Nước mắt và nỗi lòng của một góa phụ trẻ bên phá Tam Giang

06/07/2005 22:41 GMT+7

Viết lại chuyện đau lòng này chắc chắn sẽ đụng đến vết thương của gia đình họ thêm một lần nữa. Nhưng vì những giọt nước mắt của người góa phụ trẻ bất hạnh, tôi phải giúp chị giải bày một chút nỗi lòng...

 

Vụ án chấn động cả làng quê

 

Vân Quật Đông là một làng quê nghèo hiền hòa thuộc xã Hương Phong, huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), nằm bên bờ phá Tam Giang. Trước đây, người dân một nửa làm ruộng, một nửa sống nhờ con tôm, con cá nổi trôi trong đầm phá. Từ khi có phong trào nuôi tôm, nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ của nhà nước, một bộ phận dân cư đời sống dần dần ổn định, một số gia đình trở nên khấm khá, trong đó có gia đình ông Cao Bỉm. Ông Bỉm có 3 người con trai đều đã có vợ con và có hồ nuôi tôm riêng. Người con trai trưởng là Cao Hóa, 35 tuổi, có vợ 5 con. Kế Hóa là Cao Bê cũng có vợ và 5 con. Hóa tính tình ôn hòa, làm ăn giỏi giang, là một trong những chủ hồ tôm có uy tín trong vùng. Còn Bê tính tình ngang ngược, nóng nảy, hễ có rượu vào là lời ra. Bởi thế hai anh em xung khắc triền miên. Nhân việc ông Bỉm giao cho con trai trưởng một rẻo đất của gia tộc để mở rộng thêm sân vườn, Cao Bê lấy làm bất bình đố kỵ, hai anh em càng mâu thuẫn gay gắt. Bê cho rằng Hóa ham hố, ỷ quyền chiếm đất. Sáng ngày 14.9.2004, trong cuộc rượu với một số người quen trong thôn, Bê to tiếng, gây hấn với anh trai. Hóa bỏ về, tưởng rằng như thế đã yên. Nhưng đến buổi trưa, khi Hóa đang xây bờ rào trên rẻo đất mới thì Bê tìm đến, đứng giữa sân tiếp tục gây hấn. Hóa bỏ việc trở vào định phân giải, nhưng bất thình lình Bê rút cây đục thủ sẵn đâm anh trai một nhát chí mạng. Hóa gục chết ngay trên bậc cấp khi chưa kịp biết chuyện gì xảy ra với mình. Cả gia đình cụ Bỉm và cả làng Vân Quật Đông cũng không ai có thể ngờ rằng một án mạng tày đình như thế lại xảy ra trong gia đình này. Riêng Bê, sau khi đâm chết anh trai đã tự động đến công an xã tự thú, sau đó được giải lên huyện rồi đưa lên tỉnh tạm giam.

 

Nước mắt và nỗi lòng người góa phụ

 

Ngày 10.4.2005, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên án Cao Bê 16 năm tù giam, mức án nằm trong khung hình phạt nặng nhất của Bộ luật Hình sự. Chắc chắn sẽ không có gì phải bàn cãi về bản án này. Nhưng điều cần nói là nội tình gia đình cụ Bỉm sau phiên tòa. Ông Bỉm như cùng một lúc mất cả hai đứa con trai, để lại 10 đứa cháu nội không còn chỗ dựa. Ông còn mang một nỗi đau lớn hơn, đó là vết nhục của gia tộc với bà con hàng xóm. Riêng chị Hoa, vợ của anh Hóa, người góa phụ trẻ bất hạnh, ngoài nỗi đau mất chồng, sau phiên tòa, chị còn một nỗi đau khác: Chị muốn xin tòa giảm nhẹ mức án cho người em chồng, người đã giết chết chồng chị, nhưng không còn kịp. Chị tâm sự trong nước mắt: "Em là dân quê không biết chi, hôm ra tòa chỉ biết khóc, nghe tòa hỏi gì thì trả lời. Đến khi nghe tòa tuyên chú ấy lãnh án 16 năm tù em muốn nói vài lời xin tòa giảm án cho chú ấy nhưng không còn kịp". Chị nói: "Sau khi chồng chết, nhiều đêm em nghĩ, chồng em không thể sống lại, nhưng rồi sau này 5 đứa con em và 5 đứa con chú ấy, chúng nó là ruột thịt sẽ như thế nào, rồi còn bà con làng xóm sẽ nghĩ về gia đình em như thế nào?... Và bởi vì như thế nên ngày 20.4.2005, chị Hoa đã viết tờ đơn kháng án gửi Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đơn của chị có đoạn: "Vì tình cốt nhục của gia tộc, vì hoàn cảnh neo đơn của vợ con chú ấy, tôi cầu xin tòa xem xét, giảm nhẹ mức án cho người đã giết chồng tôi...". Nhưng tờ đơn này cuối cùng đã không được gửi. Anh Cao Quý, người con trai út của ông Bỉm kể: "Trước khi đến tòa nộp đơn, anh ghé qua trại tạm giam thăm Cao Bê. Nghe chuyện, đọc tờ đơn, Bê nói với em trai: "Thôi đừng gửi, hãy để anh ở trong tù cố gắng học tập, cải tạo tốt thì thế nào cũng được nhà nước khoan hồng, giảm án thì tốt hơn". Tờ đơn mang nỗi lòng của người góa phụ trẻ bất hạnh không được gửi đi là vì thế.

Ngọc Thảo Nguyên

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.