Sống trong tòa nhà "xịn" nhất Việt Nam

19/07/2011 09:55 GMT+7

Keangnam được quảng cáo như tòa nhà cao nhất, hiện đại nhất, chất lượng dịch vụ tốt nhất Việt Nam, nhưng người dân sống ở đây không thấy sướng!

Có mặt ở đây chiều 17.7, ấn tượng đầu tiên về tòa nhà có dịch vụ tiêu chuẩn 5 sao là sự lạnh lùng của nhân viên giữ xe. Hầm xe chỉ có 2 cô nhân viên ghi vé và vài chục xe máy đậu không theo trật tự.

Một cô nói: “Chị có thẻ giảm giá không? Chị lên nhà nào? Nếu không có vé thì phải trả 20.000 đồng, đưa trước 2.000 đồng, khi nào lấy xe mới phải trả thêm 18.000 đồng, nếu có phiếu hoặc chữ ký của chủ nhà thì thôi”.

Sau khi trả 2.000 đồng, tôi vào thang máy và gặp anh Nguyễn Đắc Kết, chủ căn hộ B4511, anh cho biết: “Sau hơn một tháng kiện tụng, chủ đầu tư đã tạm thời hạ mức thu phí dịch vụ đối với cư dân nhưng lại tăng phí gửi xe đối với khách vãng lai! Theo đó, tiền gửi xe máy mỗi lượt là 20.000 đồng, nếu có coupon giảm giá do chủ nhà đưa (mỗi căn hộ được phát 15 coupon gửi xe cho khách mỗi tháng) mới được hưởng mức giá 2.000 đồng. Xe ô tô của khách gửi cũng tăng từ 20.000 đồng/2 giờ lên 30.000 đồng/2 giờ.

Chị Ngọc Hà, chủ hộ A1207 nói: “Không làm gì được người dân thì chủ đầu tư xoay ra “chém” khách vãng lai. Mất hơn 300.000 USD nhưng lại rất ngại khi bạn bè đến chơi nhà. Mỗi lần khách đến, thay vì lễ tân gọi lên xác nhận và mở thang máy thì chủ nhà phải xuống tận nơi dẫn khách lên. Lại thêm tiền gởi xe 20.000 đồng, hơi bị quá đáng”.

Với một tòa nhà 70 tầng và hai tòa nhà chung cư 47 tầng liền kề bao gồm cả các công trình phụ trợ khác, Keangnam Hanoi Landmark Tower là tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay kèm theo là nhiều dịch vụ cao cấp khác và sẽ gây ấn tượng mạnh nếu nhìn vào phối cảnh.

Nhưng chỉ sau gần 4 tháng bàn giao căn hộ, người dân ở đây đã phát hiện ra nhiều điều trái ngược với quảng cáo.

Ở hai tòa chung cư đã xây dựng xong với hơn 900 căn hộ, chỉ có một công viên treo nhỏ hẹp ở tầng 5, dưới tầng trệt là một sân tennis và một hồ bơi nhỏ dành cho trẻ em. Khu tập thể thao với rất ít máy tập thể dục, nhà đọc sách lèo tèo vài cuốn trên kệ chỉ mở cửa từ 8 đến 17 giờ chiều.

Đó là chưa kể các tiểu tiết như kính ở sảnh và trong thang máy rất bẩn, các hàng chữ chỉ dẫn bị rơi rụng, đèn ở sảnh chờ thang máy bị tháo gần một nửa, hành lang hình xoắn ốc kín bưng nhưng không mở điều hòa, đèn hành lang cũng bị tháo bỏ gần hết, chỉ còn trước cửa mỗi căn hộ.

“Trước kia thì có, nay người ta tháo bỏ gần hết. Sau 10 giờ đêm, đèn hành lang tắt hết chỉ còn mỗi đèn báo thoát hiểm. Hành lang có khi ba ngày mới vệ sinh, ngột ngạt và nóng”, bác Trạch, một người dân sống ở tầng 14 khu A cho biết.

Tại tòa nhà B, chị Minh Thảo ở tầng 14 bức xúc: “Từ những cái nhỏ nhất như ổ cắm điện lắp không thẳng hàng hay những vết thạch cao lem nhem từ trần đến tường, trần lượn sóng không lắp được đèn lên, sàn gỗ thì cong vênh, tủ đồ chỉ có cánh mà không có ngăn và giá treo quần áo... thậm chí, nhà vệ sinh còn không thoát nước”.

Thông tin về chất lượng công trình và dịch vụ của tòa nhà cũng khiến giá căn hộ tại đây giảm trầm trọng và rất ít giao dịch. Chị Thảo cho biết: "Tại Keangnam, mỗi mét vuông giá từ 2.600 - 4.500 USD thì nay hầu như không thể sang nhượng hay buôn bán gì được. Không bán được, người dân đành ở lại, chủ đầu tư thấy thế lại càng bắt ép”.

Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.