Tết gia đình Việt: Những gia đình lính biển

05/02/2013 03:15 GMT+7

Bên cạnh không khí vui xuân như bao gia đình khác, ngày tết với gia đình những người lính biển còn là nỗi nhớ da diết người thân đang ngày đêm canh giữ biển đảo, hay niềm vui vỡ òa khi chồng con được về ăn tết...

Những gia đình lính biển
Gia đình chị Thiều Thị Chung quây quần bên nhau dịp tết năm nay - Ảnh: Nguyễn Chung

Tết năm nay anh không về

Nỗi nhớ chồng của vợ lính Trường Sa khi tết đang đến gần thật khó diễn tả, nhưng đan xen trong ấy là niềm tự hào lớn lao.

Chị Trần Thị Thắm, vợ thượng úy Chu Đình Dũng (hiện công tác tại đảo Sinh Tồn) trải lòng: “Những năm đầu mới cưới nhau, anh ấy đi suốt nên cũng tủi thân. Ngày tết, bao nhiêu nỗi nhớ chỉ biết gửi vào những lá thư tay, mà toàn thư để dồn gửi góp vì phải đợi tàu ra mới gửi cho chồng được. Bây giờ có điện thoại, gia đình có thể tâm sự với chồng nhiều nên cũng vơi nỗi nhớ. Tết năm nay anh không về được, nhưng mùa xuân sau anh sẽ về với gia đình”.

Vợ chồng chị Thắm có một cháu trai là Chu Trần Đại Dương, năm nay học lớp 3. Chị Thắm bảo: “Gia đình rất vui vì con học giỏi và cũng mạnh mẽ như bố. Sau này, nếu con muốn theo chân bố ra Trường Sa, tôi vẫn ủng hộ vì thêm một niềm tự hào lớn của gia đình”.

Còn chị Lê Thị Hoài Thu thì bỗng nghẹn lòng khi bé Nguyễn Như Quỳnh (3 tuổi) hỏi: “Mẹ, sao chưa thấy bố về?”. Chị Thu hôn lên má con, thủ thỉ: “Mẹ con mình đi sắm tết nhé”, rồi chị làm như quên câu hỏi của con. Chồng chị Thu là đại úy Nguyễn Đình Hoán (công tác tại đảo Song Tử Tây). Chị Thu là giáo viên Trường mầm non Trường Sa, P.Cam Nghĩa (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa). Hai vợ chồng có hai cô con gái xinh xắn. “Tết năm ngoái bố về, gia đình vui lắm. Năm nay dù bố ở đảo, mẹ vẫn chuẩn bị chu đáo để gia đình đón tết”, chị Thu kể.

Sau khi mẹ con cùng đi sắm tết về, căn nhà nhỏ của chị Thu bỗng rạo rực hơn. Chị lấy bài văn của con gái lớn Nguyễn Cẩm Tú, học lớp 6, viết về bố ra khoe. Bài văn có đoạn: “Em rất hãnh diện về bố. Em muốn nói: Bố ơi! Con yêu bố lắm. Bố hãy nhanh hoàn thành nhiệm vụ để về với con nhé”.

“Chưa lần nào cùng anh ấy ăn tết ở đất liền”

 

Quen anh Chung nhiều năm nhưng chưa lần nào cùng anh ấy ăn tết ở đất liền. Mỗi lần anh vào phép đều giáp tết. Vì vậy mà khi hết phép, lúc anh ấy lên tàu ra nhà giàn làm nhiệm vụ thì tết lại đến. Những tưởng rằng cưới xong, chúng em sẽ được ăn tết chung nào ngờ nhiệm vụ đến đột xuất mà anh Chung lại đi

Chị Đỗ Thị Kiều Xinh, vợ thượng úy Lê Ngọc Chung

Với chị Đỗ Thị Kiều Xinh, vợ thượng úy đang công tác trên nhà giàn DK 1/20 Lê Ngọc Chung, ngay cái tết đầu tiên lập gia đình đã phải xa chồng.

Quen nhau hơn 3 năm, đến ngày 30.12.2012 thì chị Xinh và thượng úy Chung tổ chức lễ cưới và dự định ngày 1.2 sẽ tổ chức đám cưới tại quê của chị Xinh ở Nam Định. Thế nhưng, ngày 22.1 anh Chung phải lên tàu ra nhà giàn làm nhiệm vụ. Nhìn tấm hình cưới của hai vợ chồng, chị Xinh tâm sự: “Quen anh Chung nhiều năm nhưng chưa lần nào cùng anh ấy ăn tết ở đất liền. Mỗi lần anh vào phép đều giáp tết. Vì vậy mà khi hết phép, lúc anh ấy lên tàu ra nhà giàn làm nhiệm vụ thì tết lại đến. Những tưởng rằng cưới xong, chúng em sẽ được ăn tết chung nào ngờ nhiệm vụ đến đột xuất mà anh Chung lại đi”.

Chị Xinh nói sẽ ăn tết cùng mẹ chồng ngay ở căn nhà trọ trong hẻm 163, Đô Lương (TP.Vũng Tàu). Do việc học hành từ sáng đến chiều và tối phải đi làm thêm nên chị Xinh chưa sắm mứt, bánh trong nhà. “Em chỉ mua cho mẹ được vài bộ đồ. Vài ngày nữa, khi em xong công việc sẽ chở mẹ tham quan các chợ ở Vũng Tàu để cho mẹ biết chợ ở đây khác ngoài quê thế nào. Anh Chung hay gọi điện thoại về nói chuyện cho em vui và nói tết đưa mẹ thăm nhà các anh chị”, chị Xinh chia sẻ.

Như chị Xinh, chị Bùi Thị Huệ, vợ thiếu tá Hoàng Văn Quảng (công tác tại nhà giàn DK 1/17) cũng ăn tết với đứa con đầu hơn 5 tháng tuổi. Hơn 40 tuổi, thiếu tá Quảng mới cưới vợ. Khi chị Huệ mang thai chuẩn bị sinh con thì anh lại lên tàu làm nhiệm vụ. Đến nay, con sinh ra được hơn 5 tháng mà thiếu tá Quảng không biết mặt mũi con trai mình thế nào. Chị Huệ nói, tháng 12 vừa rồi anh Quảng được phép về đất liền ăn tết cùng vợ con. “Khi anh Quảng chuẩn bị về thì không có người ra thay. Mới đây có người ra thay thì người này lại bệnh đột xuất không đi được...”, chị Huệ kể.

Lấy chồng là lính thì người phụ nữ nào cũng chịu thiệt thòi. Nhưng chị Huệ tâm sự: “Nhìn chồng đang cực khổ ngày đêm bám biển, giữ vững chủ quyền Tổ quốc thì chúng tôi là những người vợ càng tự hào biết bao. Niềm vui của các anh ngoài nhà giàn là món quà tết rất ý nghĩa cho chúng tôi ở trong đất liền này”.

Những gia đình lính biển2
Ba mẹ con chị Lê Thị Hoài Thu đang chuẩn bị tết

Nụ cười xuân mới

P.Cam Nghĩa (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) có rất đông chị em là vợ những cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên các đảo thuộc H.Trường Sa. Chiều cuối năm, chị Thiều Thị Chung, mặt rạng rỡ khoe với chúng tôi: “Anh ấy về rồi! Năm nay tết đến sớm lắm”.

Chồng chị Chung là thượng úy Trịnh Văn Hưng, công tác tại đảo Nam Yết. Chị Chung cũng là bộ đội, làm việc tại Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân. Hai người lập gia đình năm 2003, vài tháng sau ngày cưới chị tiễn chồng lên đường làm nhiệm vụ. Để chồng yên tâm công tác nơi đảo xa, những năm qua chị Chung đảm đương mọi công việc gia đình. Hơn 10 năm kể từ ngày cưới, đây là lần thứ ba gia đình chị được đón tết đông đủ, nhưng là lần đầu tiên chị Chung đón giao thừa bên chồng. “Những lần trước, anh ấy về dịp tết nhưng đêm giao thừa lại phải trực đơn vị. Lần này, cả nhà sẽ về quê ở Thanh Hóa cùng đón giao thừa với đại gia đình”, chị Chung hớn hở khoe cặp vé tàu về quê ngày 27 tháng chạp.

Chị Lê Thị Tơ ở tổ dân phố Nghĩa An cũng chung niềm vui. Từ khi biết tin chồng là anh Trần Văn Hậu sẽ về tết, lòng chị cứ chộn rộn. Chị nói: “Tôi đếm từng ngày, đến ngày 24.1 thì chồng đã về nhà sum họp cùng gia đình. Niềm vui khôn tả, thế mà vợ chồng gặp nhau bỗng dưng nước mắt cứ trào ra. Chồng về là quà tết lớn nhất của gia đình”.

Nguyễn Long - Nguyễn Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.