Lận đận vì tôm

16/06/2011 10:28 GMT+7

Chỉ trong vòng một tháng, “đại dịch tôm” đã tước mất của người dân ĐBSCL hàng ngàn tỉ đồng. Nhiều người rơi vào cảnh trắng tay, phải đôn đáo chạy tiền lo cho vụ mới...

“Mỏ tôm” xơ xác

Chúng tôi đến vùng nuôi tôm Mỹ Thanh (xã Lịch Hội Thượng, H.Trần Đề, Sóc Trăng) - nơi được xem là “mỏ tôm” của vùng ĐBSCL, giữa lúc người dân nơi đây như đang “ngồi trên đống lửa”. Chưa bao giờ vùng đất ven biển xa xôi này lại đón nhiều khách đến thế. Hết lãnh đạo huyện đến lãnh đạo tỉnh, rồi lãnh đạo bộ,  thậm chí có cả chuyên gia nước ngoài, họ đến để tìm cho nông dân ở đây một lời giải vì sao tôm sú lại đồng loạt chết, nhưng dường như chưa tìm ra đáp án.

 

Nhiều ao nuôi tôm công nghiệp đã chịu cảnh “phơi ao” do nạn  tôm chết - Ảnh: Tiến Trình 

Ông Tám Tiền (Phạm Minh Tiền, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Sóc Trăng), nói vùng này có lợi thế là nằm bên lưu vực sông Mỹ Thanh, cách  cửa biển chỉ trên dưới 7 km. Hằng năm, độ mặn của nước sông lúc cao điểm không quá 25%o, còn mùa mưa độ mặn cũng lên không dưới 5%o, rất lý tưởng để phát triển nghề nuôi tôm bền vững. Sau khi chính quyền cho chuyển sang nuôi tôm, vùng rừng tạp hoang hóa này thay đổi đến chóng mặt. Các “đại gia” đổ về đây mua đất lập trang trại nuôi tôm quy mô lớn rồi thi nhau mua sắm máy móc, thuê lao động, chuyên gia tư vấn nuôi tôm, kéo điện công nghiệp đến tận ao nuôi… Chẳng mấy chốc, vùng nuôi tôm Mỹ Thanh đã trở thành “Khu công nghiệp sản xuất tôm nguyên liệu sống xuất khẩu” đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam.

Rồi cơn “đại dịch” bất ngờ ập đến, khiến nhiều người phải điêu đứng. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, cho biết đợt tôm chết vừa qua đã gây thiệt hại cho người nuôi ở Sóc Trăng hơn 1.000 tỉ đồng; trong đó riêng vùng này bị thiệt hại đến hàng trăm tỉ. Hộ bị thiệt hại nhiều nhất gần 10 tỉ đồng, ít thì cũng vài chục triệu. Có đến 99% tôm nuôi công nghiệp ở đây bị chết, khiến lãnh đạo các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trong khu vực đứng ngồi không yên vì nỗi lo thiếu nguyên liệu.

Tất bật chạy tiền

Ông Tám Tiền có đến 81 ao nuôi tôm sú ở đây, với chi phí bình quân mỗi ao nuôi là 100 triệu đồng/vụ. Có năm thu hoạch tôm ông lời đến gần 20 tỉ đồng. Người ta ví von đây là “đất của những đại gia”, bởi nhiều người phất lên từ nuôi tôm công nghiệp. Với những gia đình ít đất, đầu tư nhỏ, tuy nuôi tôm có trúng, có thất, nhưng cuộc sống của họ cũng khá lên nhờ con tôm. Đã nhiều năm trong khi các nơi khác tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh thì ở vùng này tôm lại trúng “bể tay”. Vậy mà năm nay mọi thứ bỗng thay đổi một cách chóng vánh.

Ông Tám Tiền nói mầm mống “tai họa” bắt đầu xuất hiện ngay từ đầu năm, khi hàng loạt cua, sò, nghêu… ven biển từ Bến Tre, Trà Vinh kéo dài xuống tận Mũi Cà Mau lần lượt chết phơi vỏ. Sau đó, tôm nuôi trong ao ở quanh đây bắt đầu có hiện tượng lủi vào bờ chết. Chỉ vài ngày sau, tình trạng tôm chết đồng loạt lan ra khắp vùng. Nhà ông Tám Tiền có đến 76 ao tôm bị chết sạch. Ông Trương Tòi (ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng), nói: “Nhà tôi chỉ có 2 ao, thả 200 ngàn con giống. Hơn tháng sau, tôm bỗng dưng “lụi vào mé”, chết đặc đáy, trở tay không kịp. Biết tôm bị “hư” không thể giữ, tôi quyết định xổ bỏ ra kinh Đập Đá, rồi phơi ao cho đến nay. Thú thật cho đến giờ này tôi vẫn không thể hiểu tại sao tôm bị chết hàng loạt như thế?”.
 
Ông Cao Văn Huấn (ấp Nam Chánh) có 8 ao tôm bị chết, thiệt hại trên 300 triệu đồng. Ông Huấn nói, số tiền vay ngân hàng để đầu tư vụ tôm này coi như “phủi tay”. Giờ ông phải hỏi tiền bên ngoài, chịu lãi 4%/tháng để mua tôm giống, thức ăn nuôi tiếp. “Nếu không vay thì lấy vốn đâu để nuôi tôm. Mà không nuôi tôm thì lấy gì trả nợ? Đành phải “đánh cược” với  vụ mùa sau vậy”, ông Huấn nói.

Tuy nhiên, do xứ này ai cũng chịu chung cảnh tôm chết, nên kiếm được nơi vay tiền để tiếp tục thả tôm nuôi như ông Huấn không phải dễ. Nhiều người chấp nhận vay với lãi suất cao, nhưng không ai cho vay. Trong khi đó, các “đại gia” cũng đang vét túi, chuẩn bị đầu tư cho vụ tôm mới.

Chẳng biết khi vào vụ, sẽ có bao nhiêu người ở xứ này do không chạy ra tiền phải “treo ao”, ôm nợ? Rồi vụ nuôi mới sẽ suôn sẻ hay lại xảy ra bất trắc nữa?... Những câu hỏi không vui ấy, chẳng hiểu sao, cứ bám riết lấy tôi ngay từ khi vừa rời chân khỏi vùng tôm công nghiệp lớn nhất miền Tây này.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.