Tấm lòng với bệnh nhân phong

04/08/2015 10:30 GMT+7

Không “ra quân” rầm rộ. Không quảng bá ồn ào. 10 năm qua, Hội người Việt Nam tại Pháp đã đến với bệnh nhân phong tại Bình Định bằng cả “tấm lòng chân tình” - như lời mở lòng của nguyên Phó chủ tịch Hội Nguyễn Thanh Tòng.

Không “ra quân” rầm rộ. Không quảng bá ồn ào. 10 năm qua, Hội người Việt Nam tại Pháp đã đến với bệnh nhân phong tại Bình Định bằng cả “tấm lòng chân tình” - như lời mở lòng của nguyên Phó chủ tịch Hội Nguyễn Thanh Tòng.

Các thành viên của Hội người Việt Nam tại Pháp, lãnh đạo Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa và đại diện người dân làng phong Quy Hòa cùng chụp ảnh lưu niệm.Các thành viên của Hội người Việt Nam tại Pháp, lãnh đạo Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa và đại diện người dân làng phong Quy Hòa cùng chụp ảnh lưu niệm
Những suất học bổng nghĩa tình
Cách đây hơn 3 năm, y sĩ Thân Thị Tuyết Trinh cầm bằng giỏi của Trường Cao đẳng Phương Đông (Đà Nẵng) về Quy Nhơn. Cô gái được nhận ngay vào thử việc tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Sau 6 tháng thử thách, Trinh chính thức được ký hợp đồng, rồi lần lượt làm việc ở khoa Lão, khoa Phong, khoa Nhiệt đới, khoa Khám. Và giờ, cô y sĩ trẻ đang tất bật với công việc ở khoa Da tổng hợp, làm việc ở cơ sở Quy Nhơn.
Trinh kể về ba mẹ không một chút ngại ngần. Ba là người bệnh phong, hiện làm bảo vệ ở cơ sở Quy Hòa. Mẹ cũng từng mang bệnh phong, quanh năm buôn bán lặt vặt. Dù hai người hết sức tằn tiện, nhưng để nuôi Trinh ăn học nào phải chuyện giản đơn. Suốt 3 năm học cao đẳng, học kỳ nào Trinh cũng được vay vốn ưu đãi từ Hội người Việt Nam tại Pháp.
“Ba ở nhà nhận giùm, rồi thu vén gửi cho em trang trải cuộc sống sinh viên xa nhà. Ra trường đi làm, em thấy mình may mắn quá”, Trinh trải lòng.
Trinh bảo, ba mẹ đều từng mắc phong, em lại mang bên mình cái ơn của những người quan tâm đến đời sống của gia đình người bệnh phong, nên Trinh càng có thêm động lực để ngày ngày làm tốt công việc của mình.
Thân Thị Tuyết Trinh là 1 trong số 38 sinh viên là con em bệnh nhân phong đã được vay vốn hỗ trợ học tập từ Hội người Việt Nam tại Pháp trong giai đoạn 2010-2015. Cùng với đó là nhiều học sinh cấp 3 được nhận học bổng, được tiếp sức đến trường. Không chỉ thế, những người Việt xa quê và bạn bè quốc tế còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như sửa chữa mở rộng chợ Quy Hòa, xây nhà tình thương, sửa chữa Trường Tiểu học Kim Đồng, xây dựng vườn rau, cấp vốn vay phát triển kinh tế cho gia đình bệnh nhân phong...
“Những người bạn nước ngoài lênh khênh xúc cát, khuân đá làm đường, xây nhà cho gia đình bệnh nhân phong chính là hình ảnh cảm động mà chúng tôi chẳng thể nào quên được. Hội người Việt Nam tại Pháp giúp những việc tưởng chừng như giản đơn, nhưng lại hết sức cần thiết trong cuộc sống thường ngày của chúng tôi”, Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân phong Quy Hòa Trần Công Nghĩa tâm sự.
Đầu tư, chuyển giao kỹ thuật cao
Không chỉ chăm lo cho đời sống của bệnh nhân phong, Hội người Việt Nam tại Pháp còn dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa trong phát triển chuyên môn sâu, nhất là trên lĩnh vực xét nghiệm. Với sự giúp đỡ của Hội người Việt Nam tại Pháp, cử nhân Nguyễn Phúc Như Hà đã được cử sang Pháp để “làm chủ” kỹ thuật PCR (polymerasechain reaction) - công nghệ đột phá giúp phát hiện sớm những bệnh nhân phong khó chẩn đoán, từ đó có thể điều trị sớm, tránh được tàn tật nặng cho bệnh nhân.
“Quá nhiều cảm xúc để nói, để nhắc, để nhớ về những tháng ngày học tập trên đất Pháp. Hội người Việt Nam tại Pháp, đặc biệt là anh Tòng, đã bên tôi trong những ngày đầu khó khăn đủ bề, từ nơi ăn chốn ở đến việc tìm phòng xét nghiệm phù hợp. Các anh đã giúp tôi thu nạp từng mẩu kiến thức”, chị Hà xúc động chia sẻ.
Còn Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, BS Nguyễn Thanh Tân thì khẳng định, sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của những người bạn ấy không chỉ đơn giản là giúp bệnh nhân phong ổn định cuộc sống. Mà sâu xa hơn, nó còn tiếp thêm động lực để đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện càng dẻo dai, bền bỉ trên sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chia sẻ khó khăn
Ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, hiện là Cố vấn cao cấp, phụ trách Quỹ hỗ trợ chương trình nhân đạo, khoa học hướng về Việt Nam của Hội: “Kết quả hợp tác trong thời gian qua là cơ sở quan trọng để chúng tôi ra sức vận động các thế hệ người Việt Nam tại Pháp với mọi hình thức đóng góp, đồng thời tranh thủ bạn bè quốc tế để chia sẻ những khó khăn mà người dân mình đang phải đối mặt. Còn làm được gì cho đất nước này thì chúng tôi sẽ không quản ngại. Sắp tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các bác sĩ của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa sang Pháp học tập, đồng thời đưa các bác sĩ ở Pháp sang Bệnh viện trao đổi kinh nghiệm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.