Trồng cây màu thay lúa

22/06/2013 10:08 GMT+7

Trước tình hình giá lúa đang sụt giảm nghiêm trọng, nhiều nông dân tỉnh Đồng Tháp đã mạnh dạn giảm lúa, chuyển sang trồng màu để tăng thu nhập.

Trồng cây màu thay lúa

H.Lai Vung xây dựng vùng chuyên canh màu rộng 200 ha ở xã Phong Hòa

Trồng cây màu thay lúa

 Vợ chồng anh Kiều vươn lên khá giả nhờ cây huệ

Vốn ít, lời nhiều

Các xã ven sông Hậu như Phong Hòa, Định Hòa, Tân Hòa… là những nơi phát triển trồng rau màu mạnh nhất H.Lai Vung (Đồng Tháp). Trong lúc nông dân nhiều nơi than lúa hè thu rớt giá và khó tiêu thụ, thì nông dân H.Lai Vung lại hớn hở vì trúng rau màu. Anh Nguyễn Văn Kiều (ngụ ấp Tân Phong, xã Phong Hòa) cho biết: “Mấy ngày nay, giá bông huệ dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/bông. Đây là mức giá đảm bảo cho nông dân thu lời cao gấp 4 lần so với trồng lúa”.

Kéo chúng tôi ra cánh đồng chuyên canh huệ rộng 1,9 ha của mình, anh Kiều tâm sự trước đây anh cũng trồng lúa như nhiều hộ khác, nhưng mãi không khá được. Trong một lần tình cờ xem chương trình khuyến nông vào năm 2002, thấy cây huệ cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng nhưng lại ít người trồng. Thế là anh Kiều mạnh dạn bỏ lúa chuyển sang trồng huệ. Ưu thế của cây huệ là trồng 1 lần nhưng thời gian thu hoạch kéo dài tới 4 năm. Từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch đợt đầu chỉ mất 4 tháng, sau đó cứ 4 ngày lại cắt 1 đợt. Chị Trần Thị Tư, vợ anh Kiều, khoe: “Hầu hết các chợ lớn ở Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, TP.HCM… đều có nhu cầu tiêu thụ huệ rất cao. Nhất là vào dịp lễ tết, hay các ngày rằm lớn, huệ không đủ bán, dù giá tăng tới 7.000 - 10.000 đồng/bông. Bình quân mỗi đợt bán bông, anh thu được khoảng 10 triệu đồng.

Theo anh Trần Anh Phong, Phó chủ tịch UBND xã Phong Hòa, toàn xã hiện có hơn 80 ha huệ được trồng quanh năm. Dự kiến thời gian tới, diện tích trồng huệ sẽ tiếp tục tăng. Cùng với cây huệ, các loại rau màu như mè, nấm rơm, dưa lê, ớt… cũng cho thu nhập đáng kể. Anh Nguyễn Văn Cắt, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, cho biết nếu so với giá lúa hè thu èo uột hiện nay, thì người dân trong xã chuyển sang trồng dưa lê thu lời gấp nhiều lần. Vụ đông xuân vừa qua, người trồng dưa lê đạt lợi nhuận 15 - 20 triệu đồng/công, còn vụ hè thu 7 - 8 triệu đồng/công.

Xây dựng vùng màu chuyên canh

Theo anh Trần Cao Độ, một nông dân ở xã Tân Hòa, nhiều nơi cứ khuyến cáo người dân làm lúa, tuy nhiên, khi so sánh lại thì hiệu quả kinh tế của cây lúa kém xa so với cây màu. Vài năm trở lại đây, người trồng lúa cứ phải  chịu cảnh “được mùa - rớt giá - khó tiêu thụ”, khiến đời sống gặp không ít khó khăn. Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng NN-PTNT H.Lai Vung, nhìn nhận qua thực tế nhiều năm đã cho thấy hiệu quả kinh tế của cây màu. Điển hình như vụ lúa đông xuân vừa qua, nếu được giá, nông dân chỉ lời từ 30- 40 triệu đồng/ha là cao (riêng 2 vụ hè thu và thu đông, mức lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ). Trong khi đó, người trồng mè thu lời khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha/vụ, huệ 150 - 180 triệu đồng/ha, nấm rơm 200 -  240 triệu đồng/ha/vụ… Vì mức lợi nhuận chênh lệch rõ rệt, nên ngoài lúa, vùng sản xuất màu của huyện đạt tới 2.500 ha.

Các nhà chuyên môn cho rằng vùng ven sông Hậu thuộc H.Lai Vung có lợi thế phát triển rau màu; nhất là trồng màu trong mùa hạn bởi nguồn nước ngọt dồi dào, đất đai màu mỡ. Bên cạnh đó, trồng màu còn giúp cải tạo đất, cắt đứt mầm bệnh… Ông Hồ Thanh Phương, Chủ tịch UBND H.Lai Vung, cho biết nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, huyện đã xây dựng vùng chuyên canh rau màu rộng hơn 200 ha ở xã Phong Hòa, với kinh phí đầu tư 4 tỉ đồng. Huyện sẽ chuyển đổi từ sản xuất màu dạng nhỏ lẻ sang canh tác tập trung, quy mô lớn, đầu tư bài bản về khoa học kỹ thuật, sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Song song đó, huyện cũng xây dựng tổ hợp tác hoặc HTX, gắn kết với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM… nhằm giải quyết ổn định đầu ra.

 An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.