Thư viện công, có cũng như không

25/08/2015 10:04 GMT+7

Thư viện là một không gian văn hóa không thể thiếu ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, hiện hệ thống thư viện của các phường, quận trên địa bàn Hà Nội, chỉ được mở cho có. Thậm chí, một vài thư viện đã đóng cửa, vì thưa vắng người đọc.

Thư viện là một không gian văn hóa không thể thiếu ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, hiện hệ thống thư viện của các phường, quận trên địa bàn Hà Nội, chỉ được mở cho có. Thậm chí, một vài thư viện đã đóng cửa, vì thưa vắng người đọc.

Thư viện công, có cũng như không
 Thư viện phường Mai Dịch luôn cửa đóng then cài vì không có độc giả - Ảnh: Phạm Nga
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, hàng loạt thư viện phường trên địa bàn quận Cầu Giấy gần như không hoạt động. Tìm đến nhà văn hóa phường Mai Dịch, hỏi thăm phòng thư viện, rất ít người biết.
Ông Nguyễn Văn Tiến, một người đến tập thể thao tại đây kể: “Thư viện ở đây ít khi hoạt động, mấy hôm nay tôi đều không thấy mở cửa”.
Bà Sinh, nhân viên tại nhà văn hóa Mai Dịch cho biết, thư viện của phường gần như không có người đến.
“Khoảng một tháng trước, cô phụ trách thư viện xin nghỉ việc. Mới chỉ bàn giao phòng chứ chưa bàn giao đầu sách nên tạm thời không có người trông coi”, bà Sinh cho biết.
Lý giải vì sao thư viện ít hoạt động,  bà Sinh đáp: “Mở cửa thì cũng có ai đọc đâu. Bây giờ người ta đọc trên mạng, mua sách về nhà đọc chứ mấy ai lên thư viện làm gì. Tôi làm việc ở đây bao nhiêu năm, giữ chìa khóa thư viện nhưng cũng chẳng mấy khi thấy có người vào”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Thị Thanh Hằng, cán bộ hành chính phường Mai Dịch cho biết: “Hiện nay, cán bộ trông coi thư viện đang được điều chuyển sang làm công việc khác. Vì vậy, chưa thể mở cửa thư viện và cũng không ai có thể trả lời về việc thư viện hoạt động ra sao”.
Cũng rơi vào cảnh có như không, thư viện phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) nhiều năm nay đóng cửa im ỉm.
Ông Nguyễn Văn Khoan (85 tuổi), là một bạn đọc thường xuyên của thư viện phường, đã dẫn chúng tôi đến nơi mà trước đây ông thường lui tới để đọc sách. Một căn phòng cửa khóa chặt, ông ló đầu vào cửa sổ, chỉ tay về phía tủ sách duy nhất trong phòng đã bám đầy bụi: “Tủ sách này thuộc thư viện của phường trước đây đấy. Sách vở để lung tung, bụi bặm hết cả vì không ai đến đọc!”.
Vốn là tiến sĩ sử học, mong muốn duy trì hoạt động của thư viện phường, có lần, ông đã tặng thư viện 200 cuốn sách. Tuy nhiên, chỉ khoảng một năm sau đó, thư viện không còn hoạt động nữa.
“Tôi là một trong những bạn đọc hiếm hoi ở thư viện phường. Bây giờ thư viện đóng cửa, chẳng ai trông coi. Sách vở để ngổn ngang hết. Nhìn mà xót”, ông Nguyễn Văn Khoan than thở.
Thư viện mở như đóng
Nhiều thư viện dù mở cửa nhưng cũng rơi vào tình trạng như đóng cửa. Thư viện quận Thanh Xuân nằm ở tầng 2, Trung tâm Văn hóa Thể dục thể thao quận, lúc nào cũng vắng ngơ vắng ngắt. Hỏi thăm các cán bộ trung tâm, ai cũng trả lời thư viện mở tất cả các ngày trong tuần nhưng gần như không có độc giả. Lúc chúng tôi đến đã 9h30 sáng, cửa thư viện vẫn khóa chặt.
Giải thích về vấn đề này, chị Huyền, một cán bộ trung tâm cho biết: “Hôm nay, các cán bộ trung tâm đều tham gia lớp tập huấn về phòng cháy chữa cháy nên đến giờ vẫn chưa có ai mở cửa thư viện”.
Anh Nguyễn Văn Chiến (28 tuổi) giáo viên trường THCS Alpha (Trung Hòa, Nhân Chính) cho biết: “Tôi thường xuyên đưa học sinh đến học thể dục tại Trung tâm nhưng tôi và tất cả học sinh, chưa từng biết thư viện quận nằm ở chỗ nào. Tôi nghĩ không phải mọi người không có nhu cầu mà chỉ là thư viện không thu hút được độc giả”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Thị Lan Phương, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Thế dục thể thao quận Thanh Xuân nói: “Từ trước đến nay, số lượng người đến đọc thư viện rất ít. Thỉnh thoảng chỉ có một số cháu sinh hoạt tại nhà văn hóa và các mẹ đến đón con vào thư viện đọc”. Nói về lý do không có bạn đọc, bà Phương cho rằng: “Chẳng có lý do gì cả. Chỉ là do dân không đến đọc thôi!” (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.