Sỏi đá nương nhau...

19/04/2013 03:15 GMT+7

Ở Hội Người mù tỉnh Bình Dương có 3 cơ sở dịch vụ và sản xuất: mát xa, làm tăm và chổi đót. Mấy chục hội viên ở đây coi nhau như người thân. Nhiều đôi nên duyên vợ chồng cũng từ đây...

Cặp đôi Nguyễn Văn Hai - Nguyễn Thị Thu Hồng là một trong những đôi vợ chồng mù tìm đến với nhau, “sỏi đá còn nương nhau mà sống cho bớt cô đơn em ạ”, chị Hồng chia sẻ. Là người khá thân quen với các anh chị em ở đây, tôi được nghe nhiều chuyện cảm động về anh Hai - chị Hồng. Cảm động nhất có lẽ là sự yêu chiều của chị dành cho anh. Chưa bao giờ nghe chị nói to với anh chứ đừng nói nặng lời! Quả là điều mà chúng ta cần học tập ở người vợ tảo tần, chịu thương,  chịu khó này…

 
Hai vợ chồng anh Hai - chị Hồng cùng làm chổi đót

Cơ sở sản xuất chổi đót của hội khá nóng bức, tối và bụi. Tối, với người mù thì… không sao! Họ đâu cần ánh sáng. Bụi nhiều, chị nhắc anh đeo khẩu trang thật kín, thật dày vào nhé. Nóng đến toát mồ hôi hột nên làm một lúc, chị Hồng dừng tay lấy ly đá, rót nước ngọt rồi rờ rẫm đưa tới chỗ chồng ngồi. Chị nói nhẹ nhàng: “Anh nghỉ tay uống cho mát nè…”. Thỉnh thoảng, nghỉ giải lao lâu, họ cùng vào nhà bếp của hội nghỉ mệt để uống nước, ăn xế và chuyện trò cùng nhau.

Anh Hai kể: “Tôi sinh năm 1954, từ nhỏ đến tuổi thanh niên bình thường, không mù như những người trong gia đình. Mừng lắm, tưởng mình thoát mù rồi ai ngờ năm 24 tuổi tôi cũng như ba mẹ, anh em bị mù hết cả hai con mắt. Mọi hy vọng như sụp đổ, tương lai mờ mịt như… hai con mắt vậy đó!”. Nhưng anh Hai phải gắng gượng sống, làm việc dù thu nhập không là bao để lo cho gia đình. Đến năm 1988, người vợ trước dường như không còn chịu đựng nổi những vất vả, lo toan nên đành lòng đi bước nữa. Anh Hai có con chung với vợ trước nhưng bé đã đi theo mẹ. Anh nói mình không oán giận gì chỉ mong hai điều là con mình không bị mù như cha và vợ tìm được hạnh phúc mới…

 

Ông trời cho chúng tôi gặp nhau để an ủi nhau trong cuộc đời này là may mắn lắm rồi, còn đòi hỏi gì hơn nữa?...

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng

Cuộc sống những ngày tăm tối của anh bỗng sáng lên khi gặp chị Thu Hồng, người vợ hiện tại. Chị thua anh 14 tuổi, là người ở TP.Thủ Dầu Một. Quen anh Hai khi anh từ huyện Tân Uyên đến đây cùng ăn cùng ở cùng làm với những người mù khác cho vơi nỗi buồn. Anh chị nên duyên vợ chồng để nương tựa vào nhau.

Hỏi chị Hồng sao anh chị đến với nhau nhiều năm nay lại không có với nhau đứa con để hủ hỉ, chị cười hiền lành: “Có lẽ chúng tôi không vượt qua được nỗi sợ con mình đến một ngày nào đó cũng bị mù như ba mẹ thì khổ lắm. Với lại, ông trời cho chúng tôi gặp nhau để an ủi nhau trong cuộc đời này là may mắn lắm rồi, còn đòi hỏi gì hơn nữa?...”.

Miệt mài làm việc, ngày công khoảng 50.000 đồng/người/ngày và anh chị chắt bóp, tiết kiệm năm này qua năm khác. Ăn uống đã có hội lo với gạo, thức ăn đa phần do các tổ chức, cá nhân làm từ thiện đem đến. Ngoài ra, hằng tháng còn nhận tiền trợ cấp người mù nên anh chị có tiền để dành. Trời không phụ lòng người, anh chị hiện đã xây được nhà. Nhu cầu nhà cửa của hai vợ chồng mù không có con chẳng cần bao nhiêu và vật dụng càng ít càng tốt để... đi khỏi đụng nên anh chị chỉ xây một căn phòng nhỏ phía trước. Phần đất còn lại đằng sau xây thêm 3 phòng trọ cho thuê. Nhà gần cơ sở sản xuất của hội nên 3 căn phòng đó cũng là gia đình những hội viên người mù thuê với giá hữu nghị.

Chị dắt anh qua đường đi làm. Chị dắt anh lên bếp ăn tập thể. Chị nắm tay anh chuyện trò. Chị lau mồ hôi và rót nước ngọt cho anh... Tất cả là hình ảnh thân thương chị Hồng dành cho chồng. Và, anh Hai dù không nhìn thấy nhưng chắc chắn cảm nhận được tình yêu của chị...

Hương Cần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.