Tắc đường

14/11/2011 09:56 GMT+7

Mùa mưa lũ, các huyện miền núi Quảng Nam bị cô lập bởi sạt lở và nước lũ.

Mùa mưa lũ, các huyện miền núi Quảng Nam bị cô lập bởi sạt lở và nước lũ.

Gần hai tháng qua, con đường nối trung tâm H.Tây Giang, Quảng Nam lên 4 xã vùng cao Tr’hy, Gary, Ch’ơm, Axan bị sạt lở và lầy lội khiến các phương tiện không thể lưu thông. Người dân và cán bộ 4 xã biên giới này phải lội bộ qua 18 km bùn đất mới đến được đường nhựa. Mỗi khi có người bị thương, đau ốm, người dân phải khiêng võng lội bộ cả chục tiếng đồng hồ đưa người bệnh đi cấp cứu. Hôm 19.10, ông Pơ Loong Jim (75 tuổi, ở thôn A Râng 1) bị xuất huyết dạ dày kéo dài trong tình trạng nguy kịch trong khi xe cứu thương của Trung tâm Y tế H.Tây Giang bị sa lầy ở xã Tr'hy vì đường xấu. "49 người trong thôn cùng bác sĩ quân dân y đã khiêng ông Pơ Loong Jim bằng võng cắt rừng đi suốt 8 tiếng đồng hồ qua khỏi xã Tr'hy để xe cứu thương đưa về Trung tâm Y tế" - ông Briu Liếc - Bí thư H.Tây Giang nói.

Theo ông Briu Liếc, tuyến ĐT 604 từ TP Đà Nẵng lên các huyện Đông Giang và Tây Giang (Quảng Nam) thường xuyên sạt lở vào mùa mưa do kết cấu địa chất yếu. Có hai nơi thường xảy ra chết người trong mùa mưa lũ nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Đó là cầu sông Vàng đã qua hơn 20 năm sử dụng và ngầm dốc Brùa nằm ở vị trí thấp thường xuyên ngập khi lũ về, rất nguy hiểm. Trong khi đó, ngầm sông Trường (H.Bắc Trà My) cũng là nơi thường xảy ra lũ cuốn chết người do cầu thấp, nhưng chưa được đầu tư, xây dựng cầu mới cao hơn. Tại H.Nam Trà My, đường từ trung tâm huyện đi các xã Trà Mai, Trà Vân và Trà Vinh thi công đã 3 năm vẫn còn dang dở. Nguyên nhân theo UBND H.Nam Trà My hiện vẫn đang vướng giải tỏa tại thôn 1, nóc Ông Sinh, xã Trà Vân.

Tại H.Tây Giang, công trình đường nhựa nối từ trung tâm huyện đến 4 xã vùng cao do Bộ đội Biên phòng Quảng Nam làm chủ đầu tư cho đến nay vẫn chưa hoàn thành.

“Trước đây người dân có thể lưu thông bằng đường công vụ, khi trời mưa lầy lội và sạt lở, địa phương lót gỗ, giải phóng được ngay. Lẽ ra, công trình này phải được nghiệm thu vào ngày 31.12 tới đây, nhưng hiện công trình vẫn đang ngừng thi công" - ông Briu Liếc nói.

Cũng theo ông Briu Liếc, nhờ chủ động dự trữ lương thực, hiện mỗi xã còn 3 tấn lúa đủ để người dân cầm cự. Tuy nhiên 60 tấn gạo hỗ trợ cho 4 xã vùng cao và nước bạn Lào hiện vẫn nằm trong kho của huyện có nguy cơ mốc meo vì không có đường tiếp tế.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.