Nơm nớp lo sạt lở

18/08/2011 11:25 GMT+7

“Sông sâu bên lở bên bồi”, chuyện cứ ngỡ như quy luật tự nhiên ấy nay lại là mối lo lớn của người dân ĐBSCL.

Ở khắp các tỉnh miền Tây hiện nay đâu đâu cũng có sạt lở. Tỉnh bị sạt lở ít cũng vài chục điểm còn nhiều thì lên đến cả trăm, chẳng hạn như Đồng Tháp có 99 điểm thuộc địa phận 44 xã, phường, thị trấn với tổng chiều dài trên 172 km, nhiều nơi ăn sâu vào bờ đến 25m. Còn tỉnh Vĩnh Long cũng có tới 66 khu vực đối mặt với nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài trên 120 km và trên 5 ngàn hộ dân bị ảnh hưởng. Con số này ở Hậu Giang là 55, An Giang 47, Cần Thơ 26… Đặc biệt là nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao lại gần các khu dân cư, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân.

Trong thời gian gần đây, nạn sạt lở xảy ra thường xuyên và nguy hiểm hơn. Chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6.2011), trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra 11 vụ sạt lở bờ sông, làm chết 2 người, thiệt hại hàng tỉ đồng. Nhiều người do chưa có nơi khác để chuyển đến hoặc vì sinh kế, phải sống ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao trong nơm nớp lo sợ. Mối lo đó lại càng gia tăng trong mùa mưa, lũ như hiện nay.

Theo các nhà khoa học, tình trạng sạt lở hiện nay ngoài yếu tố tự nhiên như nền đất yếu, luồng lạch không ổn định... còn do sự tác động của con người, trong đó có việc khai thác cát sông quá mức làm thay đổi dòng chảy. “Hệ thống đê bao quá nhiều làm cho nước không còn chảy tràn bề mặt mà chảy tập trung ở sông, rạch gây sạt lở”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia tư vấn thuộc Ủy hội sông Mê Kông) nói.

Để hạn chế thiệt hại về người và của có thể xảy ra do sạt lở, nhiều địa phương đã triển khai di dời dân, lập đồ án quy hoạch phòng chống sạt lở, xây kè... Đây là những giải pháp cần rất nhiều vốn nhưng hiệu quả được cho là ít bền vững. Các nhà khoa học cho rằng, bên cạnh những giải pháp công trình trên thì cần có những giải pháp phi công trình như: sử dụng tiết kiệm nguồn cát sông, tái tạo thực vật bờ sông để hạn chế tác động bào mòn của dòng chảy, hạn chế đê bao cao để tạo điều kiện để nước có thể chảy tràn trên đồng trong mùa lũ... 

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.