Nghề mộc vẫn “sống” ở Tây Ninh

13/06/2013 09:36 GMT+7

Ở Tây Ninh, nghề mộc gia dụng vẫn “sống” và còn phát triển rất mạnh so với nhiều địa phương khác.

Theo một cán bộ thuộc Chi cục Phát triển nông thôn Tây Ninh, kết quả điều tra gần đây, toàn tỉnh hiện có hơn 280 hộ với khoảng 750 lao động tham gia sản xuất đồ mộc gia dụng. Nghề này phân bố gần khắp các huyện trong tỉnh nhưng tập trung nhất vẫn là Hòa Thành và Trảng Bàng. Sản phẩm gỗ gia dụng khá đa dạng, gồm giường, tủ, bàn ghế, tủ thờ…

Nghề mộc vẫn “sống” ở Tây Ninh

Lao động tại một xưởng gỗ ở Tây Ninh

Nghề không phụ người

Những thợ mộc cao tuổi kể rằng nghề này theo chân cư dân từ Bình Dương và Đồng Nai du nhập vào Tây Ninh từ hơn nửa thế kỷ trước và kết hợp với nghề mộc bản địa tạo thành bản sắc như hiện nay.

Anh Trần Thành Phương (38 tuổi, ngụ ấp Hiệp Hoà, xã Hiệp Tân, H. Hòa Thành) cho biết, so với khoảng 15 năm trước, nghề mộc bây giờ đỡ vất vả nhọc nhằn hơn nhờ sự hỗ trợ đáng kể của máy móc hiện đại như: máy cưa, máy tiện, máy bào, máy khoan… Hầu hết các công đoạn cưa, xẻ, tiện, bào, khoan, đánh bóng… đều sử dụng máy chuyên dùng, chỉ một số công đoạn còn lại người thợ phải làm thủ công. « Hiện người làm nghề mộc gia dụng sống được nếu tay nghề khá, có sự sáng tạo trong việc thiết kế mẫu mã sản phẩm và có uy tín », anh Phương nói.

Anh Phương cho biết nhà anh đã 3 đời làm nghề thợ mộc và đều gắn bó với nghề này. Hiện gia đình anh có 3 anh em đều giữ nghề truyền thống. “Tôi tin là mình không phụ nghề thì nghề sẽ không phụ mình đâu. Đó là lý do mà tôi đã đeo đuổi nghề này 20 năm qua”, anh Phương bộc bạch.

Còn ông Dương Hoàng Anh (49 tuổi, ngụ tại H. Trảng Bàng) cho biết, do nguồn nguyên liệu tại chỗ cũng như trong nước gần như không còn nên hầu như toàn bộ gỗ dùng cho sản xuất đồ mộc hiện nay chủ yếu nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia… « Các loại gỗ nhập khẩu hầu hết có chất lượng cao như cẩm lai, căm xe hoặc gõ đỏ có giá khá đắt nên chỉ có một gia đình khá giả mới có điều kiện sử dụng còn giới bình dân chủ yếu sử dụng các vật dụng sản xuất từ gỗ tạp rẻ tiền có nguồn gốc tại địa phương như gỗ tràm vàng, keo tai tượng, mít… » ông Hoàng Anh nói

Tìm kiếm thị trường

Dù tồn tại và phát triển hàng chục năm qua, nhưng do các hộ sản xuất đều làm ăn riêng lẻ, chưa thành lập hợp tác xã hoặc hiệp hội nên sản phẩm đồ gỗ sản xuất chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh. Trong khi đó, theo nhận định của một chuyên gia về ngành nghề nông thôn của tỉnh Tây Ninh thì « Thị trường tiêu thụ đồ gỗ của tỉnh Tây Ninh hiện có tiềm năng lớn để mở rộng ra các địa phương khác, nhưng chưa được khai thác»

Còn theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, để nghề mộc gia dụng phát triển, ngành nông nghiệp đã đề ra một số định hướng chung. Cụ thể, để từng bước vươn ra ngoài tỉnh và xuất khẩu, người sản xuất đồ gỗ gia dụng cần đặc biệt chú trọng khâu tiếp thị, tìm kiếm, phát hiện và chiếm lĩnh thị trường. Các sản phẩm phải không ngừng được sáng tạo mẫu mã mới; chú trọng những sản phẩm mỹ nghệ có kích thước nhỏ, gọn, mang tính lưu niệm với giá cả vừa phải để cung ứng cho cửa hàng tại các điểm du lịch.  Bên cạnh đó, nhà nước cần sửa đổi những chính sách còn bất cập hiện nay như thuế, chính sách nhập khẩu gỗ phục vụ sản xuất...

'Trước mắt, những cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ cần thành lập các hợp tác xã có vai trò xây dựng và điều hành kế hoạch sản xuất, tìm kiếm thị trường, tiếp thị, quảng bá sản phẩm và làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra khác. Tiến hành đăng ký nhãn hiệu sản phẩm độc quyền để hạn chế dần tình trạng cạnh tranh không lành mạnh do sản xuất không đăng ký kinh doanh, sản xuất sản phẩm kém chất lượng… ",một cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh nói.

Công Sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.