Tây Tựu mất mùa loa kèn

09/04/2013 08:42 GMT+7

(TNO) Đầu tháng tư, về Tây Tựu, nơi từng là “thủ phủ” của hoa loa kèn, chúng tôi chỉ còn thấy một ruộng hoa đang nở trắng…

>> Chuyên gia Hà Lan giúp người trồng hoa Đà Lạt
>> Người trồng hoa số 1 Đông Nam Á

Nằm khuất sau những ruộng cúc vàng, hồng nhung, một sào rưỡi hoa loa kèn của chị Nguyễn Thị Hiền có lẽ là ruộng hoa duy nhất còn trổ bông ở làng hoa Tây Tựu (H.Từ Liêm, Hà Nội).

Năm nay loa kèn tàn sớm. Sâu vào bên trong, vài luống loa kèn nhà anh Nguyễn Minh Đức chỉ còn mấy bông nở muộn và chìm trong luống cúc chi chít hoa vàng. Tay ôm một bó cúc to, anh Đức bảo đã thôi cắt loa kèn từ mấy ngày nay. Mùa loa kèn mọi năm bắt đầu từ tháng tư, nhưng giờ mới là đầu tháng mà ruộng loa kèn cuối cùng ở Tây Tựu cũng chỉ còn thu hoạch được trong vài ngày nữa.

 
Sang năm, gia đình chị Hiền có thể không trồng loa kèn nữa 

Mùa loa kèn ngắn lại, có lẽ vì hầu hết đất loa kèn năm ngoái giờ được dành để trồng ly. Người dân Tây Tựu đầu tư trồng hoa ly gần chục năm nay. Nhiều giống mới được nhập về, hoa tươi bán ngay tại ruộng nên ly Tây Tựu được người Hà Nội ưa chuộng không kém ly Đà Lạt.

Chị Kim, một người trồng hoa ở Tây Tựu cho biết, hai sào ruộng đang trồng loa kèn của gia đình chị hết mùa này cũng sẽ đào củ để trồng ly. Ly giống khá đắt, nhiều khi lên tới 20.000 đồng một cây, nhưng một cành ly có thể bán với giá gần 100.000 đồng. Trung bình một sào ruộng, chủ vườn đầu tư khoảng 50 triệu, thu lãi gần 100 triệu và nhanh thu hoạch hơn so với loa kèn: trồng từ tháng 9 âm lịch, đến tết là được “ăn”.

Vừa hái những bông loa kèn chớm nở, chị Hiền vừa nói: “Vài năm nữa về đây có khi chả còn loa kèn đâu. Cái giống này trồng thì vất, mà thời tiết không thuận lợi là lỗ vốn ngay”. Năm nay trời ít mưa, nhiều sương muối, nên những bông loa kèn trong ruộng nhà chị lốm đốm chấm nâu.

Chị Hiền bảo, những bông này mang ra bán buôn ở chợ Quảng Bá phải nói khéo lắm họ mới lấy, mà giá cũng chỉ được 120-130.000 đồng/100 bông chứ không phải là 150.000 đồng như mọi khi. Giá hoa bán lẻ là 25.000-30.000 đồng/20 bông, chỉ nhỉnh hơn so với năm ngoái vài nghìn dù hiếm hơn.

Mọi năm, nếu hoa ra đều chị Hiền có thể thu được hơn chục triệu tiền lãi. Nhưng năm nay 1/3 vườn loa kèn của gia đình chị không ra nụ, số hoa nở cũng kém đẹp hơn năm ngoái. “May ra lãi được 3-4 triệu”, chị buồn rầu.

Một số hộ trồng ly ở Tây Tựu cũng từng trồng xen loa kèn sau khi thu hoạch ly vào dịp tết nhưng chẳng đẹp như loa kèn đủ ngày, đúng vụ. Hơn nữa, ly cũng là giống kén đất, không “muốn” xen cây nào khác. Loa kèn thu hoạch vào tháng tư, đúng đợt mưa nhiều, nếu không kịp ải đất thì mùa ly kế tiếp khó như ý. Bởi vậy, hộ nào đã chuyển sang trồng ly cũng thôi hẳn loa kèn.

So với loa kèn, độ “đỏng đảnh” của hoa ly cũng chẳng kém phần. Ly không chịu được nóng nên phải làm nhà giàn, chăng lưới che mát. Giống đắt, nên từ khi gieo củ xuống đến lúc thu hoạch, phải ngủ ngoài đồng trông hoa.

“Nhưng lãi to, nên dù vất vả người ta vẫn ham lắm”, chị Hiền nói song im lặng khi tôi hỏi: liệu sang năm có trồng loa kèn. Loài hoa trong trẻo, mát lành này có thể sẽ không còn để tỏa hương trên đường phố Hà Nội những mùa sau…

Bài và ảnh: Tịnh Tâm

>> Làng hoa Bà Bộ
>> “Studio” giữa làng hoa truyền thống
>> Làng hoa thiếu sức sống
>> Lẵng hoa trị giá hơn 15 triệu đồng
>> Nông dân công nghệ cao - Kỳ 5: Trồng hoa trong nhà kính
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 16: Trồng hoa giống lạ
>> Chuyên gia Hà Lan giúp người trồng hoa Đà Lạt
>> Người trồng hoa ôm nợ
>> Người trồng hoa số 1 Đông Nam Á

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.