Sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo: ‘Mạng sống con người là vô giá’

(TNO) Đại tá Phạm Văn Tỵ - Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng) - đã nói như vậy. Và khoảng 4 giờ 20 phút chiều 19.12, lực lượng cứu hộ đã thực hiện lời hứa đó khi 12 công nhân đã được giải cứu an toàn.

(TNO) Việc giải cứu công nhân trong vụ sập hầm công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo hoàn thành với cái kết có hậu. Tính mạng của 12 công nhân đã được bảo toàn sau những ngày “ngàn cân treo sợi tóc”. Lực lượng giải cứu làm việc đêm ngày để không để bất kỳ sự cố nào xảy ra.

12 công nhân đã được giải cứu trong chiều 19.12 1
12 công nhân đã được giải cứu trong chiều 19.12

Chứng kiến việc giải cứu em vợ mình từ ngày đầu tiên, anh Nguyễn Văn Định (anh rể của công nhân mắc nạn Nguyễn Văn Hường) không bao giờ dám nghĩ em vợ mình lại được giải cứu sớm như vậy.

Là thợ khoan đá nên tôi hiểu được sự vất vả của anh em giải cứu, sự khổ cực của những người đang mắc kẹt trong hầm. Công ty tôi có nhiệm vụ cung cấp máy nén khí để khoan đất đá giải cứu. Tôi và một người nữa đã ở trong hầm kể từ khi vụ sập hầm xảy ra để đảm bảo máy hoạt động tốt. Bốn ngày qua, hai anh em thay nhau trực, ăn ngủ trong hầm luôn. Bằng mọi cách phải bảo đảm sự sống của anh em bị mắc kẹt trong hầm
Ông Đào Hải Sơn - công nhân của Công ty Duy Hà, phụ trách máy nén khí suốt thời gian cứu nạn 12 công nhân
Anh Định kể: Hai ngày đầu tiên trời mưa tầm tã, trong khi thông tin nước trong hầm - nơi các công nhân đang mắc kẹt - ngày càng nhiều lên do mạch nước ngầm trong núi thấm qua kẽ đá chảy xuống hầm. “Lúc đó chỉ dám hy vọng 20% là em tôi được cứu sống. Không ai nghĩ các công nhân sẽ được giải thoát sớm bởi điều kiện giải cứu quá khó khăn”, anh Định nói.

Công trình thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo nằm ở địa hình khá hiểm trở. Tuy chỉ cách Đà Lạt hơn 30 km nhưng để vào được công trình này chỉ có một con đường với đồi núi leo dốc. Xung quanh công trình thưa thớt vài ba hộ dân. Khó khăn về đi lại đã phần nào hạn chế việc đưa các thiết bị, máy móc phục vụ cho việc giải cứu trong ngày đầu tiên.

Khó khăn kế tiếp là vị trí sập hầm nằm cách miệng hầm khoảng 500 mét. Đường trong hầm nhỏ hẹp rất khó để đưa máy móc vào phục vụ giải cứu. Tất cả máy móc được đưa đến phải tập kết ở ngoài công trình. Lực lượng cứu nạn chỉ ưu tiên những thiết bị nhỏ gọn, cần thiết nhất để đưa vào hầm.

Vụ giải cứu thành công là tổng lực sức mạnh của những đơn vị chuyên nghiệp trong ứng cứu sập hầm. Những kỹ sư, công nhân chuyên về ứng cứu mỏ, hầm của Tập đoàn Than - Khoáng sản được điều từ Quảng Ninh vào. Một lực lượng công binh chuyên thực hiện những công trình hầm đặc biệt của Bộ Quốc phòng được tăng cường đến.

Trong hai ngày đầu tiên, tuy tiến độ giải cứu không như mong muốn nhưng ban chỉ huy cứu nạn tại hiện trường nhận định không thể vội vã. Địa chất tại vị trí bị nạn rất yếu, nếu vội vàng, hầm sẽ bị sụp đổ mang lại hậu quả khôn lường, tính mạng của 12 con người trong đó sẽ không được đảm bảo. Giải pháp trước mắt lúc này là khoan hai mũi ở phía trước hầm, một mũi thoát nước, một mũi cung cấp lương thực, oxy cho các nạn nhân. Việc liên lạc để động viên tinh thần người bị nạn cũng được tính đến.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, người trực tiếp chỉ huy công binh đào hầm - cho biết sau khi hội ý đưa ra nhiều phương án thì phương án đào ngách hai bên hầm để tiếp cận vị trí bị nạn là khả thi nhất.

Ông Hùng cho biết do hầm quá chật hẹp, khó đưa máy móc vào nên công binh đã đề xuất phương pháp “hầm trong cát” mà bộ đội áp dụng rất hiệu quả cả trong thời chiến lẫn thời bình. Phương pháp này dù khá thủ công nhưng tránh gây ra những va chạm địa chấn. Và phương pháp này đã thành công khi chiều 19.12, ngách bên trái hầm do lực lượng công binh thực hiện đã tiếp cận và giải cứu thành công những người bị nạn.

Có mặt trực tiếp trong hầm, chúng tôi thấy ngoài việc sử dụng máy đào khí nén để đào, công việc còn lại như bốc xúc, vận chuyển đất từ ngách ra hầm và ra phía bên ngoài đều được làm thủ công, chủ yếu sử dụng công sức, đôi tay của bộ đội. Một kíp 8-10 người, chia nhau đào hai ngách hầm. Ban đầu tiến độ là 4 giờ/kíp, sau rút xuống 3 giờ, rồi 2 giờ/kíp để đẩy nhanh tiến độ. Người nào mệt ngay lập tức có người vào thay thế.

Đại tá Phạm Văn Tỵ - Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng) kiêm Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn - cho biết ông chia sẻ với sự sốt ruột về tiến độ giải cứu của một số người thân nạn nhân bị mắc kẹt. Tuy nhiên địa hình, địa chất nơi xảy ra sự cố không như mong muốn và nhiệm vụ phải đảm bảo tuyệt đối tính mạng của các công nhân đã không cho phép cứu hộ đẩy nhanh tiến độ để rồi dẫn đến sự cố.

“Mạng sống con người là vô giá nên mọi người không nên nóng vội. Ban chỉ huy cứu nạn hứa sẽ làm mọi cách đảm bảo an toàn tính mạng của các công nhân”, ông Tỵ nói.

Và khoảng 4 giờ 20 phút chiều 19.12, lực lượng cứu hộ đã thực hiện lời hứa đó khi 12 công nhân đã được giải cứu an toàn.

Công cuộc giải cứu trong hầm
Để đảm bảo máy móc hoạt động phụ vụ cho việc đào hầm, ông Đào Hải Sơn đã có 4 ngày
liên tục ăn ngủ ở trong hầm

>> Sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo: Nóng lòng chờ tin con
>> Sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo: Cận cảnh đường hầm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
>> Vợ chồng cụ ông ở Sài Gòn gửi sâm tặng các công nhân bị kẹt dưới hầm
>> Sập hầm thủy điện: Đêm sum vầy ngập tràn thương yêu
>> 'Hòn vọng phu' ở hiện trường vụ sập hầm
>> Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo: Huy động tổng lực cứu nạn
>> Sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo: 12 người kẹt trong hầm vẫn khỏe mạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.