Rác nguy hại đổ lẫn rác sinh hoạt

14/09/2011 08:15 GMT+7

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng tấn rác công nghiệp độc hại được chính xe của công ty môi trường đổ vào bãi rác sinh hoạt.

Theo nguồn tin của Thanh Niên, tối 31.8, lực lượng chức năng đã bắt quả tang xe ô tô 30N - 0400 của Công ty URENCO 10 (đơn vị được chỉ định ký hợp đồng với các doanh nghiệp xử lý rác thải công nghiệp và rác thải y tế, thuộc Tổng công ty TNHH nhà nước một thành viên Môi trường đô thị - URENCO) đổ hơn 5 tấn chất thải công nghiệp nguy hại chưa qua xử lý vào ô số 7 thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (H. Sóc Sơn, Hà Nội).

Trước đó, ngày 21.6, URENCO 8 (đơn vị có nhiệm vụ xử lý rác thải sinh hoạt) cũng phát hiện, lập biên bản xe ô tô mang BKS 29N - 7220 của URENCO 10 đổ gần 4 tấn giẻ lau dính dầu, vỏ thùng sơn, cặn sơn… vào ô 7B chứa rác thải sinh hoạt.

 
Khu vực phát hiện xe của URENCO 10 đổ chất thải công nghiệp nguy hại - Ảnh: Hà An

Làm việc với Thanh Niên, ông Hoàng Văn Đắc, Giám đốc Công ty URENCO 8, xác nhận 2 vụ bắt quả tang trên.

Theo ông Đắc, vụ bắt quả tang vào tối 31.8 là do cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP. Hà Nội thực hiện.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, khi PV Thanh Niên liên lạc qua điện thoại, lãnh đạo đơn vị này lại từ chối, cho rằng không biết về vụ việc này?

Còn ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc URENCO 10 giải thích, phía doanh nghiệp mà công ty ký hợp đồng xử lý chất thải đã phân loại rác không tốt, bỏ nhầm rác công nghiệp sang thùng rác sinh hoạt.

Do vậy mà xe 30N - 0400 đã đổ tại ô chôn lấp rác sinh hoạt. Xe 29N - 7220 bị lập biên bản vào ngày 21.6 cũng ở tình trạng tương tự.

Lý giải của ông Hùng xem ra khó chấp nhận, vì rác thải công nghiệp đều được chở từ các khu công nghiệp, các doanh nghiệp; đơn giá giữa hai loại rác sinh hoạt và công nghiệp chênh nhau tới gần chục lần, vì vậy khó có thể có chuyện doanh nghiệp ký hợp đồng xử lý rác công nghiệp với URENCO 10 bỏ nhầm hai loại rác vào một.

Việc đổ rác thải công nghiệp vào hố rác thải sinh hoạt, không chỉ gây ô nhiễm môi trường lâu dài (vì rác công nghiệp khó phân hủy), mà còn có dấu hiệu của sự bất minh về tài chính.

Đơn giá mà công ty môi trường thu của các doanh nghiệp để xử lý 1 tấn rác thải công nghiệp nguy hại lên tới 9 triệu đồng, trong khi 1 tấn rác sinh hoạt chỉ có giá 160.000 đồng.

Và nếu không có sự đồng ý của các bên, việc đổ rác thải công nghiệp vào hố rác sinh hoạt là không thể thực hiện được, vì theo quy định, các xe chở chất thải vào khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đều phải qua cân kiểm tra.

Các xe chở rác thải của URENCO 10 đều ghi “xe chở chất thải công nghiệp” nên việc giám sát của URENCO là quá dễ.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ xem có hay không sự móc ngoặc của các bên để “ăn” tiền chênh lệch?

Theo tài liệu mà chúng tôi có, đến hết năm 2009, URENCO 10 còn tồn 6.000 tấn rác công nghiệp, trong đó, 3.497 tấn cần được xử lý bằng phương pháp đốt, 1.224 tấn là dung dịch thải công nghiệp, tất cả được lưu tạm thời trong 2 hầm chôn lấp rác thải công nghiệp và một phần tồn trong các xưởng xử lý trung gian, bể chứa.

Hết năm 2010, lượng rác thải còn chừng 5.000 tấn, số này chủ yếu là rác xử lý bằng phương pháp đốt.

Hiện tại, URENCO 10 có 2 lò đốt chất thải, 2 hầm chứa chất rắn nguy hại và 6 trạm hóa lỏng chất thải nên hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu xử lý rác.

Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, URENCO 10 chỉ sử dụng một lò với công suất đốt khoảng 225 kg/giờ để xử lý rác thải y tế, do lò đốt tại Từ Liêm bị hỏng.

Lãnh đạo URENCO 10 không cho biết số lượng rác thải được xử lý trong thời gian lò được bảo dưỡng, mà hẹn sau một thời gian để tổng hợp số liệu.

Về phía URENCO, ông Nguyễn Văn Hòa, Tổng giám đốc xác nhận việc lò ngưng đốt lò do bảo dưỡng định kỳ.

Ai dám chắc, trong số hàng nghìn tấn rác công nghiệp tồn chờ xử lý, tất cả đều nằm trong kho hay được tuồn ra bãi rác sinh hoạt?

Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.