Tài nguyên chảy máu

08/08/2015 07:53 GMT+7

Lợi dụng địa bàn giáp ranh và quản lý lỏng lẻo, hàng ngàn khối cát trên các sông ở Quảng Nam đã bị rút ruột, đặc biệt khi dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi triển khai, tình hình ngày càng nghiêm trọng.

Lợi dụng địa bàn giáp ranh và quản lý lỏng lẻo, hàng ngàn khối cát trên các sông ở Quảng Nam đã bị rút ruột, đặc biệt khi dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi triển khai, tình hình ngày càng nghiêm trọng.

Hiện trường vụ trộm cát là những hầm hố sâu, nham nhở như bị dội bom
Hiện trường vụ trộm cát là những hầm hố sâu, nham nhở như bị dội bom - Ảnh: Hoàng Sơn
5.000 m3 cát “bốc hơi”
Khu vực bị khai thác trộm 5.000 m3 cát này nằm tại thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam), cách khu dân cư chỉ khoảng 1 km thế nhưng suốt một thời gian dài chính quyền địa phương không hay biết. Có mặt tại thực địa, PV Thanh Niên ghi nhận, cả nửa hecta lòng sông Bà Rén như vừa bị máy bay oanh tạc với những đụn cát cao, hố sâu nham nhở. Nhiều vết xe tải vẫn còn mới tạo thành đường sâu như hào. Cá biệt, có khu vực cát bị lấy rộng thành một hồ nước lớn. Một người phụ nữ cho biết: “Khu vực này là một dải cát bồi rất rộng nhưng từ sau tết trở đi, tôi thấy người ta điều xe múc, xe tải lấy cát dữ lắm”.
Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng thôn Chiêm Sơn cho biết từ khi đơn vị thi công đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi mở đường công vụ nối Gò Nổi (TX.Điện Bàn) với địa phương thì người ta lợi dụng để khai thác cát trái phép. Theo ông Thành, do khu vực này nằm tiếp giáp ở 3 địa phương gồm: Duy Trinh, Duy Châu (H.Duy Xuyên) và Điện Quang (TX.Điện Bàn) nên không ai quản lý. “Chúng tôi thấy 4-5 chiếc máy xúc, làm công khai ban ngày, đứng trên tỉnh lộ 610 vẫn có thể nhìn thấy. Cứ nghĩ là xã biết nên tôi không báo cáo”, ông Thành cho biết thêm, người dân trong thôn cũng nghĩ là khu vực này được quy hoạch để lấy vật liệu cho đường cao tốc vì nằm trên phạm vi đường công vụ.
Để tìm hiểu sự việc, PV đã nhiều lần liên hệ với UBND xã Duy Trinh nhưng liên tục được hẹn vì chủ tịch bận... họp. Tuy nhiên, qua tài liệu thu thập, được biết, diện tích khu vực cát bị lấy trái phép đã nêu được khai thác không liên tục từ năm 2014 đến tháng 5.2015, với tổng diện tích khoảng 5.000 m2, sâu 1 m. Trong đó, lần khai thác gần nhất là do Công ty TNHH Phúc Thịnh Đạt (trụ sở tại xã Điện Thắng Bắc, TX.Điện Bàn) thực hiện từ ngày 25.4-3.5. Khối lượng cát do công ty này khai thác được bán cho Công ty CP Nhân Bình thi công đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Không chỉ lợi dụng địa bàn giáp ranh, doanh nghiệp đưa phương tiện vào khai thác cát trái phép mà nhiều ghe thuyền đơn lẻ hút cát trên sông cũng “tranh thủ” để hút trộm cát dọc sông Thu Bồn gây ra hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng đến an sinh, môi trường.
Nhiều sai phạm ở cấp xã
Trong đợt kiểm tra và xử lý hoạt động khai thác cát trái phép mới đây, Sở TN-MT Quảng Nam đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc cấp phép hoạt động cho 3 bến bãi tập kết cát tại bờ nam sông Thu Bồn (thuộc TT.Nam Phước và xã Duy Phước, H.Duy Xuyên). Cụ thể, gồm: bến cát nằm ở đoạn giữa cầu Câu Lâu cũ và mới (khối phố Bình An, TT.Nam Phước) do UBND TT.Nam Phước hợp đồng với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 569 sử dụng đất làm bến bãi chứa, trung chuyển cát (khoảng 200 m3/ngày) là chưa phù hợp với quy định của pháp luật; bến trung chuyển cát của ông Huỳnh Tấn Dậu (trú Câu Lâu Đông, xã Duy Phước) và ông Huỳnh Xuân Thắng (Công ty TNHH Huỳnh Xuân Thắng). Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Chủ tịch UBND H.Duy Xuyên kiểm tra xử lý dứt điểm và yêu cầu H.Duy Xuyên kiểm điểm và chỉ đạo 2 địa phương làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm.
Ông Nguyễn Thế Hởi, Trưởng phòng TN-MT H.Duy Xuyên cho rằng trách nhiệm quản lý hoạt động khai thác cát trên sông thuộc về chủ tịch xã và trách nhiệm của các ngành liên quan của huyện. Tuy nhiên, trong vụ sông Bà Rén bị “rút ruột” đến 5.000 m3 cát, ông Hởi cho rằng trách nhiệm chính thuộc về UBND xã Duy Trinh. “Việc phát hiện từ cơ sở trong vụ việc này cũng chậm nên việc xử lý cũng chậm”, ông Hởi nói. Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN-MT Quảng Nam) cũng khẳng định: “Cấp xã là cấp quản lý đặc biệt quan trọng nhất đối với hoạt động khai thác cát. Vì nếu ngành tài nguyên huyện có biết thì về đến địa phương cũng không xử lý kịp...”.
“Khó khăn nhất là khi thả phương tiện xuống sông làm sao phải đảm bảo không lộ bí mật. Khi lực lượng tuần tra xuất hiện thì những đối tượng cảnh giới đã báo cho phương tiện tắt máy”, thiếu tá Huỳnh Tấn Mười, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an tỉnh Quảng Nam) bức xúc cho biết.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Minh Dũng, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn cho rằng nhiều lần ra quân đẩy đuổi sa tặc ở các nhánh sông địa phương ở vùng giáp ranh với H.Duy Xuyên nhưng khi liên hệ lại không có sự phối hợp từ địa phương này. Thậm chí, chờ đến sáng phía ngành chức năng vẫn không đến hiện trường.
Đốt ca nô của tổ tuần tra
Tình trạng đe dọa, hành hung lực lượng chức năng ngày càng đáng báo động. Cách đây gần 2 tháng, tại chốt liên ngành kiểm soát cát sỏi ở ngã ba Vòm (trên sông Thu Bồn và Vĩnh Điện, tại thôn Cẩm Đồng, xã Điện Phong) một chiếc ca nô có công suất máy từ 300-400 CV đã bị “cát tặc” đốt cháy 80% vào thời điểm từ 1-2 giờ sáng. Sau khi xảy ra vụ việc, UBND TX.Điện Bàn đã chỉ đạo Công an thị xã tiến hành điều tra làm rõ nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.