thế mà hai đứa bạn cùng phòng đã giành lấy nhau gây ồn ào đến nổi cả bà chủ nhà lẫn ông tổ dân phố phải lên tiếng mắng nhiếc! Hồi còn đi học, mình cũng có lần như vậy! Nhục chết đi được! - Tôi nói.

Anh bạn cùng cơ quan kể vào một chuyện: Hồi học cuối cấp 2, thầy giáo môn Văn của anh là một người nghiện thuốc Ruby Queen rất nặng. Một hôm bạn tôi không thuộc bài, bị thầy phạt bằng cách đi mua thuốc! Gần trường không ai bán loại thuốc đó, hắn phải đưa thêm tiền nhờ ông cai trường đi mua hộ. Thầy sau đó chẳng những không phạt nữa mà còn sửa điểm 0 lên điểm 5 cho hắn để… trả công. Bạn tôi nói giọng buồn: "Thầy giải được cơn nghiện hút nhưng làm việc sai quấy là sửa điểm cho trò, mà mình không hút thuốc lại nhục hơn vì bị mấy đứa bạn cùng lớp cứ đem chuyện ấy ra tra tấn mãi. Xấu hổ đến bây giờ".

Lại chuyện của một trưởng phòng của cơ quan nọ: Ra đường, ngồi quán có thể hút thuốc. Nhưng hút xong phải nhai cây kẹo cao su để không mang mùi thuốc về nhà. Vì vậy dù có tiền nhưng lúc nào anh cũng chỉ mua vài ba điếu lẻ. Có hôm quên một điếu trong túi lúc về nhà, phải vào ngay nhà vệ sinh hút cho hết vì tiếc, rồi xả nước dội cho trôi đi. Vợ anh cấm hút rất nghiêm!

Một câu chuyện sau đây về hút thuốc mang tính “tập thể “ rất cao: Làng nọ có nghề trồng thuốc lá từ bao đời nay. Con gái con trai, già trẻ lớn bé đều bập bập điếu thuốc lá trên môi cả ngày. Nghe nói có mấy cô lên rừng thoát ly mà vẫn không bỏ được thuốc, đi đâu cũng lè kè bên khẩu súng là một túi đựng mấy xâu thuốc lá mới phơi khô. Rãnh tay là lấy ra quấn, hút. Hình ảnh đó đã “đi vào” văn học dân gian bằng những câu sau đây: Nghe đồn con gái quê ta/mất mùa thuốc lá chết ba ngàn người!. Có chị còn bị người yêu chia tay vì không chịu nổi mùi thuốc lá mỗi khi lỡ… thơm nhau một cái!

Bỏ thuốc mới anh hùng!

Đúng vậy! Không phải đùa như cái ông Mark Twain kia đâu. Nhân tuần lễ không hút thuốc lá, xin kể lại đây vài vị anh hùng như vậy.

Nhà thơ Nguyễn Minh Hùng, chánh văn phòng Sở Giáo dục Đà Nẵng và nhà văn Thái Bá Lợi ốm như que tăm là hai trường hợp điển hình. Anh Lợi, tác giả những tiểu thuyết gây xôn xao dư luận gần đây như Bán Đảo, Trùng tu, Khê Ma Ma, do ít nói và trầm tĩnh nên không coi chuyện bỏ thuốc là một kỳ công. Trước anh hút ngày hai ba bao Đà Lạt trong hàng chục năm, đến khi anh nói không hút nữa là bỏ. “Đơn giản thôi chớ có gì mà ồn ào!” - Thái Bá Lợi cả quyết.

Nhưng mấy ai có ý chí mạnh như vậy! Đến nay hiệu quả đã rõ, nhà văn tuy tạng người không mập, nhưng da dẻ hồng hào hẳn lên, ngồi bàn viết mỗi ngày cả chục tiếng như chơi! Riêng Nguyễn Minh Hùng cũng là tay nghiện nặng nhưng đã bỏ thuốc đã được 3 năm nay. Tôi hỏi lý do, Hùng nói: “Sức khỏe ngày càng kém. Sợ nằm xuống làm khổ vợ con. Một hôm mình nghĩ, cuộc đời này mình chả làm nên việc gì có ý nghĩa. Vậy thì phải làm cái gì đó dù nhỏ nhất cho vợ con và cho chính mình. Và mình bỏ hút thuốc!”. Hùng nói tiếp: “Ban đầu rất khổ, cứ nhớ cứ thèm. Theo sách vở chỉ dẫn, nếu thèm thì đứng dậy uống ly nước lọc, nhai viên kẹo cao su để quên đi. Tránh uống cà phê và nhậu nhẹt với bạn bè, nhất là ngồi gần mấy cha hút thuốc…”. Bỏ được lần đầu khoảng 6 tháng, lại tái nghiện vì mấy lần ngồi bù khú với bạn bè văn chương. Lại cai tiếp và lại khổ vì nỗi khác: Bạn bè trách móc, không bù khú với nhau cũng buồn… Vậy mà Hùng đã vượt qua được những thách đố ấy. Nay thì hắn cũng cà phê, cũng lai rai mỗi chiều quanh những thằng bạn "nghiện" và đã đạt đến trình độ miễn nhiễm với thuốc lá. Kể cũng giỏi thật!

Cũng xứng danh anh hùng là trường hợp của nhà văn lão thành Nguyễn Văn Xuân, tác giả của Phong trào Duy Tân và vừa được giải thưởng của Hội Nhà văn với tiểu thuyết Kỳ Nữ họ Tống. Cụ Xuân năm nay 85 tuổi. Ông bị tai biến mạch máu não đã hơn hai năm  nhưng gần đây đã nói lại rất rõ ràng, có thể ngồi xe lăn để con cháu đẩy ra phố, đi chơi chỗ này chỗ khác. Cụ Xuân trước khi ngã bệnh mỗi ngày hút đến 4 gói thuốc đen loại Bastos hoặc Đà Lạt. Ông ngã bệnh, bị cấm khẩu và quên luôn… chuyện hút thuốc. Chúng tôi đến thăm có lần hỏi chuyện, ông bảo, nếu không bỏ thuốc lá ông đã “đi theo ông bà” lâu rồi, còn đâu những chiều ngồi trên xe lăn nhìn bao nhiêu phụ nữ đẹp đi qua như bây giờ! Ông lại nói: Sức khỏe trời cho mỗi người có hạn, mình lại tiêu pha sớm nên bây giờ biết thì đã trễ!

Nhưng chuyện bỏ thuốc của lương y Nguyễn Đức Năng ở Cẩm Lệ ( TP Đà Nẵng) sau đây lại là chuyện “dĩ độc trị độc” khá vui. Năng cùng một người bạn một hôm ngồi tâm tình và đều thống nhất rằng hút thuốc từ 12 tuổi đến 40 tuổi và nay mỗi ngày xơi đến 2 gói như họ là chuyện không hay ho gì. Lại bị ông tổ trưởng dân phố phê bình sát rạt. Đêm nào  ngủ cũng khó thở. Sáng nào cũng khạt ra mấy cục đờm đắng mặn. Cả hai đã nhiều lần bỏ thuốc, nhưng đều không có được quyết tâm nên thất bại. Lại nghĩ ra một kế: Sáng ra, chỉ ăn điểm tâm nhẹ rồi kéo vào quán. Gọi 2 thùng Heineken và 2 gói thuốc ba số. Không mồi. Hai người cứ uống một chai thì phải hút một điếu thuốc cho đến hết… Kết quả là hôm đó họ đã mửa ra cả mật xanh lẫn mật vàng và từ ấy trở đi hễ nghe đến mùi thuốc là lợm giọng… Đã 4 năm nay, lương y trẻ này không bao giờ cầm đến điếu thuốc nữa. Tôi hỏi, trong khoa đông y có nạp phương pháp ấy không? Năng bảo: Làm gì có! Bỏ bao lần không được nên làm thử cách đó. Nhưng cũng nhờ một trận cảm cúm cả tuần sau đó đã “tiếp sức mùa thi” cho họ…

o O o

Cái sự hút thuốc và bỏ hút thuốc lá có lẽ trong mỗi chúng ta ai cũng có những câu chuyện khôi hài và cảm động về chính mình hay của ai đó, kể cả chuyện thành công hay thất bại trong nỗ lực bỏ thuốc của mỗi người. Cả những chuyện buồn cười về nguyên nhân dẫn đến nghiện thuốc… Tôi cũng là kẻ thuộc loại bắt chước bạn bè đàn đúm tập hút thuốc từ  thuở đi học nay lại cứ phải cay đắng vì thất bại trong việc thực thi mệnh lệnh của vợ. Vì vậy, tôi cố viết ký sự này để vừa xin lỗi người đàn bà đã vì tôi mà nhiều khi phải nhăn nhó làm cho nhan sắc sớm tàn phai, vừa ôn lại những trường hợp điển hình trong những vị anh hùng đã… xả thân cai nghiện để học tập, noi theo vậy!

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.