Nỗi khổ khu tập thể sinh viên

20/03/2012 08:27 GMT+7

Ở nhà tầng nhưng vẫn bị dột và thường xuyên mất nước là cảnh khổ của những sinh viên sống trong một khu tập thể giữa Hà Nội.

Ở nhà tầng nhưng vẫn bị dột và thường xuyên mất nước là cảnh khổ của những sinh viên sống trong một khu tập thể giữa Hà Nội.

Đó là khu nhà bốn tầng, thuộc tổ dân phố 27, khu tập thể Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam (phố Mai Dịch, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), được cho sinh viên thuê làm KTX với giá từ 200.000 - 230.000 đồng một người mỗi tháng, chưa kể tiền điện.

Đây là khu nhà tập thể đã quá cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng. Các phòng cửa đối cửa, với một hành lang ngày cũng như đêm đều tối tăm, chật chội. Trong mỗi phòng, cửa sổ không thể mở, thậm chí còn phải dùng chăn bịt kín để chống mùi hôi thối bốc lên từ khu nhà vệ sinh đối diện.     

Theo các sinh viên, ở đây có 15 phòng vệ sinh và phòng tắm dùng chung nhưng mất nước thường xuyên. Trần Lan, sinh viên Trường CĐSP Hải Dương, phân hiệu Hà Nội cho biết: “Có khi một ngày mất nước mấy lần, có lần mất mấy ngày liền, đi vệ sinh không có nước để dội. Buổi sáng, sinh viên phải xếp hàng dài, ai không đợi được thì đi nhờ nơi khác. Nếu dậy hơi muộn, có khi còn hết cả nước đánh răng, chờ đến trưa có khi cũng chẳng có, thôi thì đợi đến sáng hôm sau”.    


Các phòng trọ chật chội - Ảnh: N.Y

Thiếu nước sạch, nhưng nước bẩn lại không thiếu vì tràn từ phòng của một hộ dân trên tầng 3 ngang lối đi vào khu vệ sinh. “Ướt vì nước tràn còn sạch sẽ, có lần một cụ dội nguyên chậu nước bẩn từ tầng 3 xuống, quần áo phải giặt lại. Có người còn bị dội cả vào đầu”, một bạn sinh viên tên Khanh bức xúc cho biết.

Một nữ sinh tên Vi cho biết: “Hôm trước, ống nước nhà vệ sinh của một hộ dân trên tầng 2 bị hỏng, nước thấm xuống tầng 1, mất gần 2 tuần mới sửa xong, thối không chịu nổi”. Sinh viên này cho biết, giá sách muốn kê sát tường luôn phải che bằng tấm áo mưa tránh nước nhỏ vào. Đồ đạc trong phòng cũng luôn phải chú ý, nếu để bừa bộn hoặc lâu không nhìn đến khi mở ra sẽ thấy cả bầy chuột con.

Theo quan sát của chúng tôi, các phòng nhỏ kê 4 giường đơn, rộng thì 10 giường. Có khi sinh viên phải ở 2 người một giường nhưng vẫn phải đóng tiền theo đầu người như quy định. Theo bà Nguyễn Thị Hoa, người trực tiếp quản lý sinh viên tại đây cho biết việc này do ban quản lý sắp sếp vì “người quản lý là được như thế”.

Việc mất quần áo, dép guốc của sinh viên cũng thường xảy ra: “Em đã “kỷ niệm” mất một chiếc áo len, chị ấy (người chị cùng phòng - PV) cũng vừa “cho không” một chiếc áo len mới mua, nghĩ mà bực”, V.T.N, sinh viên Trường CĐSP Hải Dương cho biết.

Vừa lúc đó, anh Nam (đã đi làm) là bạn đến phòng chơi cho biết dưới tầng 1 vừa bị mất 2 chiếc xe máy của hộ dân cư. Được biết, tầng một chủ yếu là sinh viên nên KTX sẽ đóng cửa lúc 11 giờ, còn từ tầng 2 lên có nhiều người đi làm nên không đóng cửa, cứ thoải mái đi về vì thế an ninh của các phòng chủ yếu do các phòng tự quản lý.

Được biết, sinh viên trọ tại đây đến từ nhiều trường khác nhau, ai muốn cũng thuê được. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, tổ trưởng tổ dân phố 27 cho biết. “Có khoảng 30 hộ dân, tập trung ở tầng 3-4, còn lại dành cho sinh viên thuê. Dưới tầng 1 còn có chị buôn đồng nát, hình như mới đến”, bà Nguyệt nói.      

Được biết, khu tập thể được xây dựng năm 1959, hiện nay do Trường Cán bộ quản lý Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý. Cô Nguyễn Thị Hoa là cán bộ của nhà trường được giao quản lý khu KTX cho sinh viên, bà Nguyệt cho biết.

Nguyễn Yến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.