Vũ trường lách luật

14/10/2013 13:08 GMT+7

Chỉ phục vụ thiểu số dân chúng và khách du lịch, nhưng vũ trường trá hình tại Đà Nẵng gây nguy cơ mất an ninh trật tự (ANTT).

Vũ trường lách luật

Vũ trường lách luật tiềm ẩn các nguy cơ mất ANTT -  Ảnh: Nguyễn Tú

Qua điều tra, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an TP xác định 8 vũ trường trá hình có biểu hiện tội phạm băng nhóm giành địa bàn bảo kê có bảo vệ vũ trường tham gia và không loại trừ có sự tiếp tay của chủ cơ sở để cạnh tranh tiêu cực, thanh toán lẫn nhau. Trong đó, New Phương Đông, F3, TV Club càng về khuya càng chơi nhạc kích động quá giờ cho vũ nữ hở hang múa cột, nhân viên có cả tiền án, gái mại dâm. Không chỉ có “gái lắc”, từ 2010 đến nay, Công an TP bắt 276 đối tượng mua bán, chơi ma túy liên quan đến vũ trường, bar.

Tháng 12.2009, UBND TP cho 5 vũ trường, bar được chơi sau 24 giờ để hút khách du lịch nhưng PA83 xác định du khách chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ 10-15%. Bên cạnh một số người thu nhập ổn định có nhu cầu giải trí thì toàn là “cậu ấm cô chiêu” đua đòi hư hỏng, đối tượng hình sự tiềm ẩn phức tạp ANTT. Công an TP nhận định chủ trương của UBND TP không như mong muốn và không phù hợp Nghị định 103 của Chính phủ, trong khi từ 2010 đến nay vũ trường xảy ra 25 vụ phạm pháp hình sự dùng hung khí, công cụ hỗ trợ truy sát, đập phá (18 vụ trong vũ trường) do mâu thuẫn giữa khách, nhân viên và bảo kê với nhau, chuyện xô xát ghen tuông tình ái thì diễn ra thường xuyên.

Vậy mà vũ trường vẫn “lắc” tốt bởi theo PA83, có cơ sở tuy được cấp phép vũ trường nhưng không hoạt động như đăng ký, mà những cơ sở không phép lại hoạt động vũ trường trá hình. Nguyên do, doanh nghiệp được cấp phép vũ trường (bước 1) thì phải qua thẩm định điều kiện kinh doanh (bước 2). Còn bar không thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện về ANTT nên doanh nghiệp núp dưới vỏ bọc này, chỉ cần bước 1 là được hoạt động. Vì vậy công tác quản lý bar không có sự phối hợp giữa các bên từ thẩm định đến hậu kiểm. Bar biến tướng còn né được lực lượng cảnh sát quản lý hành chính vì kẻ hở pháp lý gây khó khăn cho lực lượng này.

Bar biến tướng cũng không dại gì đăng ký vũ trường còn để “né” Nghị định 35 về PCCC, không phải chịu thẩm duyệt thiết kế cũng như giấy chứng nhận PCCC. Từ cuối 2011 đến nay đã xảy ra 1 vụ cháy TV Club, 2 vụ cháy New Phương Đông trong khi theo báo cáo của Sở Cảnh sát PCCC, khách thường xuyên quá tải còn cửa thoát hiểm đều có chướng ngại vật, đèn báo lẫn đèn trang trí khó nhận biết, không đảm bảo an toàn PCCC.

Trốn thuế

Cũng nhờ “lách” luật, núp bóng quán bar nên vũ trường trá hình không nộp thuế tiêu thụ đặc biệt 40%. Công an TP phân tích 10 vũ trường trá hình, bar nộp thuế năm sau thấp hơn năm trước, từ đầu 2011 đến tháng 6.2013 chỉ nộp gần 4,9 tỉ đồng là thấp với quy mô và doanh thu, có quán lớn đông khách doanh thu cao nhưng chỉ nộp thuế chưa đến 200.000 đồng/tháng trong khi một số nơi nợ thuế kéo dài.

Cục thuế TP chỉ mới phát hiện và truy thu thuế Seventeen 50 triệu đồng, F9 Club 9 triệu đồng và nhận thấy các vũ trường trá hình lập sổ sách đối phó, khai thấp doanh thu để trốn thuế trong khi hoạt động kiểm tra gặp khó khăn, cán bộ thuế ngại bị hành hung…

Công an TP đề nghị đưa bar vào loại hình kinh doanh có điều kiện, tăng thuế, giám sát gắt gao độ ồn và PCCC; đồng thời, kiến nghị UBND TP chấm dứt hoạt động sau 24 giờ với vũ trường New Phương Đông, Seventeen và cho cảnh sát hóa trang mặc thường phục làm nhiệm vụ ở vũ trường để kịp thời ngăn chặn hành vi phạm pháp.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.