Thời tiết Tạ Vũ

17/03/2011 15:44 GMT+7

(TNTS) Chiều này đứng tựa ban công nhìn xuống bờ kè, chợt thấy một người đàn ông áo quần xơ xác, chân nam đá chân chiêu, đi đi giật giật y chang Tạ Vũ khi say. Bỗng nhớ từ ngày mình bị tai nạn đến giờ không gặp anh lần nào, mới đó đã hơn chục năm. Chả biết anh có còn nhớ mình nữa không, có khi quên rồi.

Anh là nhà thơ lớp trước. Hồi anh ra tập thơ Vừng sen Hàm Rồng mình mới 20 tuổi. Đọc những câu thơ vạm vỡ, chắc khỏe của anh cứ hình dung anh nghiêm trang đạo mạo lắm, đến khi gặp anh thất vọng quá trời. Hôm đó chẳng biết có việc gì mình với thằng Phong (Nguyễn Thành Phong) đi đến vườn hoa Hàng Đậu, đang định vào quán nước chè thì có tiếng người gọi to tên thằng Phong, gọi rất to y như gọi xích lô, xe thồ. Mình quay lại thấy một người nhanh nhẹn đi tới. Thằng Phong mặt biến sắc, miệng lẩm bẩm, nói chết cha… Tạ Vũ. Nói chưa dứt lời anh đã a tới mặt mày phấn khởi, nói oang oang, mồm nói tay đẩy, nói vào đây vào đây, chúng mày mời anh chén rượu, tất nhiên rồi, phải không?

 

Ảnh: Nam Phương

Mình nhìn anh, mặt mày sần sùi, tóc tai râu ria lởm chởm, áo đứt cúc, quần rách mông, mồ hôi đọng ở ức ngực giọt nào giọt nấy đen thui, cảm tưởng cả mấy năm anh không tắm. Thằng Phong giới thiệu với mình, nói đây là anh Tạ Vũ. Nó chực chỉ mình giới thiệu, anh đã nói oang oang, biết rồi biết rồi, Nguyễn Quang Lập chứ gì, Phùng Quán khen mày lắm. Thằng Phong lưỡng lự tính bài chuồn nhưng anh đã tóm cổ cả hai thằng vào quán cùng anh. Anh ồn ào gọi rượu trắng lạc rang, cứ như đang mở tiệc lớn. Bà chủ quán thấy anh vào mặt mày nằng nặng, vẻ không ưa. Anh cũng cứ mặc kệ, nói này chị, tôi gọi còn hai thằng này trả tiền, yên tâm nhé. Hóa ra đây là quán quen của anh, chắc anh “cắm” đây cũng đã nhiều.

Chừng như anh vừa ngửi thấy rượu đã say, nói cười hỉ hả, chẳng nghe ai nói cũng chẳng cần biết mình nói có ai nghe không. Anh uống ít, lâu lâu mới nhấp một ngụm nhỏ, thế mà anh say nhừ, y như người vừa uống cạn cả chum rượu. Và anh đọc thơ, đọc lia xia, đọc cực to làm mình và thằng Phong cứ giật mình thon thót, nhìn trộm khách trong quán xem họ có phản ứng gì không. Anh gãi gãi cổ, nhấp ngụm rượu khà một tiếng, đầu lắc tay khua, đọc oang oang Trăng thu sáng thế/ Rượu Vân ngon thế/ Các nhà thơ nâng cốc cùng trăng/ Ai cũng thấy bạn mình là Lý Bạch. Chẳng cần chờ nghe khen chê, lại đọc tiếp, lại gãi gãi cổ, nhấp ngụm rượu khà một tiếng, đầu lắc tay khua, đọc oang oang  Tôi đầy đủ lý do/ để bạn bè ghét và yêu/ như ghét yêu thời tiết!. Khách trong quán lúc đầu khó chịu lắm, có người ném cái nhìn khinh bỉ vào chỗ tụi mình, nhưng sau đó đều thay đổi thái độ, lẳng lặng ngồi im nghe anh đọc thơ. Vài ba người kéo ghế đến ngồi chung mâm, nhìn anh rất trân trọng và ngưỡng mộ.

Mình về làm báo Văn Nghệ, nghe anh Trực (Võ Văn Trực) kể Tạ Vũ làm công nhân đường sắt, rồi công nhân cầu đường. Lao động cật lực quá, bị đau ngực, xin về. Làm việc hơn mười năm mà không được vào biên chế, lúc về không có lương hưu, chỉ được một ít tiền mất sức. Chị Điều vợ anh cuốn thuốc lá cuộn còn anh làm đủ nghề, hết thợ hồ đến thợ quét sơn, quét vôi, đói vẫn hoàn đói. Chưa thấy ai đói nghèo thê thảm như anh, “luôn luôn trong túi một nghìn cũng không”, áo quần cũ rách, bếp núc lạnh tanh. Lắm khi cứ nghĩ không biết anh sống bằng gì, không lẽ uống rượu trừ bữa.

Chưa thấy khi nào nghe anh kêu ca về hoàn cảnh của anh, bạn bè kêu giùm anh còn anh hình như coi chuyện đói nghèo là lẽ đương nhiên, không việc gì phải bàn. Đối với anh chỉ có hai chuyện đáng quan tâm nhất, đó là rượu và thơ, rồi đến bà Điều. Hễ uống rượu là đọc thơ, rượu vào là say, say là khóc, khóc vì thương bà Điều. Hiếm có một bà vợ nào tận tụy hầu chồng như chị Điều. Anh say sưa suốt ngày, khi say chẳng biết sạch bẩn là thế nào, cứ lăn bừa ra ngủ, đái ướt quần, nôn ướt áo, chị vẫn nhẫn nhục hầu anh không một lời ca thán.

Chuyện say sưa của anh quá nhiều giai thoại kinh dị. Anh đến Nông trường Cồn Tiên (Quảng Trị) đọc thơ, thơ anh hay, ai cũng thích, mọi người ngưỡng mộ anh lắm. Đến bữa nông trường chiêu đãi, anh say, lăn ra nong phơi ớt khô cứ thế ngủ, khiến ai nấy thất kinh hoảng hồn. Anh đến ăn giỗ ở nhà người bạn (nghe nói nhà anh Hữu Thỉnh). Người ta trân trọng mời anh lên mâm trên ngồi với các bô lão. Lúc đầu còn nói năng lịch sự lắm, sau say rồi, anh vừa ngất ngưởng đọc thơ vừa đái ra quần. Khổ nỗi cái phản gỗ gụ, nước đái không thoát đi đâu được, cứ tràn ra lênh láng. Các bô lão một phen khiếp vía.

Cho nên bạn bè văn nghệ ai cũng thương anh, mến tài anh nhưng hễ gặp anh ở đâu đều lẩn như chạch. Chẳng may bị anh túm được đều vội vã rút tiền đưa anh, nói thôi thôi, ông cầm tạm mấy nghìn mua rượu, tôi bận quá, bận quá. Nói rồi mắt trước mắt sau chuồn thẳng. Mình cũng thế, bị anh túm cổ hai ba lần, sợ quá. Hồi ở báo Văn Nghệ, hễ nghe tiếng anh oang oang ở cổng tòa soạn là lập tức lẻn ra cửa sau chuồn thẳng. Có hôm đang chuồn thì bị anh tóm cổ, mình nhăn nhó nói anh ơi em có cái hẹn phải đi ngay. Anh cười kha kha kha, nói tao có ăn thịt mày đâu mà mày sợ thế. Mày đã nghe tao kể ông Phạm Văn Đồng mời tao đến nhà chưa. Mình trố mắt nhìn anh, nói thật a. Anh vênh mặt lên, nói chứ sao, ra quán tao kể cho. Vốn háo chuyện, mình ra quán cùng anh liền. Té ra chuyện anh theo tốp thợ sơn đến quét sơn cổng nhà cụ Phạm Văn Đồng từ năm cà cuống, hi hi.

Có một địa chỉ luôn luôn sẵn sàng đón Tạ Vũ, đó là nhà Phùng Quán. Anh Quán, chị Trâm rất hiếu khách, chưa khi nào anh chị tỏ ra khó chịu hay mệt mỏi khi khách đến nhà, bất kể đó là ai. Chẳng riêng gì Tạ Vũ, cả dòng họ “Văn Sĩ Say” khi không còn chỗ nào đều mò đến nhà Phùng Quán. Mình đã đôi lần uống rượu với Tạ Vũ ở chòi ngắm sóng của anh Quán. Khi say Tạ Vũ khóc như mưa, nói hỏi trên thế giới này có ai thương bà Điều bằng tôi không. Phùng Quán cười cười, nói vợ ông, ông không thương thì ai thương. Anh trợn mắt lên, nói chứ sao, bà Điều là nhất, chân lý đấy. Rồi anh khóc tu tu.

Nhớ mãi một tối trên phố, mình gặp Tạ Vũ đang khi anh đã say lắm. Anh đứng ở vỉa hè bặm môi trợn mắt ra sức đấm gió về mấy tòa nhà trước mặt, vừa đấm vừa quát, nói đồ đểu, đồ ăn cắp, đồ lưu manh... Anh đấm gió vùn vụt và ngã chổng khoèo. Mình chạy đến đỡ anh dậy, nói để em chở anh về nhà. Anh không chịu, khóc thút thít, nói tao không đi đâu hết, tao ngồi đây. Mình nói ơ kìa, khuya rồi, ngồi đây làm cái gì. Anh nói không, tao ngồi đây, rồi anh ôm mặt khóc òa.

Nguyễn Quang Lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.