Người chơi nhà cổ số 1 miền Trung

01/03/2013 09:55 GMT+7

Muốn tham gia vào lĩnh vực sưu tầm nhà cổ trước phải có đam mê, kiến thức sâu rộng, sau phải có tâm, có tầm nhìn và cuối cùng chí ít phải sở hữu... vài ngàn mét vuông đất.

Ở Quảng Nam, nói đến giới chơi và sưu tầm nhà cổ không ai không biết đến Lê Văn Vĩnh, TGĐ Vinahouse có trụ sở đặt tại xã Điện Minh (H.Điện Bàn, Quảng Nam), dù anh còn rất trẻ, mới 32 tuổi. Tuổi đời là vậy, song tuổi nghề của Vĩnh thì thật đáng nể với hàng chục năm bôn ba theo cha làm nghề mộc khắp các vùng miền trên cả nước.

Sớm tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm từ những người thợ có tay nghề cao, nên Vĩnh đã lĩnh hội, nắm bắt tinh hoa của nghề mộc làng Kim Bồng, Văn Hà nổi tiếng miền Trung nhiều thế kỷ qua. Nghiệp là vậy, song để sở hữu hàng chục ngôi nhà bằng gỗ, tranh tre cổ nhất ở các tỉnh, thành, theo Vĩnh phụ thuộc tất cả và cái duyên. Không hẳn muốn là có thể chuyển ngay ngôi nhà có cháu con người ta đang ở, đang thờ cúng ông bà về ngay được.

Người chơi nhà cổ số 1 miền Trung
Anh Vĩnh trong ngôi nhà tranh tre trên 102 tuổi - Ảnh: H.T

“Có những ngôi nhà mà em rất ưng ý, thấy là mê ngay, nhưng phải mất vài ba năm canh xem trong gia đình có ai muốn bán, chuyển nhượng không? Cũng có nhà đã xuống cấp trầm trọng rồi mà gia chủ không đủ kinh phí để sửa sang hoặc muốn nâng cấp thành nhà hiện đại để làm nơi thờ cúng cho khang trang nên họ thay đổi. Đây là cơ hội để thuyết phục gia chủ chuyển sở hữu cho mình” - Vĩnh bộc bạch.

Ví như căn nhà “tam gian tứ hạ” có kích thước lớn nhất và có 108 cột gỗ - được xem là ngôi nhà có cột gỗ nhiều nhất đối với những căn nhà rường ở Việt Nam hiện nay. Đây là ngôi nhà của bà Thao (ở H.Đại Lộc, Quảng Nam), được các KTS của ĐH Nihon và ĐH Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) cho là có tuổi đời trên 200 năm. Ngôi nhà còn mang nét khác biệt trong nghệ thuật điêu khắc gỗ với những họa tiết cách điệu độc đáo. Để sở hữu ngôi nhà số 1 này, Vĩnh đã mất vài năm đeo bám quyết liệt, có lúc tưởng chừng vuột khỏi tầm tay. Thế nhưng, bằng tâm huyết và lời hứa lưu giữ nguyên vẹn ngôi nhà trên chính mảnh đất Quảng Nam của Vĩnh đã thuyết phục được gia chủ. Năm 2002, ngôi nhà số 1 - tam gian tứ hạ đã hiện diện ngay trung tâm lô đất rộng 11.000m2 tại thị trấn Vĩnh Điện.

Hay ngôi nhà “năm gian hai chái kép” của một người thôn Phú Cam (Bình Quý, Thăng Bình) có kiến trúc đặc biệt hiếm thấy trong số nhà cổ thuần Việt ở Quảng Nam, được phục dựng trong khuôn viên của Vĩnh vào năm 1999. “Không thanh mảnh nhẹ nhàng như kiến trúc Huế, nhà “năm gian hai chái kép - Ngũ gian nhị hạ” của Quảng Nam mang đậm tính chất phác, bền chắc như chính người dân quê ở đây qua cấu trúc kèo chồng. Và cũng ẩn chứa vẻ đẹp bình dị qua đường nét uốn cong, gờ gấp của những thanh trính lận” - Vĩnh giải thích. Còn để sở hữu ngôi nhà tranh tre cổ nhất Việt Nam có tuổi đời trên 102 năm thì Vĩnh phải nhờ người hàng xóm thăm hỏi đúng 4 năm trời, cho đến khi ngôi nhà xuống cấp quá, bà Phạm Thị Số, 87 tuổi mới quyết chuyển lại cho “cái thằng chi mà nó tới thưa gửi hoài đó”. Vậy là ngôi nhà tranh độc đáo nhất đã về tay Vĩnh.

Trong bộ sưu tập nhà cổ của Vĩnh còn có những ngôi nhà có tuổi vài trăm năm như nhà ba gian hai chái của ngài Tôn Thất Đạm - một vị quan ở Huế ngày xưa; hay ngôi nhà kiểu bánh ú đặc trưng ở Quảng Trị; nhà một gian hai chái hiên ở Quảng Bình; nhà lá mái một gian hai chái xứ Bình Định; nhà lục giác, tứ giác vùng Nam Bộ; nhà ba gian hai chái dân dã vùng Bắc Bộ, hay nhà kiểu cổ lầu Bắc Bộ... cũng gây ấn tượng đặc biệt với các nhà chuyên môn.

Bước tiếp theo của Vĩnh sau khi sưu tầm, phục dựng thành công những ngôi nhà cổ là điều chỉnh cảnh quan tạo thành một không gian khép kín kết nối các căn nhà cổ với nhau. “Khi mọi việc hoàn chỉnh thì Vĩnh sẽ mở cửa khu bảo tồn nhà cổ ở các vùng miền này cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về kiến trúc nhà cổ độc đáo thuần Việt được làm ra từ chính bàn tay khối óc của những người thợ lành nghề bậc nhất Việt Nam qua từng giai đoạn của lịch sử” - Vĩnh nói về hướng đi mới của mình. Đáng mừng là trong những gian nhà cổ này đều có hiện vật, vật dụng gia đình người xưa sử dụng được trưng bày đi kèm. Ngoài ra, còn có các chi tiết như cột, kèo, được chạm trổ nhiều hoa văn, đồ án trang trí trên các bộ phận đuôi kèo, đầu trính, thân trính, chồng rường, vách ngăn... của các nhà cổ còn sót lại do bom đạn chiến tranh. 

Toàn cảnh khu nhà cổ được Lê Văn Vĩnh đặt tên Không gian nhà Việt Nam nằm giữa con đường nối hai di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn - Hội An, bao gồm 18 nếp nhà cổ xưa độc đáo nhất của người Việt và 15 công trình kiến trúc khác được phục dựng nguyên vẹn, trong đó có cả khu nhà sàn 7 gian của đồng bào Cơ Tu sẽ mở cửa đón khách vào đúng dịp lễ hội Quảng Nam - hành trình di sản lần thứ V vào tháng 6.2013.

HỮU TRÀ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.