Chỉ số thông minh

09/10/2010 23:42 GMT+7

Tất cả chúng ta đều biết đầu óc thông minh có giá trị như thế nào. Trên tivi, trong các cuộc thi hoa hậu, mọi cô gái đều khẳng định nếu có hai chàng trai, một chàng giàu nhưng dốt, còn một chàng nghèo nhưng thông minh thì họ sẽ chọn người thông minh. Điều đó là bằng chứng hùng hồn nói lên thông minh quan trọng hơn vàng bạc và kim cương.

Thế nhưng, nếu như vàng bạc, kim cương có thể cân đo thì thông minh lại không thể. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có cách tính thông minh khác nhau, rất đặc trưng, đến mức Liên Hiệp Quốc nhiều lần định lập ra Viện Thông minh quốc tế nhưng đều thất bại vì không ai chịu  dùng tiêu chuẩn của ai.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu cách đánh giá chỉ số thông minh của vài quốc gia để các bạn tham khảo và tự xem xét mình thuộc loại nào.

Mỹ: Dân Mỹ nổi tiếng thực dụng. Họ không quan niệm có sự thông minh chung chung, mà chia nhỏ nó ra thành nhiều lĩnh vực, sau đó lấy điểm số tất cả cộng lại, chia trung bình. Ví dụ kẻ thông minh về kinh tế ở Mỹ là tìm mọi cách tiêu tiền đứa khác chứ không phải tiền mình. Kẻ thông minh về chính trị là ủng hộ cho phe nào đang mạnh, chứ không phải phe nào mình thấy đúng. Thông minh về mua sắm là vào cửa hàng, nhớ kỹ giá tiền rồi làm cách nào để mua với giá rẻ bằng nửa. Thông minh về tình yêu là tính thời điểm ly dị trước ngày cưới.

Mỹ là quốc gia bất ổn về an ninh, cho nên thêm cả chỉ số thông minh hình sự. Khi gặp một tên cướp chĩa súng, hét: “Đưa tiền đây”, kẻ thông minh ở Mỹ sẽ hỏi: “Thưa ông, tiền trước thuế hay sau thuế ạ?”.

Pháp: Pháp là đất nước lãng mạn, ngập tràn những bản tình ca. Kẻ thông minh ở Pháp phải biết khai thác lợi thế này. Nếu một thiếu nữ Pháp ra lệnh cho bạn trai: “Dẫn em đi vào tiệm quần áo thời trang”, kẻ thông minh sẽ trả lời: “Em thân yêu, bản thân em là thời trang rồi”. Nếu một cô gái chỉ chiếc xe hơi đắt tiền và hét: “Mua cho em chiếc xe này”, chàng trai thông minh sẽ bảo: “Tại sao em lại muốn ngồi trên xe trong khi có thể ngồi lên anh”.

Đức: Dân Đức nổi tiếng khắp thế giới về tính kỷ luật. Mọi sự đều theo lệnh cấp trên. Nếu một viên sĩ quan Đức hỏi lính: “1 cộng 1 là mấy?”, người lính bao giờ cũng hỏi lại: “Ngài muốn mấy, thưa ngài?”.

Do đó, dân Đức luôn luôn nhìn vào bản chất của vấn đề chứ không nhắm mắt tin các số liệu thống kê, không khi nào căn cứ những hình dáng bên ngoài. Dân Đức cũng rất tự tin. Trong một cuộc thi trí tuệ, một học sinh đã đoạt giải nhất khi trả lời câu hỏi: “Trái đất hình vuông hay hình tròn?”, bèn trả lời: “Thưa ban giám khảo, trái đất hình tam giác”. Toàn bộ ban giám khảo ngạc nhiên: “Tại sao lại thế?”, học sinh đó trả lời: “Vì em giỏi về hình tam giác, những thứ khác em không quan tâm!”.

Ý: Nước Ý nổi tiếng về thẩm mỹ. Kẻ thông minh ở đó là kẻ nhìn ra cái đẹp và bắt cái đẹp phục vụ mình.

Trong cuộc thi học sinh giỏi toàn quốc với bài toán “1 cộng 1 là mấy?”, giải nhất thuộc về câu trả lời: “Một cộng một là nhất! Tại sao như thế? Tại hai cái nhất cộng lại chắc chắn phải cho ra một cái nhất hơn”.

Nếu bạn đến nước Ý và đòi tham quan tháp nghiêng nổi tiếng, người hướng dẫn du lịch thông minh sẽ dẫn bạn đến bất cứ một cái tháp nào, kể cả khi nó rất thẳng. Bạn mà thắc mắc thì được trả lời: “Chỉ cần nghiêng người khi nhìn ngắm, nó sẽ thành một cái tháp nghiêng”.

Tây Ban Nha: Ở xứ sở này, tất cả mọi thứ đều được đánh giá thông qua đấu bò, với con bò làm chuẩn. Ví dụ như học sinh khá được coi gấp năm lần bò. Học sinh giỏi được coi gấp mười lần. Câu hỏi một cộng một bằng bao nhiêu được trả lời: “Bằng một cặp sừng”. Nếu đến Tây Ban Nha mà được bạn bè vỗ vai khen: “Anh đẹp như trâu” thì phải lấy làm vinh dự vì trâu thông minh hơn bò. Một người Việt mở quán phở ở Tây Ban Nha làm ăn cực kỳ phát đạt vì phở bò được coi là phở thông minh.

Hà Lan: Đất nước này được biết đến toàn cầu nhờ cối xay gió. Kẻ thông minh là kẻ làm ra nhiều gió cho nên đi ngoài phố, nhiều người Hà Lan đội chiếc quạt máy trên đầu.

Ở đây còn phổ biến cách trả lời câu hỏi bằng câu hỏi. Ví dụ 1 cộng 1 được đáp bằng 2 trừ 1. Nếu lái xe trên xa lộ ở Hà Lan, thấy tấm biển vẽ mũi tên, điều đó không phải hướng cần đi mà hướng cần đề phòng nếu chạy nhanh.

Trong đám cưới, khi linh mục hỏi: “Các con có nguyện yêu nhau đến suốt đời không?” thì cô dâu, chú rể Hà Lan lập tức hỏi lại: “Có, nhưng đời gì?”, vì họ biết cuộc sống có vô số đời, nhiều đời rất ngắn, ví dụ đời xe!

Việt Nam: Cách đo chỉ số thông minh ở đây rất đặc biệt. Đòi hỏi bạn phải hiểu rộng, ví dụ như bánh trung thu không phải là bánh cho trẻ con, hoặc chạy vô trường điểm không có nghĩa là chạy bằng chân.

Nhưng Việt Nam có một thứ thông minh nổi bật: Đấy là trong điện ảnh cái gì không hiểu được coi là nghệ thuật. Cho nên khi một đứa bé thắc mắc: “Bố ơi, sao con mèo nhà mình không có đuôi?”, ông bố thông minh sẽ trả lời: “Tại nó nghệ thuật con ạ!”. 

Lê Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.