Phập phồng với hoa

01/03/2013 08:20 GMT+7

Tỉnh Lâm Đồng có khoảng 4.000 ha diện tích trồng, sản xuất hoa với sản lượng hàng tỉ cành mỗi năm. Nghề trồng hoa ở địa phương này còn có thâm niên hơn 70 năm, thế nhưng đến nay người dân trồng hoa vẫn luôn thấp thỏm.

Họ lo lắng như vậy là vì cuộc sống của người trồng hoa luôn phập phồng theo giá cả của hoa. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy đầu ra và giá cả hoa ổn định để người dân yên tâm sản xuất. Từ khâu chọn giống, chăm sóc đến vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ…tất cả cũng đều do họ tự bơi, tự kiếm tìm. Thông tin thị trường không có, người trồng hoa rất dễ rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” phải đổ bỏ hoa. Thậm chí có khi đã thu hoạch hoa, đóng gói chuyển đến các vựa ở TP.HCM rồi mà họ không biết được hoa của mình có giá bao nhiêu và đành chờ dưới vựa họ có bán được hay không rồi mới báo giá về. Cũng đã có nhiều người không thu được đồng nào vì sau khi đã chuyển hoa đi nhiều ngày thì nhận được câu trả lời từ các vựa là hoa bán không được… Ngay như những mùa hoa tết, có người hên thì thắng còn không thì thua. Hên ở đây là họ chọn đầu tư trồng trúng loại hoa mà thị trường đang thiếu, đang cần, còn không thì thất bại vậy. Họ trồng hoa như canh bạc, theo quan điểm “mùa trước nhiều thì mùa này ít và ngược lại”, nên những mùa hoa tết vừa qua, có mùa thì lay ơn ế, có mùa thì lily, rồi mùa thì cúc ế… Gần nhất là dịp tết vừa qua, hoa cúc đứng giá, bán chậm, thấy vậy nhiều người không dám trồng nhiều phục vụ cho rằm tháng giêng dẫn tới rằm vừa qua thì hoa cúc được giá nhưng không đủ hàng cung cấp...

Trồng hoa mang lại siêu lợi nhuận bởi hiệu quả được tính trên từng mét vuông đất và cũng có nhiều người đổi đời, trở thành tỉ phú nhờ hoa. Thế nhưng thực tế, số người này lại quá ít, tập trung vào những hộ, những công ty có điều kiện về vốn, về thị trường, còn lại đại đa số nông dân với diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và “thiếu đủ thứ” nên việc làm giàu từ hoa trở nên rất khó. Không chỉ thiếu định hướng cho người trồng hoa theo quy trình công nghệ cao, chặt chẽ để nâng cao chất lượng hoa, mà ngay cả một chợ đầu mối hoa tại TP.Đà Lạt vẫn chưa có. Một thành phố hoa nổi tiếng, nhưng phần lớn sản lượng hoa chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước, còn xuất khẩu chỉ là số ít và tập trung chính ở các công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Dù có điều kiện để trồng hoa tốt nhưng với những bất cập như trên cùng với tư duy trồng hoa công nghiệp chưa cao của người nông dân, nên không biết đến bao giờ sản phẩm hoa Đà Lạt mới cạnh tranh được với hoa của các nước trên thế giới, cũng như không biết đến bao giờ người trồng hoa ở đây mới hết cảnh phập phồng…?

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.