Quán cà phê của trẻ khuyết tật

10/05/2011 10:15 GMT+7

Không chỉ uống cà phê, khách hàng còn có thể trò chuyện và chia sẻ với nhân viên của quán, những trẻ em khuyết tật về trí tuệ.

Đó là quán cà phê Nhân Đạo do trung tâm Sao Mai, thuộc Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội mở ở cuối đường Vũ Trọng Phụng (Hà Nội). Đây là nơi làm việc, đúng hơn là nơi thực hành của trẻ bị khuyết tật về trí tuệ để tập kỹ năng sống, phát triển ngôn ngữ, đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức cộng đồng đối với trẻ khuyết tật.

Quán có khoảng 10 em, mỗi em được học thực tế tại quán ít nhất là 2 lần/tuần nên các em phải “thay phiên” nhau. Khoảng 8 giờ 30 phút sáng, phụ huynh đưa các em đến quán, 16 giờ 30 phút đón về.

Theo các giáo viên của trung tâm Sao Mai, các em khoảng từ 12 đến 17 tuổi nhưng các cô giáo đều phải hướng dẫn rất nhiều lần mới có thể quen công việc.

Tại lớp học, chúng tôi gặp Duy, người lớn nhất trong các trẻ phục vụ nhưng trông em chỉ như cậu bé lên 10. Duy mắc chứng chậm phát triển trí tuệ, thời gian đầu vào làm việc ở quán, em không biết làm gì, học trước quên sau, nhưng bây giờ Duy đã có thể làm được nhiều thứ như pha chế cà phê, rửa cốc chén… Thậm chí khi về nhà Duy còn giúp bố mẹ nấu cơm, quét nhà.

 
Cô Duyên đang hướng dẫn các học sinh Trang Linh và Quang Duy rửa cốc chén - Ảnh: Hoài Thu

Cô Xuyến, giáo viên phụ trách các em tại quán cho biết, những công việc đơn giản như lau bàn, rửa chén... các cô đều phải làm mẫu rồi sau đó hướng dẫn cho các em làm theo, sau nhiều ngày mới nhớ. Đối với những em mới học thì chỉ được một lúc đã quên, các cô lại phải dạy từ đầu.

Bác sĩ Đỗ Thúy Lan, Phó chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội, Giám đốc trung tâm Sao Mai và cũng là người đưa ý tưởng mở quán cà phê để tạo thêm cho các em một môi trường học tập mới cho biết: “Thời gian đầu quán gặp nhiều khó khăn, kinh phí ít, các em không quen làm việc. Nhưng sau một thời gian thì các em đã có sự tiến bộ, dần dần làm được những công việc phức tạp hơn. Quán cũng ngày càng có đông người biết và đến để ủng hộ. Đặc biệt là chúng tôi nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ phía phụ huynh, họ rất phấn khởi vì các em về nhà đã có thể giúp đỡ bố mẹ những công việc lặt vặt”.

Bố của cô bé Trang Linh mới 10 tuổi, cũng ủng hộ việc con mình được học và thực hành tại quán: “Cháu mới được xuống quán làm ít hôm nhưng khi về nhà thì tôi thấy cháu đã có tiến bộ hơn trước, mặc dù chưa biết tự làm gì nhưng nếu nhắc việc thì cháu cũng có thể dọn đồ, lau nhà, sắp xếp quần áo”.

Khách đến quán cũng vì muốn chia sẻ với những trẻ em bị khuyết tật là chính. Ông Cường, cán bộ Công ty điện lực Thanh Xuân là khách hàng thường xuyên của quán, bảo: “Cà phê thì ở đâu chẳng uống được, nhưng tôi hay đến đây, phần để muốn ủng hộ hoạt động của quán, phần vì muốn hiểu hơn và chia sẻ những thiệt thòi cùng các cháu bị khuyết tật”.

Đó cũng là những điều mà chúng tôi cảm nhận được sau khi tiếp xúc và trò chuyện với các em, được nhìn ngắm các em học pha chế, mời khách ngồi vào bàn... Nhìn những nụ cười ngây thơ luôn thường trực trên môi các em, chúng tôi mong sao chỉ trong nay mai các em sẽ được ra hòa nhập với cộng đồng, sẽ được mọi người đón nhận và có cơ hội phát triển như những đứa trẻ bình thường khác.

Hoài Thu - Lan Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.