Ở xứ sở của các vị vua

29/08/2015 05:15 GMT+7

Nigeria có đến 521 ngôn ngữ khác nhau thì cũng có chừng ấy danh hiệu cho những người trị vì các 'vương quốc' nhỏ lẻ tồn tại ở đất nước có nền văn hóa đậm đà bản sắc bậc nhất châu lục này.

Nigeria có đến 521 ngôn ngữ khác nhau thì cũng có chừng ấy danh hiệu cho những người trị vì các “vương quốc” nhỏ lẻ tồn tại ở đất nước có nền văn hóa đậm đà bản sắc bậc nhất châu lục này. Hẳn nhiên đã có nhiều vua thế thì cũng không thiếu chuyện “xếp hạng” các ông vua bà chúa. Trong danh sách những vị vua giàu nhất châu Phi năm ngoái, Nigeria “đóng góp” 2 đại diện, nhưng tình hình đã thay đổi khi một người vừa mới băng hà ở tuổi 85.

Ở đất nước của các vị vua - Nigeria
Ngôi sao phương nam
Oba Sijuwade, vua của người Yoruba - nhóm dân tộc thiểu số đông dân thứ 2 ở Nigeria (35 triệu người) qua đời ở London vào cuối tháng 7 nhưng phải đến giữa tháng 8 này tin chính thức mới được công bố. Được xem là vua xứ Ife có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay của người Yoruba, vua Oba Sijuwade lúc sống nổi tiếng bao nhiêu thì khi mất lại lặng lẽ bấy nhiêu. Đám tang của vua Oba Sijuwade được tổ chức rất long trọng, theo đúng các nghi thức truyền thống của người Yoruba với sự có mặt tiễn đưa của những quan chức cao cấp như Phó tổng thống Yemi Osinbajo. Tuy nhiên, từ khi thi thể của ông được đưa về quê nhà cho đến khi được chôn cất tại thành phố cổ Ife thì chiếc quan tài chưa bao giờ xuất hiện. Ngay khi vị vua thứ 50 này trút hơi thở cuối cùng, gia đình ông được yêu cầu trao thi thể của ông cho một tổ chức tôn giáo kiểu như hội kín và mọi thông tin kể từ giây phút đó đều là bí mật, ngoại trừ lệnh giới nghiêm bao trùm khắp Ife suốt 1 tuần.
Điều này bắt nguồn từ quan niệm của vùng đất mang tên Yorubaland (tây nam Nigeria) cho rằng người trị vì truyền thống không bao giờ chết mà chỉ làm một cuộc hành trình để hội ngộ tổ tiên. Trong khi cả Ife đắm chìm trong bầu không khí trầm mặc (tất cả các doanh nghiệp và cả ngân hàng đều đóng cửa) thì có một cuộc chạy đua ngầm đang diễn ra rất quyết liệt: cuộc đua để trở thành người kế vị. Các hoàng tử thuộc các gia tộc có thế quyền ở Ife gồm Lafogido, Giesi, Ogboru và Oshikola đều nóng lòng chờ đợi “nghị quyết” của các nhà tiên tri vốn được gọi là Ifa, mà những người cầm cân nảy mực này lại được quyền... không chịu bất kỳ cái gì gọi là hạn chót.
Là người của gia tộc Ogboru, vua Oba Sijuwade sinh thời được ngưỡng mộ bởi trình độ học vấn và tài kinh doanh của mình. Trước khi đi Anh đầu thập niên 1950 để theo học quản trị kinh doanh ở Manchester, hoàng tử Sijuwade từng có 2 năm làm việc cho báo The Nigerian Tribune (ban đầu làm phóng viên, sau làm nhân viên phát hành). Ý, Hy Lạp, đảo Síp, Scotland, Đức, Israel... là những nơi mà con người ham học hỏi này đã đến và trải nghiệm trước khi quay về quê nhà lập nghiệp và chính thức lên làm vua vào năm 1980.
Ở đất nước của các vị vua - Nigeria 2Oba Sijuwade
Ở đất nước của các vị vua - Nigeria 3
Cuộc chiến giữa các vì... vua
Cùng với vua Oba Sijuwade, vua Oba Obateru Akinruntan của vương quốc Ugbo làm nên 2 ngôi sao lớn nhất miền tây nam Nigeria. Trong khi Oba Sijuwade có danh mục đầu tư phong phú từ dầu mỏ, xây dựng đến bất động sản thì Oba Akinruntan chủ yếu quan tâm đến dầu mỏ khi thành lập Công ty Obat Oil (với hệ thống hơn 50 trạm xăng khắp Nigeria) và sở hữu kho chứa dầu mỏ lớn nhất châu Phi.
Và trong bảng xếp hạng 5 ông vua giàu nhất châu Phi 2014 của Forbes, Oba Akinruntan, 65 tuổi, đã vượt qua người đồng hương Oba Sijuwade để giành vị trí thứ 2. Họ lần lượt sở hữu số tài sản ước tính là 300 triệu USD và 225 triệu USD. Ông vua nhiều tiền nhất Nigeria này còn gây được sự chú ý bởi bộ sưu tập siêu xe nằm xếp lớp trong tòa lâu đài nguy nga tráng lệ ở vùng Ugboland. Năm 2012, ông vua này gây chấn động khi trở thành người da màu đầu tiên sở hữu chiếc xe Bentley phiên bản 2014 vốn chỉ sản xuất cho riêng Nữ hoàng Anh trong khi những người khác phải đợi đến năm 2014 mới mua được. Bộ sưu tập của ông còn có một chiếc Rolls Royce 2012 được làm theo đơn đặt hàng tương tự như của Nữ hoàng Elizabeth II. Nói về sở thích sưu tầm này, vua Oba Akinruntan cho biết: “Tôi muốn là người đầu tiên trong tất cả mọi thứ”.
Kể từ khi lên ngôi năm 2009, vua Akinruntan không ngừng cập nhật tài khoản cũng như phong cách sống để trở thành một “ông vua sành điệu” như tuyên bố. Nói về tình yêu dành cho kim cương, ông nói: “Đầu tiên và trước hết, tôi là người rất sáng tạo. Tiếp đó, tôi cạnh tranh với phong cách mang chuỗi hạt của cha ông. Ngày nay, nếu muốn là một ông vua nổi tiếng và rực rỡ, bạn phải cần đến kim cương. Dây chuyền, đồng hồ, giày, nhẫn và khăn choàng... tất tần tật đều phải đính kim cương hoặc dát vàng. Điều đó sẽ đưa bạn lên vị trí độc nhất vô nhị giữa một dàn những ông vua”.
Dù hào nhoáng là thế nhưng có lẽ vua Oba Sijuwade mới là người để lại nhiều tình cảm và giành được sự tôn kính như lời chia buồn của Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari: “Người sẽ được nhớ đến mãi mãi bởi những hỗ trợ đáng quý và những đóng góp quý giá cho việc nuôi dưỡng di sản văn hóa của người Yoruba”. Và điều giá trị mà ông làm được cho đất nước Nigeria nói chung chính là cùng bắt tay với vị vua Emir Alhaji Ado Bayero của Kano (qua đời năm 2014) để hòa giải và tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa hai cộng đồng tôn giáo lớn nhất Nigeria. Bởi Oba Sijuwade là người theo Công giáo còn Emir Alhaji Ado Bayero là một trong những vị lãnh đạo tinh thần tối cao được tôn trọng nhất của người theo đạo Hồi ở miền Bắc. Họ là đôi bạn thân và là biểu tượng cho sự hòa hợp dân tộc ở đất nước Tây Phi này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.