Phụ huynh tự gây áp lực ngày thầy cô

18/11/2011 09:36 GMT+7

Đa số cô thầy đều không đòi hỏi, nhưng nhiều phụ huynh lại chạy đua quà cáp cho thầy cô vì sợ con mình bị “dìm”... khiến ngày Nhà giáo VN, vốn mang nhiều ý nghĩa, thành một áp lực không đáng có.

Đa số cô thầy đều không đòi hỏi, nhưng nhiều phụ huynh lại chạy đua quà cáp cho thầy cô vì sợ con mình bị “dìm”... khiến ngày Nhà giáo VN, vốn mang nhiều ý nghĩa, thành một áp lực  không đáng có.

Áp lực không đáng có

Tình cảm học trò và cô thầy là tình cảm thiêng liêng. Ngày 20.11, cũng là dịp để học sinh bày tỏ tình cảm của mình đối với thầy cô giáo và trao tặng một món quà cũng không phải là điều gì quá đáng. Nhưng do áp lực xã hội mà đa số phụ huynh hiện nay đi thăm thầy cô đều không phải vì tri ân  mà vì sợ con mình bị phân biệt đối xử.

Anh Th. bán cà phê, có hai con đang học tiểu học, khi được PV hỏi anh định tặng cô thầy quà gì trong ngày 20.11, anh đã không ngần ngại: “Biết thầy cô cần cái gì mà tặng. Năm nào mình cũng bỏ phong bì cho tiện”. Không chỉ anh Th. mà nhiều người khi được hỏi đều có câu trả lời chung như thế.

Tuyệt đại đa số nhà giáo đều không đòi hỏi nhưng phụ huynh cứ nhìn mặt nhau rồi chạy đua quà cáp. Người này đi thăm thầy cô, người khác không đi lại lo sợ con mình sẽ bị “dìm”… Và thế là từ một ngày lễ nhiều ý nghĩa đã trở thành một áp lực xã hội không đáng có. “Con mình mới học mẫu giáo mà về nhà cũng đòi ba mẹ phải mua quà cho cô. Cháu nói ba mẹ mấy bạn, ai cũng thăm và tặng quà cho cô cả rồi. Vậy là mình cũng phải đi” - C.H, một nhà báo có con học mầm non, tâm sự.

Những cách làm hay

Dù có tặng quà gì mà rồi các em không ham học, chỉ lo ham chơi và có khi còn hư hỏng nữa thì người giáo viên rất buồn

Một thầy giáo

Để tránh tình trạng học sinh và phụ huynh phải đi thăm thầy cô, hiện nhiều trường THCS và THPT ở TP.Huế tổ chức lễ ngay tại trường. Cả học sinh và cô thầy đều tập trung tại lớp. Tại buổi lễ, các thầy cô chỉ nhận duy nhất  loại quà là hoa. Sau đó, thầy trò cùng ngồi lại trò chuyện cởi mở như một sinh hoạt ngoại khóa, và tổ chức văn nghệ…

Trong hai năm 2010 và 2011, T.Ư Đoàn, Bộ GD-ĐT phối hợp với Ngân hàng Đông Á đã tổ chức cuộc thi “Nét bút tri ân” nhằm khuyến khích học sinh dành tình cảm viết về những thầy cô giáo. Từ cuộc thi đã xuất hiện nhiều bài viết cảm động về tình thầy trò. Cuộc thi được trao giải đúng vào dịp 20.11, nhằm tôn vinh những nhà giáo có nhiều cống hiến vì thế hệ trẻ.  Đây cũng là một cách làm hay để tạo cơ hội cho các thế hệ học trò dành tình cảm tốt đẹp cho thầy cô giáo của mình.

Một thầy giáo đang dạy tại một trường THCS ở TP.Huế cho biết: “Thú thật mình không mong muốn gì ngoài học sinh chăm ngoan học giỏi. Dù có tặng quà gì mà rồi các em không ham học, chỉ lo ham chơi và có khi còn hư hỏng nữa thì người giáo viên rất buồn. Theo mình, ngày nhà giáo phụ huynh và học sinh không nên đi thăm cô thầy mà hãy để dành ngày này cho những cựu học sinh, sau khi ra trường nhớ về thầy cô, ghé lại thăm thì ý nghĩa hơn.  Khi học sinh ra đời thành đạt trở về, lúc ấy các em có tặng thầy cô quà gì cũng đều xuất phát từ tình cảm, chứ không hề vì áp lực. Tình cảm ấy thực sự thiêng liêng và đáng quý”.

Năm nay, nhân kỷ niệm 29 năm ngày Nhà giáo VN (20.11), Sở GD-ĐT, Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn hướng dẫn tổ chức ngày Nhà giáo VN và phát động phong trào thi đua “dạy tốt học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục” rộng rãi trong toàn ngành. Sở cũng yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục nên tổ chức tập trung tại trường cho học sinh chúc mừng thầy cô giáo; lãnh đạo nhà trường phối hợp cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh nhắc nhở học sinh không đi đến nhà riêng của thầy cô giáo để đảm bảo an toàn giao thông, sức khỏe và tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.