Nốt nhạc buồn ở cuối tình yêu

28/03/2009 10:18 GMT+7

Khi đã yêu, không ai muốn một ngày kia phải nhìn đối phương thốt lên “ừ thôi anh/em nhé, ta chia tay nhau từ đây”. Nhưng giữa cuộc đời nhiều đổi thay, làm gì có cuộc tình nào không thay đổi.

36 chước chia tay

Dùng chữ “36 chước” là ước lệ vậy thôi chứ đại khái những người chán yêu vẫn chia tay nhau theo vài lối nổi cộm sau:

* Kiểu “lặn không sủi tăm”

Cách này thường được các chàng trai sử dụng nhiều hơn, chắc cũng một phần vì tâm lý ngại rơi vào tình cảnh cọc lại đi tìm trâu của các cô gái. Phương thức tiến hành rất đơn giản, người thực hiện chỉ việc cắt đứt mọi đầu mối liên lạc (đổi số điện thoại, thay địa chỉ mail, invisible-tàng hình vĩnh viễn trong chương trình chat…) và biến mất khỏi tầm mắt đối phương.

* Kiểu “đổ lỗi và rửa tội”:

Để tránh áp lực bị bạn bè, người thân xung quanh gán cho danh hiệu kẻ phụ bạc, sở khanh…, người muốn chia tay sẽ làm đủ trò để đối phương không chịu nổi mình và buông lời chia tay trước. Thường thấy nhất là việc gán cho đối phương một số lỗi mà họ không hề mắc phải và không cho họ cơ hội thanh minh. Theo thống kê chưa chính thức, cách này được cả hai phái sử dụng.

* Kiểu “hãy loan tin”

Thay vì nói thẳng với đối phương rằng “anh/em không còn tình cảm nữa”, người muốn chia tay sẽ cho thông tin - dưới dạng những lời bóng gió hay những câu bâng quơ - đi lòng vòng qua rất nhiều người thân quen. Người kia sẽ nhận tín hiệu dừng cuộc tình từ những “chuyên gia ngồi lê đôi mách” như bà giúp việc hay vợ chồng người bạn.

* Kiểu “từ bàn phím đến màn hình”

Đây quả thật là phương cách của thời kỳ công nghệ phát triển. Các đôi tình nhân muốn chia tay không cần phải đối mặt nhau cho thêm khó xử. Họ chỉ việc mở máy tính hoặc điện thoại ra, có thể khởi động bằng một vài đoạn cãi vã qua lại rồi sau đó soạn nhanh một tin nhắn dứt khoát gửi đến đối phương chính thức đề nghị/tuyên bố chia tay. Nếu đối phương nhanh tay hồi âm thì chỉ vài giây sau là đôi bên thành người tự do. Nhanh như tốc độ của bộ vi xử lý đời mới!

Nếu chỉ nhìn kết quả trước mắt, các phương pháp chia tay kể trên đều rất hiệu quả. Một khi người ta đã áp dụng nó, câu chuyện tình yêu của họ khó có thể tiếp tục nữa. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tình cảm, hiệu quả và tốt không đi đôi với nhau. Xét về mặt tác động tâm lý, những kiểu chia tay nói trên thật khó chấp nhận. Chúng biến người giữ vai trò chủ động chia tay thành một kẻ hèn nhát đáng khinh, đem đến tổn thương và hoài nghi cho người ở vị trí thụ động.

Hậu quả về mặt tâm lý của chuyện chia tay trong quá khứ  rất có thể sẽ khiến người ta bị ám ảnh, bị mất lòng tin vào tình yêu và hành xử sai lầm trong tương lai.

Chia tay êm đẹp

Có thể ví chuyện chia tay như một nốt nhạc buồn chấm dứt bản nhạc tình yêu. Mọi cố gắng để nốt cuối ấy là nốt trầm chứ không cao chói tai hay ngân vang quá, không cụt ngủn hay kéo dài quá sẽ đem đến cho bản nhạc ấy một cái kết phẳng lặng, dễ chịu. Nghe qua thì thấy thật khó khăn.

Tôi chán anh ta/cô ta đến tận cổ, đá phứt đi cho rồi, sao cứ bắt tôi phải tử tế thế?! Nhưng thôi, người xưa đã dạy “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” - điều gì mình không muốn thì đừng làm với người khác. Biết đâu sau này yêu ai khác mình lại thành người bị đá…

Theo Trần Thu Trang / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.